Thanh Hóa: Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn
Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, các đại biểu đã đặt ra câu hỏi: "Thanh Hóa có diện tích đất nông, lâm nghiệp rất lớn, nhưng việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn chậm, chưa có các vùng trồng cây nông, lâm nghiệp quy mô lớn; có giá trị gia tăng cao gắn với thương hiệu sản phẩm như một số tỉnh phía Bắc, nhất là trên địa bàn trung du, miền núi. Đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết nguyên nhân, giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới để có các vùng trồng cây nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn; có hiệu quả kinh tế cao và thương hiệu sản phẩm".
Đồng chí Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời chất vấn, giải trình với HĐND tỉnh và cử tri trong tỉnh các nội dung liên quan.
Ông cho biết: toàn tỉnh hiện có 243.122 ha đất sản xuất nông nghiệp (đứng thứ 18 cả nước), chiếm 21,9% tổng diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đất trồng lúa hơn 138.900 ha, đất trồng cây hàng năm khác gần 58.540 ha, đất trồng cây lâu năm gần 45.700 ha. Hiện nay, các hộ gia đình, cá nhân sử dụng 205.054 ha, các tổ chức đang sử dụng 38.068 ha, chủ yếu nằm ở các nông trường trước kia, nay là các Công ty TNHH 2 thành viên và quỹ đất dự phòng của các địa phương. Về diện tích đất sản xuất lâm nghiệp, toàn tỉnh có gần 691.150 ha, chiếm 75,48% tổng diện tích tự nhiên (đứng thứ 3 cả nước). Hiện nay, các hộ gia đình, cá nhân đang quản lý và sử dụng hơn 352.076 ha; các tổ chức 295.990 ha.
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ tập trung 16.240 ha đất nông nghiệp; chuyển đổi gần 11.140 ha đất lúa, gần 3.270 ha đất trồng mía, 1.412 ha đất trồng sắn,gần 4.970 ha đất trồng cao su; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp liền kề thành những vùng sản xuất tập trung, mở rộng và phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn và nâng cao hiệu quả kinh tế theo đúng định hướng, hình thành các chuỗi giá trị, gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụ, trong đó có sản phẩm được chế biến sâu như: Tinh bột sắn, ớt tươi, sợi gai… Sau tích tụ, đã hình thành những vùng sản xuất lớn với nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng và tham gia vào thị trường xuất khẩu, thu kim ngạch hàng chục triệu USD/năm.
Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp được quan tâm, chú trọng trong đó có các sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt; đến nay, toàn tỉnh đã có 236 sản phẩm OCOP, trong đó 92 sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt được xếp hạng từ 3 sao trở lên (chiếm 38,98%). Bên cạnh đó, có 2 sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý là bưởi Luận Văn và cói Nga Sơn, có 5 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể; 1 sản phẩm được cấp nhãn hiệu chứng nhận là cam Vân Du. Hiện nay đang xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với 1 sản phẩm là bưởi Bắc Lương huyện Thọ Xuân, có 3 sản phẩm xuất khẩu đi Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã tích tụ tập trung 13.152 ha đất lâm nghiệp; các loại giống mới có năng suất cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được đưa vào trồng rừng, thay thế các loại giống có năng suất chất lượng thấp. Sản xuất giống cây lâm nghiệp chuyển mạnh từ bằng hạt sang giống nuôi cấy mô, các giải pháp phục tráng rừng luồng, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn tiếp tục được thực hiện; các giải pháp trồng rừng theo phương thức hỗn giao tiếp tục được triển khai thêm hơn 2.000 ha mỗi năm, góp phần tăng khả năng phòng hộ của rừng, hạn chế xói mòn, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng một cách bền vững.
Trước vấn đề chất vấn của đại biểu, đồng chí Giám đốc NN&PTNT cũng đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh tích tụ đất đai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả kinh tế nền nông - lâm nghiệp tỉnh nhà.
Về trồng trọt, trên cơ sở kết quả xây dựng bản đồ nông hóa, rà soát điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở từng địa phương; chuyển đổi diện tích đất trồng cây hàng năm và lâu năm khác (đất trồng mía, sắn, cao su,...) hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn (như cây ăn quả, cây gai…); thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nhất là chuyển đổi sang các giống cây trồng trái vụ. Đồng thời, phát triển sản xuất rau, hoa công nghệ cao, cây dược liệu, các cây công nghiệp dài ngày ở những nơi có lợi thế… Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng cơ giới hóa, biện pháp thâm canh bền vững.
