Thanh Hóa: Tất cả vì mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt trong thời gian gần đây liên tục xuất hiện các ca dương tính trong cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây. Điều này đã đặt ra cho tỉnh Thanh Hóa nhiều thách thức mới. Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch đã nhanh chóng triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống dịch. Mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng của Nhân dân.
- Thanh Hóa: Kêu gọi cán bộ, nhân viên y tế đã nghỉ hưu tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19
- Thanh Hóa: Tạm dừng đến trường tất cả các bậc học đối với TP. Thanh Hóa và các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, 16
- Thanh Hóa: Đảm bảo công tác xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19
- Danko Group: Chung tay cùng công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tỉnh Thanh Hóa
Trong hội nghị diễn ra chiều ngày 30/8, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng khẳng định: Gần 2 năm qua, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, sở, ngành, đoàn thể, đã nỗ lực cố gắng rất cao, hoạt động rất tích cực, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Qua đó, đã góp phần kiểm soát dịch, bệnh trên địa bàn tỉnh. Qua 3 làn sóng COVID -19, Thanh Hóa đều là tỉnh có nguy cơ thấp, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, trong làn sóng dịch lần thứ 4, mặc dù đã có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng chúng ta vẫn đang kiểm soát được tình hình, hạn chế lây lan, bảo vệ an toàn tính mạng cho Nhân dân.
Trước những diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh, thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã sớm tổ chức kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; đồng thời thành lập các Tiểu ban, tổ giúp việc cho BCĐ nhằm rà soát, bổ sung các phương án, kế hoạch, các biện pháp phòng, chống dịch cần phải khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ với phương châm " thời gian là vàng" sao cho phù hợp với tình hình mới.
Thảo luận tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo và thành viên BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã đóng góp những vấn đề chủ chốt, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, đồng thời góp ý để hoàn thiện kế hoạch của các Tiểu ban.
Về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, các đại biểu cho rằng đây là nhiệm vụ khó nhất, nặng nề nhất và cũng là quan trọng nhất. Hiện tại Ngành Y tế đã xây dựng tháp điều trị 3 tầng theo mức độ nặng hay nhẹ của bệnh nhân; xây dựng kế hoạch điều trị 4 cấp theo số lượng bệnh nhân, từ dưới 1.000 ca, 3.000 ca, 5.000 ca đến 10.000 ca bệnh.
Các đại biểu đề nghị cần phải rà soát, thống kê, đánh giá chính xác về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên y tế, trang thiết bị kỹ thuật, vật tư hóa chất phục vụ công tác xét nghiệm và điều trị. Từ đó chủ động chuẩn bị, bổ sung để đáp ứng trong mọi tình huống dịch. Nghiên cứu thành lập bộ phận điều phối mẫu xét nghiệm để nhịp nhàng, hiệu quả, kịp thời hơn. Công tác huy động nguồn lực phải thiết thực, hiệu quả, tránh chồng chéo, đảm bảo công khai, minh bạch. Chủ động xây dựng phương án đảm bảo an sinh xã hội theo từng diễn biến, cấp độ của tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo phương châm "4 tại chỗ" là chủ yếu.
Công tác cách ly; phương án tổ chức năm học mới 2021-2022; việc triển khai tiêm vắc - xin phòng COVID-19 trong thời gian tới; vấn đề đi lại giữa các địa phương trong tỉnh; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong tình hình mới…cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận và lên kế hoạch cụ thể.
Cuối hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đỗ Trọng Hưng ghi nhận, biểu dương và trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, tình hình dịch, bệnh trong nước, trong tỉnh đang diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, nguy hiểm và khó lường. Trong khi đó, điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, con người, vật tư thiết bị của tỉnh có hạn; trong tổ chức thực hiện có lúc, có việc còn lúng túng, chưa hiệu quả. Tình hình trên đặt ra yêu cầu phải tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Các thành viên BCĐ phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, với phương châm là "Thần tốc, mạnh mẽ, nghiêm ngặt các giải pháp và cương quyết, ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế tối đa số người nhiễm, phấn đấu không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn tỉnh", tận dụng "thời gian vàng" để truy vết, khoanh vùng và dập dịch, tất cả vì mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của Nhân dân.
