Thanh Hóa: Thị trường xuất khẩu hàng hóa trên đà tăng trưởng tích cực
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục hồi tích cực. Tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ và bằng 48% kế hoạch năm. Với những thuận lợi cơ bản về đơn hàng và thị trường, xuất khẩu hàng hóa năm 2024 nhiều khả năng sẽ đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đổi mới công nghệ để bắt nhịp xu hướng và mở rộng thị trường, tăng năng suất lao động, hiệu quả cạnh tranh. Bên cạnh những tín hiệu tích cực do nhu cầu thị trường tăng, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa đã chủ động, linh hoạt, đa dạng hóa thị trường.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã và đang từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng đến hết năm nay. Từ đầu năm 2024 đến nay, các doanh nghiệp dệt may đã sản xuất trên 319 triệu sản phẩm, tăng 12% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu đạt 205 triệu sản phẩm, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nam Linh huyện Quảng Xương, hiện có hơn 450 công nhân với 10 chuyền may, chủ yếu gia công hàng xuất Hàn Quốc, Mỹ. Công ty đầu tư máy trải vải tự động, máy may tự động... và nhiều máy móc kỹ thuật hiện đại khác, qua đó góp phần giảm nhân công trong từng khâu, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tập đoàn Tiên Sơn có 3 nhà máy may gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc tại thị xã Bỉm Sơn, Yên Định, Thạch Thành, với trên 2.000 công nhân. Hiện đơn vị đang là đối tác chiến lược may gia công tại Việt Nam của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới. Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, Tập đoàn Tiên Sơn đã không ngừng đầu tư các trang thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại cho các công đoạn sản xuất như: máy vẽ sơ đồ tự động, máy cắt, may tự động, máy trải vải, máy cuộn viền,máy kiểm tra vải, máy tời vải…
Bên cạnh đó, Tập đoàn luôn quan tâm đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề, kỹ thuật. Việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ tự động trong quá trình sử dụng đã giúp các sản phẩm tạo ra giảm thiểu được rủi ro, sai sót do thao tác của công nhân, nâng cao chất lượng sản phẩm. Những năm qua, Tập đoàn Tiên Sơn luôn đạt doanh thu lớn và đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Thời điểm này hơn 1.000 công nhân xưởng may của Công ty TNHH 888 (thuộc Tổng Công ty CP May 10), địa chỉ tại xã Quảng Hợp (Quảng Xương) đang khẩn trương làm việc để kịp các đơn hàng xuất cho đối tác.
Ông Lê Văn Bắc - Giám đốc điều hành công ty cho biết: Hàng may mặc do đơn vị gia công bao gồm áo Jacket, áo dạ, vest nữ, quần thể thao được xuất đi thị trường các nước như EU, Mỹ, Nhật Bản, Canada... Với tôn chỉ luôn lấy chữ tín làm đầu, sản phẩm làm ra luôn đảm bảo chất lượng và giao hàng đúng hẹn nên đã tạo được uy tín đối với khách hàng. Hiện tại, công ty đã ký được nhiều đơn hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động đến hết tháng 8/2024. Để đảm bảo giao hàng đúng hẹn cho đối tác, từ đầu năm đến nay, công ty liên tục phải tăng ca, đưa giá trị xuất khẩu của công ty trong quý I/2024 đạt doanh thu gần 38 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ, tạo việc làm, thu nhập cho hơn 1.000 công nhân, với mức thu nhập dao động từ 6 đến 12 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa cho biết: Những năm gần đây ngành Dệt may tỉnh Thanh Hóa đã có những bước phát triển đáng kể. Hiện có khoảng 75% các doanh nghiệp dệt may đã chủ động đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, từng bước tự động hóa các khâu sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang ứng dụng các giải pháp số hóa trong quản trị như: Sử dụng hệ thống chấm công tự động để quản lý nhân sự từ xa; ứng dụng các phần mềm kế toán, quản lý kho hàng, thực hiện giao dịch thương mại điện tử, ký kết đơn hàng trực tuyến với khách hàng... Qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường. Hiện tại, thị trường đang rất thuận lợi và đơn hàng nhiều, đặc biệt thị trường chính của Hiệp hội dệt may Mỹ, EU và hiện thị trường Ấn Độ, Trung Đông khởi sắc nên đơn hàng có nhiều. Hy vọng cuối năm 2024 giá sẽ quay lại như trước đại dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã chủ động tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới. Tiếp đến trong giỏ hàng hóa xuất khẩu chủ lực của tỉnh Thanh Hóa, các mặt hàng da giày, đồ gỗ, dăm gỗ, nông, thủy sản, đều có sự phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng từ 15-30% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có 212 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với 55 chủng loại hàng hóa đến 68 thị trường trên thế giới.
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 6 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm 2023. Như vậy, từ nay đến cuối năm, giá trị xuất khẩu phải đạt trên 3,1 tỷ USD, tương đương 52% kế hoạch năm.
Với tâm thế những tháng cuối năm sẽ là cao điểm xuất khẩu vì vậy, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, theo Sở Công Thương, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa và khơi thông thị trường hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Tiếp tục tổ chức Hội nghị phổ biến kiến thức về các Hiệp định FTA, hỗ trợ các doanh nghiệp làm việc với các đơn vị của Bộ Công Thương, các tham tán thương mại để tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu.
Yến HoàngMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.