Thanh Hóa: Thành quả sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Chương trình OCOP tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có hàng loạt kế hoạch, quyết định phê duyệt và khởi động Chương trình OCOP. Đồng thời, giao Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh là cơ chuyên trách triển khai thực hiện.
Công tác tuyên truyền, tập huấn luôn được tỉnh quan tâm và xác định đây là nội dung quan trọng. Ngay từ khi mới triển khai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông tập trung xây dựng các chuyên mục, tin, bài, phóng sự nhằm tuyên truyền sâu rộng về nội dung Chương trình OCOP. Qua đó giúp các cấp, ngành, địa phương, các thành phần kinh tế tư nhân, tập thể trên địa bàn tỉnh hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách thức triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Hơn 4 năm triển khai, tỉnh đã tổ chức tập huấn cho trên 7.300 lượt người là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, hội, đoàn thể các cấp; các doanh nghiệp, HTX và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến chương trình OCOP.
Đồng thời, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025; trong đó, có các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Cùng với đó, nhiều huyện, thị xã, thành phố đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện Chương trình OCOP, như: lồng ghép nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM để hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP.
Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 236 sản phẩm OCOP, trong đó, có 1 sản phẩm xếp hạng 5 sao quốc gia, 51 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, 184 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao của 158 chủ thể thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố.
Để hỗ trợ, "rộng đường" cho sự phát triển của các sản phẩm OCOP được công nhận, các sở, ngành, địa phương đã chú trọng, quan tâm đến công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Nhiều chương trình hội chợ, triển lãm thu hút sự chú ý, quan tâm của người tiêu dùng, thị trường, như: các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại: siêu thị Co.opMart, Khách sạn Sao Mai, Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 tại Hà Nội, bãi biển Sầm Sơn trong dịp khai trương hè Sầm Sơn…
Thông qua các hoạt động xúc tiến, nhiều sản phẩm OCOP đã mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước như: Mắm tôm, mắm tép Lê Gia (Hoằng Hóa) đã xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nam Phi; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty CP sản xuất và chế biến cói xuất khẩu Việt Anh, Công ty TNHH Việt Trang (Nga Sơn) xuất khẩu trực tiếp và bán tại các siêu thị ở Hoa Kỳ; Ghế tre thư giãn cao cấp của công ty TNHH sản xuất và thương mại BambooVina (Hà Trung) đã xuất khẩu đi các thị trường châu Âu; sản phẩm dứa đóng hộp, ngô ngọt đóng hộp của Công ty CP chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống) đã xuất khẩu đi các nước Trung Đông, Nga, châu Âu…
Các sản phẩm OCOP đã được bán rộng rãi trong cả nước bằng hình thức trực tiếp hoặc qua mạng (thương mại điện điện tử), điển hình tới các tỉnh, như: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… Qua khảo sát đánh giá sơ bộ, doanh số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng trưởng bình quân trên 15%, có những đơn vị tăng doanh số gấp đôi, như: HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn, HTX dịch vụ sản xuất Miến gạo Thăng Long, Cơ sở Đông Y Quang Anh...
Đến nay, nhiều thương hiệu sản phẩm đã tạo uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước, như: Nước mắm, mắm tôm, mắm tép Lê Gia; Bánh gai Lâm Thắm; Mật ong Hưởng Hoa; Cam đường canh, cam xã Đoài Như Xuân; Miến gạo Thăng Long; Trà Hoàng Thảo Mộc; Lá xông cảm lạnh, Ngâm chân Mộc Việt...
Thực hiện chương trình OCOP và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong từng nhóm sản phẩm đặc thù của từng địa phương. Đồng thời, phát huy tính sáng tạo của các chủ thể OCOP để nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Cùng với đó, các chủ thể OCOP cũng đã nhận thức và quan tâm hơn đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, không chỉ trong nâng cao chất lượng sản phẩm mà cả trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng, điều này càng có ý nghĩa và tác động tích cực đến sự tồn tại bền vững của chủ thể trong bối cảnh không ít đơn vị khác khó khăn vì dịch bệnh.
Chương trình OCOP cũng đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trong tỉnh. Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh cũng có những bước tăng trưởng khá, với doanh thu bình quân, lãi bình quân, thu nhập bình quân của thành viên trong các HTX tăng.
Chương trình OCOP đã tạo ra một môi trường hoạt động bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền; tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Vì vậy, trong thời gian tới, các ngành, các cấp, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức sinh động khác nhau trên phương tiện thông tin đại chúng, phát hành các bản tin; tổ chức các sự kiện chuyên đề, các hội nghị, hội thảo. Các ngành liên quan, các địa phương chủ động xây dựng chương trình công tác chỉ đạo, kế hoạch cụ thể để thực hiện, phát triển sản phẩm, đưa chương trình OCOP ngày càng đi vào chiều sâu.
Các địa phương cân đối, bố trí ngân sách đảm bảo để thực hiện hiệu quả các nội dung Chương trình OCOP từ nguồn ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Huy động hiệu quả nguồn lực từ cộng đồng (tiền, đất đai, sức lao động, nguyên vật liệu, công nghệ,...) phù hợp với các quy định của pháp luật; triển khai các hoạt động theo Chu trình OCOP thường niên. Huy động nguồn lực tín dụng từ các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP.
Tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt định hướng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng và quản lý thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Phát triển HTX sản xuất nông nghiệp kiểu mới để đẩy mạnh liên kết phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho doanh nghiệp chế biến, tạo thành các chuỗi giá trị sản xuất; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hợp tác xã, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý của đặc sản xứ Thanh, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP.
Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP, kiểm soát chất lượng sản phẩm trong chuỗi giá trị từ nguyên liệu đầu vào đến quy trình chế biến, sản xuất, bảo quản, lưu thông, phân phối tiêu thụ sản phẩm. Duy trì và nâng cấp sản phẩm theo tiêu chuẩn công bố.
Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; tích cực, chủ động tham gia thị trường điện tử, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Hợp tác trong nước và quốc tế nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành Chương trình OCOP trong tỉnh và xúc tiến xuất khẩu đưa ngày càng nhiều sản phẩm OCOP Thanh Hóa ra thị trường quốc tế.
Bùi Công Anh - Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.