Tất cả các kịch bản, kế hoạch, biện pháp, nhiệm vụ phòng chống COVID-19 đã được tỉnh xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện từ khi dịch, bệnh mới xuất hiện, nhưng trong tình hình mới, diễn biến mới, cần được điều chỉnh, bổ sung và nâng cao hơn.
Các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, mỗi người dân phải coi nhiệm vụ phòng, chống dịch trước hết là nhiệm vụ của mình, không ai được đứng ngoài cuộc. Phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào chính mình, dựa vào Nhân dân để chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ"; đồng thời tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương; huy động có hiệu quả nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi người dân đều hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch COVID-19, nắm vững các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch để tự giác thực hiện. Đồng thời, củng cố lòng tin của Nhân dân vào công tác phòng, chống dịch của cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng; không chủ quan lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, hoảng loạn.
Kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào địa bàn tỉnh; quản lý chặt chẽ người và phương tiện đi lại giữa các địa phương trong tỉnh, nhất là ở các địa phương đang phong tỏa, giãn cách xã hội để ngăn chặn nguồn lây lan. Khi phát hiện ca F0 trong cộng đồng thì phải truy vết thần tốc, do lực lượng Công an làm nòng cốt. Việc tổ chức cách ly phải phù hợp với mức độ nguy cơ của từng đối tượng, đồng thời giám sát chặt chẽ để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo khi có mầm bệnh.
Các ngành, địa phương cũng phải chủ động xây dựng kịch bản, phương án cách ly trong trường hợp số người phải cách ly tăng cao. Việc tầm soát, sàng lọc phải được mở rộng, nhanh chóng, xác định rõ đối tượng và khu vực ưu tiên làm trước; xây dựng quy trình vận chuyển và điều phối mẫu xét nghiệm hợp lý, trả kết quả nhanh.
Riêng Ngành Y tế phải chủ trì rà soát, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, vật tư hóa chất cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Về cơ sở vật chất, ngoài các bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19, phải bố trí cả các bệnh viện vừa điều trị bệnh nhân thông thường và bệnh nhân COVID-19, bố trí khu vực riêng, lối đi riêng, đội ngũ riêng để đảm bảo an toàn. Về đội ngũ, cần tính đến phương án huy động sinh viên các trường Y trên địa bàn và các cán bộ, nhân viên Y tế đã nghỉ hưu, đủ điều kiện sức khỏe và sẵn sàng tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.
Về thiết bị, vật tư, hóa chất phải xác định rõ đang thiếu gì, cần bổ sung gì, nhất là những loại thiết yếu như ô xy, máy thở, giường bệnh, bộ test nhanh, xe vận chuyển bệnh nhân…
Về kế hoạch tổ chức năm học mới 2021-2022, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo đó là, đối với học sinh mầm non tạm thời chưa đi học. Đối với học sinh tiểu học chỉ học 1 buổi, chưa tổ chức bán trú; không tổ chức lễ khai giảng riêng vào ngày 5-9 như kế hoạch, mà tổ chức đầu buổi học ngày 6-9 với hình thức phù hợp, đảm bảo an toàn. Các trường học ở những địa phương đang thực hiện cách ly xã hội hoặc giãn cách xã hội chưa tổ chức năm học mới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ yêu cầu các Tiểu ban hoàn chỉnh lại các kế hoạch theo hướng cụ thể, rõ việc, rõ trách nhiệm, dễ hiểu và dễ thực hiện, trình Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành trong ngày 31-8 để triển khai thực hiện ngay. Sau hội nghị này, các Tiểu ban chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ theo phân công, khi có tình huống phát sinh thì báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng bày tỏ sự tin tưởng với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn và sự chuẩn bị chủ động, chu đáo, sẵn sàng về mọi mặt, Thanh Hóa sẽ nhanh chóng khống chế, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là thời gian vàng, phải tận dụng để khống chế không cho dịch bệnh lây lan. Cán bộ và người dân phải giữ vững quan điểm, bình tĩnh, không hoang mang. Thực hiện các phương án phòng chống dịch sáng suốt, quyết liệt và hiệu quả. Cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, rà soát lại tất cả các khâu, các công việc, biện pháp phòng, chống dịch đang thực hiện. Khâu nào yếu phải chấn chỉnh ngay, phải dứt khoát quan điểm " Ai không làm được việc đứng sang một bên", có như vậy mới giữ vững được những thành quả đã đạt được.
Yến HoàngNăm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.