Thanh Hóa: Tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp vượt khó

Địa phương
01:26 PM 15/12/2023

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư kinh doanh, chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và sự suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng Thanh Hóa vẫn là điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, với gần 33.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực, hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nhân trẻ tài năng đang hàng ngày nỗ lực xây dựng doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu và tạo ra những giá trị to lớn cho cộng đồng xã hội. Đây là cầu nối để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài về với Thanh Hóa, góp phần quảng bá hình ảnh và giá trị văn hóa đến với thế giới; tạo công ăn việc làm, giảm nghèo, đồng hành với các hoạt động an sinh xã hội của tỉnh.

Thanh Hóa: Tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp vượt khó- Ảnh 1.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa

Về chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã xếp thứ 2 trong 63 tỉnh, thành trong cả nước về chỉ số thành phần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Kết quả này, khẳng định nỗ lực rất lớn của tỉnh Thanh Hóa trong việc quan tâm, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Kip thời tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển

Trên thực tế, thời gian qua nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Thanh Hóa triển khai kịp thời, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của địa phương. Tỉnh Thanh Hóa sớm tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 41 ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ; tuyệt đối không gây phiền hà, sách nhiễu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của doanh nghiệp. Hoạt động của chính quyền các cấp phải đề cao tính phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Thanh Hóa: Tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp vượt khó- Ảnh 2.

Doanh nghiệp may Thanh Hóa.

Đáng ghi nhận là Thanh Hóa thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; cung cấp thông tin về quy hoạch, tín dụng, thị trường, thuế, sản phẩm, công nghệ; hỗ trợ đào tạo, khởi sự doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp…để các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước tác động của các khó khăn, thách thức ngày càng diễn biến nhanh hơn, nhiều hơn, phức tạp hơn.

Cùng với đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tạo sự thân thiện, tin tưởng của doanh nghiệp và doanh nhân với chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.

Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, những năm gần đây, Thanh Hóa luôn đứng trong top đầu cả nước về thành lập và phát triển doanh nghiệp. Năm 2022, toàn tỉnh Thanh Hóa có trên 3.700 doanh nghiệp thành lập mới, gần 1.300 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động.

Đến tháng 11/2023, toàn tỉnh đã thành lập mới 2.927 doanh nghiệp, bao gồm: 2.502 công ty trách nhiệm hữu hạn, 412 công ty cổ phần và 13 doanh nghiệp tư nhân. Dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, sau các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, đạt 97,6% kế hoạch, giảm 7,3% so với cùng kỳ; tổng vốn điều lệ đăng ký 17.739 tỷ đồng, bình quân vốn điều lệ đăng ký đạt 6,1 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Có thể nói, sự quan tâm, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của Thanh Hóa đã tạo ra động lực để các doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập mới từ 15.000 doanh nghiệp trở lên trong giai đoạn 2020-2025.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã có 22/27 huyện, thị, thành phố hoàn thành vượt kế hoạch phát triển doanh nghiệp năm 2023. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Việc tỉnh Thanh Hóa hoàn thành vượt mục tiêu phát triển doanh nghiệp mới đã khẳng định nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp thành lập mới vẫn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Thanh Hóa: Tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp vượt khó- Ảnh 3.

Công ty CP Đầu tư phát triển Vicenza sản xuất dòng sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn châu Âu và Hoa Kỳ.

Theo ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Chi nhánh Thanh Hóa cho biết, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường trực VCCI, UBND tỉnh Thanh Hóa và sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI Thanh Hóa đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. VCCI Thanh Hóa luôn quan tâm, duy trì mối quan hệ gắn bó xuyên suốt với các doanh nghiệp hội viên nhằm tạo sự gắn kết, hợp tác cùng phát triển trong cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa.

Để tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh khẳng định và cam kết sẽ nỗ lực hết mình, thượng tôn pháp luật, cùng với cả hệ thống chính trị ra sức thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi, tạo nhiều công ăn việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Từ thực tiễn và những vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quan tâm

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển doanh nghiệp tại Thanh Hóa vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, đa số các địa phương trong tỉnh có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ, trong khi đó số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao so với cùng kỳ. 

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa chiếm trên 97%, công tác quản trị doanh nghiệp, chất lượng lao động, trình độ ứng dụng và đổi mới kỹ thuật công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế. Tính liên kết, hợp tác kinh doanh nhằm tham gia chuỗi giá trị chưa cao, dẫn đến sức cạnh tranh, chống chịu với suy thoái của thị trường trong giai đoan hiện nay của các doanh nghiệp chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức, chưa chủ động nắm bắt tình hình hoạt động, những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ.

Thanh Hóa: Tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp vượt khó- Ảnh 4.

Một góc thành phố Thanh Hóa.

Đáng chú ý, một trong những chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đang được tỉnh Thanh Hóa triển khai hiệu quả và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là các chuơng trình đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân và khởi sự doanh nghiệp cho cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Đồng thời, Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026. Trong đó, mỗi năm Thanh Hóa đều dành hàng chục tỷ đồng để triển khai các chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Nổi bật như các chính sách hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi số và xây dựng doanh nghiệp công nghệ số; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, tiếp cận thị trường xuất khẩu mới…

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng luôn nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư kinh doanh, chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn chung, năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt 38.010 tỷ đồng, vượt 8% dự toán và bằng 74% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng số doanh nghiệp quay trở lại thị trường thấp, doanh nghiệp giải thể tăng cao…

Đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục tháo gỡ các khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển; khuyến kích doanh nghiệp chủ động đổi mới, ứng dụng những tiến bộ của công nghệ số, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đưa các sản phẩm sản xuất của địa phương này chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn