Thanh Hóa: Thành lập mới 19 doanh nghiệp trong lĩnh vực Nông nghiệp

Địa phương
11:00 AM 03/04/2024

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, 3 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã thành lập thêm 19 doanh nghiệp hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thanh Hóa được xác định là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị kinh tế cao. Với mục tiêu thành lập mới được nhiều doanh nghiệp, Thanh Hóa cũng có nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản… bước đầu đã mang lại kết quả tích cực.

Thanh Hóa: Thành lập mới 19 doanh nghiệp trong lĩnh vực Nông nghiệp- Ảnh 1.

Nhà máy dứa xuất khẩu của Công ty Tư Thành, TP Thanh Hoá

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, 3 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã thành lập thêm 19 doanh nghiệp hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Lũy kế đến hết tháng 3/2024, Thanh Hóa có 1.347 doanh nghiệp đầu tư, tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 21.000 lao động,với thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 2 liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, giá trị kinh tế của lĩnh vực nông nghiệp trong tỉnh.

Để gia tăng số lượng, chất lượng, hiệu quả của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh tích tụ tập trung đất đai và thực hiện xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Đồng thời, có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa nền nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa phát triển theo đúng định hướng quy mô lớn, công nghệ cao.

Có được kết quả đó, Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động, hỗ trợ chi phí sử dụng chữ ký số, hỗ trợ chi phí chuyển phát kết quả thủ tục hành chính, triển khai tích cực cẩm nang hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh… Tổ chức các khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, bồi dưỡng kiến thức về quản trị kinh doanh; qua đó, kết nối việc làm, tạo việc làm cho gần 40 nghìn lao động.

Phát huy kết quả đạt được, Thanh Hóa tiếp tục đề ra các giải pháp quyết liệt, như đẩy mạnh tiến độ xây dựng "Chính quyền điện tử" để giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; thực hiện mô hình "Tổ công tác liên ngành" trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, loại bỏ các đầu mối, công đoạn xử lý chồng chéo, thiếu trách nhiệm, trong giải quyết công việc.

Có thể nói, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu và là giải pháp hiệu quả đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Từ tiềm năng, lợi thế cũng như những nỗ lực, chính sách khuyến kích, hỗ trợ, lĩnh vực thu hút đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng kể.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn