Thanh Hóa tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp xanh

Địa phương
08:43 AM 29/04/2025

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch... tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững, bước đầu đã có các mô hình sản xuất cây trồng theo hướng hữu cơ đạt hiệu quả cao.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ngày càng chú trọng đến chất lượng và an toàn thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ đã trở thành xu hướng tất yếu. Tại Thanh Hóa, việc phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thanh Hóa tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp xanh- Ảnh 1.

Mô hình nho xanh tại xã Xuân Du, đã tạo ra một làn sóng mới trong ngành nông nghiệp của địa phương

Thanh Hóa đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trọng tâm là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các ngành kinh tế xanh, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa đã vận dụng các cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung đất đai, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân... để hỗ trợ, hình thành và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, bền vững. Các địa phương đã khuyến khích người dân phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn để giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra các sản phẩm an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 200 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau, quả chất lượng. Đồng thời, mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đến nay đạt khoảng 840ha; trong đó, Công ty CP Mía đường Lam Sơn triển khai mô hình lúa hữu cơ tại các huyện với diện tích 280ha; mô hình lúa hữu cơ tại các xã Định Tiến, Quý Lộc, Định Long (Yên Định) với diện tích 30ha; mô hình lúa - cá hữu cơ tại xã Hà Lĩnh (Hà Trung) với diện tích 200ha; mô hình lúa - rươi tại Quảng Xương, Nông Cống với diện tích 10ha...

Thanh Hóa tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp xanh- Ảnh 2.

Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của gia đình anh Lê Ngọc Nam, ở thôn Hạ Vũ 1, xã Hoằng Đạt, Hoằng Hóa cho hiệu quả kinh tế cao

Toàn tỉnh có 72 doanh nghiệp lớn đã hình thành các chuỗi chăn nuôi với công nghệ tiên tiến, quy mô lớn, gắn với nhà máy chế biến và tiêu thụ sản phẩm đang mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi, trong đó có nhiều doanh nghiệp có tiềm lực, uy tín như: C.P, Golden, Mavin, Newhope, DABACO, Phú Gia...

Xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn (VietGAP, hữu cơ, theo hướng hữu cơ) đã và đang phát triển mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh hiện có trên 200 ha ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà màng để sản xuất rau, quả, hoa; gần 2.500 ha sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP; 13,6 ha đạt chứng nhận hữu cơ và khoảng 5.100 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, chủ thể luôn tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu theo các tiêu chuẩn, lựa chọn phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh để chăm sóc cây trồng

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có trên 15 ha cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ; gần 6.000 ha diện tích cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó: diện tích lúa hơn 4.400 ha.

Thanh Hóa tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp xanh- Ảnh 3.

Trang trại trồng bưởi hữu cơ của ông Vũ Văn Chiến đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm 2024, ngành nông nghiệp đã triển khai thí điểm dự án "Tạo tín chỉ Carbon trong sản xuất lúa" vụ Thu mùa, với diện tích trên 90 ha tại xã Yên Phong, huyện Yên Định, bước đầu cho kết quả khá tốt, giảm được 4,84 tấn CO2 quy đổi/ha, tương đương 4,84 tín chỉ carbon/1 ha; vụ xuân 2025 tiếp tục mở rộng dự án thí điểm sản xuất lên 1.200ha lúa tạo tín chỉ carbon tại 10 xã trên địa bàn huyện Yên Định. 

Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa đã ký kết hợp tác với công ty của Nhật Bản xây dựng và triển khai Dự án "Giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng tín chỉ carbon trong sản xuất lúa tại tỉnh Thanh Hoá". Thời gian thực hiện từ năm 2024 đến năm 2033, với quy mô diện tích năm 2025 là 200ha, đến năm 2030 mở rộng đạt 50.000ha.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ tại Thanh Hóa, Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36 đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Trên diện tích canh tác hàng chục héc ta, công ty đã triển khai hệ thống nhà kính, tưới tiêu tự động và công nghệ giám sát sinh trưởng tiên tiến, giúp kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường, hạn chế tối đa tác động của sâu bệnh mà không cần sử dụng hóa chất. Chính nhờ quy trình kiểm soát nghiêm ngặt và ứng dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm của công ty luôn đảm bảo sạch, an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ và được thị trường đón nhận tích cực.

Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng, mô hình trang trại tuần hoàn đã giúp người sản xuất vừa giảm chi phí đầu vào, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng chính là những điều căn cốt mà một nền nông nghiệp thông minh hướng đến.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Dự kiến kiểm định khí thải ô tô vào 1/1/2026 Dự kiến kiểm định khí thải ô tô vào 1/1/2026

Ô tô sản xuất từ năm 2017 sẽ kiểm định khí thải từ ngày 1/1/2026, ô tô cũ hơn kiểm định ngay khi quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ô tô lưu hành ở Việt Nam có hiệu lực.