Thanh Hóa: Thêm nhiều sản phẩm OCOP chất lượng được công nhận

Sản phẩm - Dịch vụ
01:28 PM 20/09/2022

Cuối tháng 8 vừa qua, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm đợt 2 năm 2022. Qua kiểm tra, phân tích từng tiêu chí theo yêu cầu, hội đồng đã công nhận thêm 40 sản phẩm OCOP mới, đưa tổng số sản phẩm hiện tại trên địa bàn tỉnh là 236 sản phẩm. Cả 2 đợt đánh giá, xếp hạng sản phẩm gần đây nhất, có nhiều sản phẩm là nông sản, sản vật địa phương được đánh giá cao về chất lượng.

Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Thời gian gần đây, các cán bộ tổ OCOP của đơn vị tăng cường đến các huyện để chủ động rà soát, phát hiện những sản phẩm địa phương có chất lượng tốt, tiềm năng thành sản phẩm OCOP. 

Trong gần 9 tháng qua, các cán bộ đơn vị đã giới thiệu khoảng hơn 20 sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP. Từ đó, chủ thể sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt được hướng dẫn xây dựng và đăng ký quy trình quản lý chất lượng, có bao bì, tem nhãn cho sản phẩm, xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng… 

Thực tế, nhiều sản phẩm chất lượng tốt nhưng sản xuất kiểu truyền thống không có tên, đã được tư vấn đặt tên cho phù hợp, như măng muối chua ở xã Thanh Hòa (Như Xuân), cơm lam ở xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy).

Thanh Hóa: Thêm nhiều sản phẩm OCOP chất lượng được công nhận - Ảnh 1.

Sản xuất bánh đa nem mềm An Chi ở xã Đông Văn (Đông Sơn).

Cũng theo ông Bùi Công Anh, trong số những sản phẩm mới được công nhận đạt chuẩn OCOP, có nhiều sản phẩm chất lượng tốt, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, như thịt lợn an toàn Xuân Hiếu của huyện Nông Cống, măng chua Piềng Cú của đồng bào xã Phú Nghiêm (Quan Hóa), bánh đa nem mềm An Chi ở xã Đông Văn (Đông Sơn), ống hút tre ở xã Thăng Thọ (Nông Cống), Trống đồng Bảy Tuyên và Tranh đồng cá chép trông trăng Bảy Tuyên ở xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa)…

Nằm cuối dòng sông Lèn gần cửa Lạch Sung hợp lưu với biển, xã Nga Bạch (Nga Sơn) có nghề đánh bắt hải sản gần bờ và nghề làm mắm truyền thống nhiều đời nay. Bạch Câu – một làng biển cổ trong xã có nghề làm mắm nên sản phẩm nước mắm, mắm tôm ở đây từ lâu đã được "định danh" với tên gọi Bạch Câu theo cách gọi dân gian. 

Tuy nhiên, lâu nay, việc sản xuất mắm quy mô nhỏ lẻ, chưa chú trọng truyền thông nên sản phẩm truyền thống này chưa mấy nổi tiếng. Khi tham gia chương trình và được công nhận sản phẩm OCOP, nhiều người mới biết đến những thức chấm thơm ngon này. 

"Lâu nay tôi quen dùng nước mắm Ba Làng, Thanh Hương nhưng khi thẩm định, biết thêm các sản phẩm mắm Bạch Câu cũng khá chất lượng, lại có vị đậm đà riêng", ông Anh cho biết thêm.

Thanh Hóa: Thêm nhiều sản phẩm OCOP chất lượng được công nhận - Ảnh 2.

Mắm tép Chưng thịt Bạch Câu - Nga Sơn.

Người dân làm nghề chia sẻ: "Khi sử dụng sản phẩm và hiểu được giá trị của sản phẩm không nằm ở giá thành mà nằm chính ở chất lượng, sự kỳ công, tâm huyết của người làm mắm, khi đó chúng Tôi biết rằng mọi tâm huyết đã được đền đáp xứng đáng, là động lực to lớn, quý báu để các đơn vị sản xuất chúng Tôi không ngừng cố gắng, phát triển vì sức khỏe của người tiêu dùng. Chúng Tôi nhận thức được rằng sức khỏe của người tiêu dùng quyết định sự sống còn của thương hiệu. 

Tôi luôn trăn trở làm thế nào để mang nước mắm và các sản phẩm từ mắm đến tay người tiêu dùng, những sản phẩm toàn toàn tự nhiên, thơm ngon và tuyệt đối an toàn. Mỗi bát mắm xuất hiện trong căn bếp, bữa cơm là sự kết nối yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Việc giữ gìn và phát triển các sản phẩm đều mang giá trị và ý nghĩa khác nhau, nhưng tôi tin chắc rằng chúng đều xuất phát từ tình yêu thương tôi dành cho gia đình và yêu quê hương Bạch Câu của tôi. 