Về lâm nghiệp, cần đẩy mạnh từ trồng rừng bằng cây giống thực sinh (bằng hạt) sang cây giống sinh dưỡng (nuôi cấy mô, hom); đưa các loại giống mới có năng suất cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vào trồng rừng. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thâm canh rừng trồng, phục tráng rừng luồng, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị; tăng cường chuỗi liên kết giữa người trồng rừng và đơn vị chế biến kết hợp đổi mới công nghệ, đi vào chế biến sâu, chế biến tinh góp phần nâng cao giá trị gia tăng. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng công tác thông tin thị trường, xử lý thông tin nhanh và dự báo chính xác tình hình cung - cầu, giá cả thị trường, rào cản kỹ thuật thương mại... nhằm giúp doanh nghiệp chủ động hội nhập kinh tế, giảm rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa.
Để khắc phục tình trạng "được mùa mất giá" đối với các sản phẩm nông - lâm sản, đồng chí Cao Văn Cường đã phân tích các nguyên nhân, đồng thời đưa ra nhiều nhóm nhiệm vụ, như: Định hướng, vận động nông dân đưa giống cây trồng theo đúng quy hoạch vào canh tác; xóa bỏ sản xuất nhỏ lẻ manh mún, phát huy vai trò các HTX, tăng cường liên kết sản xuất, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Phải xây dựng được các vùng nguyên liệu bền vững gắn với nhà máy chế biến; phát huy giá trị những vùng cây trồng đặc trưng như cói, vầu, luồng… Đặc biệt, để tạo lợi thế cạnh tranh cần phải có những chính sách đặc thù, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu sản phẩm nông - lâm nghiệp. Phải lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, "bệ đỡ" để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn giàu có, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc
Phát biểu kết luận nội dung chất vấn này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng cho rằng, các vấn đề chất vấn đều rất thực tiễn, đang được cử tri trong tỉnh quan tâm. Qua trả lời và sự tranh luận, đã cho thấy rõ nét thực trạng sản xuất nông - lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn nêu ra những tồn tại của ngành, như việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vẫn còn chậm, chưa có các vùng trồng cây nông - lâm nghiệp quy mô lớn có giá trị gia tăng cao gắn với thương hiệu sản phẩm, nhất là trên địa bàn các huyện trung du và miền núi…
Để thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng và có các vùng sản xuất nông - lâm nghiệp quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn với thương hiệu sản phẩm, nhất là trên địa bàn các huyện trung du và miền núi trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng yêu cầu UBND tỉnh, các ban, sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 phù hợp với thực tiễn, tạo động lực cho sản xuất; rà soát, điều chỉnh các vùng sản xuất tập trung, tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, phải tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng cường vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các sở ngành có liên quan, MTTQ, các đoàn thể chính trị, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để tổ chức có hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế chính sách thông thoáng, cởi mở thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Khẩn trương hoàn thiện và triển khai thực hiện các phương án sắp sếp tổng thể, đổi mới các công ty nông - lâm nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xây dựng sàn giao dịch nông sản, kết nối tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm nông sản, quảng bá sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Xây dựng, thiết lập mã vùng trồng, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, đăng ký bảo hộ, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu… cho nông, lâm sản.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng cũng nhấn mạnh: tăng trưởng trong sản xuất nông - lâm nghiệp sẽ tạo ra nguồn của cải vật chất lớn cho xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đại bộ phận người dân trong tỉnh. Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng, người đông, dư địa để phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn lớn, bởi vậy tỉnh muốn phát triển kinh tế - xã hội thì phải đi bằng cả 2 chân, nghĩa là phải phát triển cả công nghiệp và nông nghiêp. Có như vậy thì nền kinh tế mới tăng trưởng vững chắc, mới thực hiện hóa thành công Nghị quyết 58 của Bộ chính trị được. Theo đó, trách nhiệm đặt ra cho cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan càng nặng nề, phải có giải pháp căn cơ, cụ thể cho phát triển nông - lâm nghiệp hiện đại, bền vững và hiệu quả.
Yến HoàngXu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục lan rộng trong tháng 11 khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cạnh tranh, áp dụng mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, đặc biệt dành cho các khoản tiền gửi dài hạn.