Thanh Hóa: Thành lập doanh nghiệp mới theo hướng bền vững
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 2.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Với kết quả này tỉnh Thanh Hóa hiện đang đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ về số doanh nghiệp mới được thành lập.
Tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế mạnh mẽ với kế hoạch thành lập thêm nhiều doanh nghiệp mới trong năm 2024. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp và chương trình hỗ trợ để hoàn thành mục tiêu này, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành điểm sáng trong phong trào khởi nghiệp, sáng tạo và phát triển doanh nghiệp trên cả nước.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 80,37% kế hoạch, tăng 22,51% so với cùng kỳ; vốn điều lệ đăng ký đạt gần 18.500 tỷ đồng, tăng 43,5% so với cùng kỳ, vốn điều lệ đăng ký bình quân đạt 7,64 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh Thanh Hóa trong 9 tháng năm 2024 đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. Một số địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao so với kế hoạch là Như Xuân đạt 180%, Thường Xuân đạt 173,3%, Thiệu Hóa 156,4%, Triệu Sơn 126,7%, Nông Cống 124,6%, Bá Thước 110%.
Năm 2024, huyện Triệu Sơn đặt mục tiêu thành lập 70 doanh nghiệp mới để thúc đẩy phát triển kinh tế. Huyện tận dụng lợi thế từ các ngành như may mặc, giày da và vật liệu xây dựng để thu hút doanh nghiệp. Đối với các hộ kinh doanh và chủ trang trại đủ điều kiện, huyện tăng cường tuyên truyền về chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp của Nhà nước và cung cấp thông tin về thủ tục kê khai thuế.
Ngoài ra, huyện triển khai chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và UBND tỉnh để nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp. Phòng Tài chính - Kế hoạch hướng dẫn hoàn thành thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đồng thời ban hành cơ chế hỗ trợ 2,5 triệu đồng cho mỗi doanh nghiệp mới thành lập. Huyện còn duy trì các cuộc gặp định kỳ giữa Chủ tịch UBND huyện và doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Trong 9 tháng năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện đạt 77,8% kế hoạch, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Huyện thành lập mới 95 doanh nghiệp, vượt 26,7% kế hoạch tỉnh giao, tăng 31,9% so với cùng kỳ, đứng thứ 6 toàn tỉnh. Có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực quyết tâm rất lớn của cấp ủy Đảng, chính quyền, Nhân dân trong huyện còn có sự đóng góp quan trọng từ phía các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Với mục tiêu, thành lập ít nhất 80 doanh nghiệp mới trong năm 2024, huyện Yên Định đã triển khai một loạt giải pháp toàn diện. UBND huyện không chỉ ban hành nhiều văn bản hướng dẫn mà còn xây dựng các chính sách cụ thể hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, giúp người dân và hộ kinh doanh hiểu rõ các chủ trương, chính sách thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, tạo động lực cho những cá nhân và tổ chức tham gia thị trường kinh doanh.
Huyện đã đầu tư mạnh vào hạ tầng sản xuất, kinh doanh và các dự án lớn như Cụm Công nghiệp phía Tây Bắc thị trấn Quán Lào, Cụm Công nghiệp làng nghề đá Yên Lâm... mở ra nhiều cơ hội thuê mặt bằng cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh. Đồng thời, huyện yêu cầu các xã, thị trấn công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để doanh nghiệp và cá nhân dễ dàng tiếp cận và nghiên cứu, từ đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào khu vực.
Song song với đó, huyện còn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Việc đào tạo, tư vấn pháp lý và nâng cao kỹ năng quản trị kinh doanh cho các chủ doanh nghiệp mới cũng được chú trọng. Chính quyền khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số và tham gia các nền tảng thương mại điện tử để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Những nỗ lực này đã mang lại kết quả tích cực, 9 tháng năm 2024 Yên Định đã thành lập được 58 doanh nghiệp mới, đạt 73,1% kế hoạch năm và tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một thành tích đáng khích lệ, kết quả này không chỉ phản ánh quyết tâm của huyện trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, mà còn góp phần tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Định đã có hơn 700 doanh nghiệp, trong đó có gần 600 doanh nghiệp đang hoạt động. Hàng năm, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 50 tỷ đồng vào tổng thu ngân sách của huyện; giải quyết công ăn, việc làm ổn định cho khoảng 27.000 lao động; tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, làm tốt công tác an sinh xã hội.
Cũng là một trong những Huyện luôn hoàn thành xuất sắc kế hoạch phát triển doanh nghiệp hàng năm, thường đạt mục tiêu sớm hơn thời hạn, huyện Thọ Xuân không chỉ thực hiện các giải pháp như tuyên truyền, vận động và rà soát các hộ cá thể để phát triển doanh nghiệp mà còn tận dụng tốt vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị trong việc phát hiện và hỗ trợ các nhân tố tiềm năng, từ đó thúc đẩy việc thành lập doanh nghiệp.
Trong 9 tháng năm 2024, huyện Thọ Xuân đã thành lập được 110 doanh nghiệp mới, huyện đang tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ từ cấp huyện xuống cơ sở với mục tiêu thành lập 150 doanh nghiệp mới trong năm nay.
Hiện nay, toàn huyện Thọ Xuân có hơn 700 doanh nghiệp. Những năm qua, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã hăng hái thi đua sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Các doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho hơn 20.000 lao động trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống Nhân dân; đồng thời, tích cực tham gia các phong trào xã hội từ thiện như ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi thiên tai, ủng hộ người nghèo, gia đình chính sách khó khăn về nhà ở...
Có được kết quả trên, bên cạnh nỗ lực của tỉnh và ngành chức năng trong tỉnh Thanh Hóa, nhiều huyện đã xây dựng các chính sách cụ thể hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Nhất là đầu tư mạnh vào hạ tầng sản xuất, kinh doanh như cụm công nghiệp tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng thuê mặt bằng. Nhiều địa phương còn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận pháp lý, tiếp cận vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng. Những biện pháp này đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp.
Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong phát triển doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã liên tục tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa tháo gỡ khó khăn về nguồn lực đất đai, tài chính và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tập trung cải cách thủ tục hành chính và phối hợp với Thanh tra tỉnh để chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn.
Thời gian tới, mong rằng tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục quan tâm, có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả và bền vững, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành điểm sáng trong phong trào khởi nghiệp, sáng tạo và phát triển doanh nghiệp trên cả nước.
Vũ QuỳnhTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.