Sản phẩm của chúng tôi vừa mang giá trị truyền thống vừa mang nét hiện đại. Tôi có thể tự tin bán sản phẩm ra thị trường và xuất khẩu trực tiếp sang các nước trên thế giới trong thời gian không xa".

Thanh Hóa: Thêm nhiều sản phẩm OCOP chất lượng được công nhận - Ảnh 3.

Nước mắm Bạch Câu

Tại xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), làng nghề đúc đồng Trà Đông đã nổi tiếng trong và ngoài nước với các sản phẩm trống đồng, đồ thờ và một số đồ gia dụng. Với kinh nghiệm nhiều năm, nghệ nhân Lê Văn Bảy tại làng nghề nổi tiếng này liên tục đa dạng hóa các sản phẩm. Những bức tranh bằng đồng ra đời khoảng 4-5 năm nay và dần được thị trường ưa chuộng. 

Cuối tháng 8 vừa qua, hai sản phẩm Trống đồng Bảy Tuyên và Tranh đồng cá chép trông trăng Bảy Tuyên đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao tỉnh Thanh Hóa. Theo đánh giá của các thành viên hội đồng xét chọn là đại diện các sở, ngành có liên quan của tỉnh, hai sản phẩm thủ công truyền thống này có độ tinh xảo cao, thẩm mỹ, kết tinh được trí tuệ của những người thợ và nghệ nhân địa phương, nhiều tiềm năng phát triển thị trường.

Có thể nói, những nghệ nhân tâm huyết với nghề đúc đồng như Lê Văn Bảy, Lê Văn Dương, Nguyễn Bá Châu, Đặng Ích Hoàn... đã thực sự khiến làng Trà Đông "sống dậy" với những sản phẩm nổi tiếng cả nước. Đồ đồng làng Trà Đông đã vượt ra khỏi lũy tre làng mang theo niềm tự hào của người dân xứ Kẻ Chè và góp phần làm nên diện mạo mới cho làng nghề.

Thanh Hóa: Thêm nhiều sản phẩm OCOP chất lượng được công nhận - Ảnh 4.

Nghệ nhân Lê Văn Bảy bên sản phẩm trống đồng.

Thịt lợn có nguồn cung ứng đều, được chăn nuôi theo hướng an toàn đã được một doanh nghiệp ở xã Hoàng Giang (Nông Cống) tham gia xét chọn sản phẩm OCOP. Tại địa phương, doanh nghiệp có cả một hệ thống trang trại hiện đại để chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết khép kín, áp dụng khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây được coi là một trong những trang trại điển hình của tỉnh về quản lý chặt chẽ con giống, dịch bệnh và sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi, tạo ra sản phẩm thịt lợn bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, mang lại thu nhập cao.

Theo đó, trang trại được thiết kế các phân khu riêng biệt để thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng bệnh. Con giống được sản xuất tại chỗ nên có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch; nguồn thức ăn đầu vào được kiểm soát theo các tiêu chuẩn. Doanh nghiệp cũng đầu tư xây dựng lò giết mổ tập trung và các cửa hàng thực phẩm sạch, để cung ứng các loại sản phẩm từ lợn bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, từ trang trại tới bàn ăn. 

Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh đều đến lấy mẫu sản phẩm kiểm tra định kỳ, xác nhận bảo đảm an toàn, không có dư lượng chất kháng sinh, không chất cấm, không chất tạo nạc. Trung bình mỗi tháng, đơn vị xuất chuồng hơn 30 tấn lợn thương phẩm theo các chuỗi thực phẩm trong và ngoài tỉnh. Khi được công nhận sản phẩm OCOP, thịt lợn Xuân Hiếu sẽ giúp nền chăn nuôi tỉnh nhà có thêm những sản phẩm chất lượng.

Trong tổng số 53 sản phẩm đề xuất đợt xếp hạng gần đây nhất, nhưng chỉ có 40 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, cho thấy sự khắt khe, không chạy theo thành tích để có thể tìm ra sản phẩm chất lượng tốt nhất. Hơn nữa, các sản phẩm được công nhận gần đây đều có quy mô sản xuất từ trung bình trở lên, có xu hướng phát triển tốt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm mở rộng thêm nhiều thị phần cho các sản phẩm OCOP, đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các điểm đến du lịch; có phương án hỗ trợ xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh. Xây dựng hệ thống cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu gắn với phát triển, tìm kiếm thị trường tạo nên các chuỗi liên kết cho từng sản phẩm OCOP. Trong đó, chú trọng khuyến khích các chủ thể tham gia các hội chợ, triển lãm gắn với các chương trình, hội chợ sản phẩm OCOP thường niên cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương.

Qua việc xây dựng các sản phẩm OCOP chất lượng, tỉnh Thanh Hóa đã từng bước tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ lợi thế của các huyện, thị xã, thành phố và xây dựng, phát triển hàng trăm chuỗi giá trị trong sản xuất, đưa các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, thế mạnh của tỉnh đến thị trường trong và ngoài nước.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.