Thanh Hóa: Thị xã Nghi Sơn - Siết chặt kỷ cương, tạo đà bứt phá
Trên tinh thần “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Nghi Sơn đã cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức; triển khai các chương trình, nghị quyết, kế hoạch hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, từ đó tạo đà bứt phá, vươn lên xứng tầm vị trí đầu tàu kinh tế của tỉnh.
Năm 2023, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, song với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, sự nỗ lực, phấn đấu, hành động quyết liệt của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực để cán bộ và nhân dân thị xã Nghi Sơn tích cực tham gia lao động, sản xuất góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Nổi bật, tốc độ tăng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 3,9%. Trong đó: Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,61%, công nghiệp - xây dựng tăng 3,55 %, dịch vụ tăng 10,18%. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 1,88 %; công nghiệp - xây dựng chiếm 92,97%; ngành dịch vụ chiếm 5,15%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 64 triệu đồng, vượt kế hoạch đề ra; 24/29 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, trong đó thành lập mới 200 doanh nghiệp, tăng 33,3% KH tỉnh giao; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 12.475 tỷ đồng tăng 17,1% so CK; Thu ngân sách nhà nước tăng 81% dự toán HĐND tỉnh giao; tình hình giải ngân các nguồn vốn tư công đạt 77,2% kế hoạch năm. Công tác giáo dục đào tạo được quan tâm, đầu tư và phát triển, kết quả học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hoá lớp 9 xếp thứ 11 (tăng 2 bậc so với năm học trước); Trường THPT Tĩnh Gia 1 có 1 học sinh đạt giải nhất chung kết cuộc thi "Âm vang xứ Thanh".
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tập trung chỉ đạo, bám sát các tiêu chí và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, số xã đạt tiêu chí NTM là 7/13 xã, bình quân tiêu chí xây dựng NTM toàn thị xã đạt 17,6/19 tiêu chí, tăng 0,37 tiêu chí so với cuối năm 2022; Bình quân tiêu chí NTM nâng cao toàn thị xã đạt 11,8/19 tiêu chí, tăng 0,8 tiêu chí so với cuối năm 2022. Có thêm 05 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng 3 sao, nâng tổng số sản phẩm toàn thị xã được công nhận là 24 sản phẩm (05 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao). Năm 2023, thị xã đã tập trung, tích tụ được 231,1 ha đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng 0,48% KH, nâng tổng số diện tích lên 954,94ha.
Công tác chuyển đổi số được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với mong muốn chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa và đặt mục tiêu là lấy người dân làm trung tâm, phục vụ nhân dân, cải cách thủ tục hành chính nhanh gọn, hợp tác an ninh nước ngoài. Cấp Ủy, chính quyền thị xã Nghi Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và tiến hành triển khai chuyển đổi số thành công trên 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi trụ cột có các chỉ số chính và các chỉ số thành phần ứng với từng nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhà nước của các phòng, ban, ngành.
Trong năm, thị xã hoàn thành chỉ tiêu chuyển đổi số theo kế hoạch tỉnh giao; Tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thị xã năm 2023 ước đạt trên 250 tỷ đồng; mạng lưới hạ tầng, số lượng trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS) trên địa bàn thị xã phát triển nhanh với 232 trạm BTS 18.
Cơ sở hạ tầng viễn thông được đầu tư theo hướng đồng bộ; mạng truyền dẫn băng thông rộng và mạng di động 4G đã phủ sóng đến hầu hết các thôn, khu phố, cụm dân cư; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thị xã đã được kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh; công nghệ số đã và đang được áp dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực, rõ nét nhất là trong các ngành tài chính, ngân hàng, thuế, thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế…
Đặc biệt, việc triển khai thực hiện các chương trình trọng tâm, khâu đột phá trên lĩnh vực kinh tế - xã hội đã tạo động lực cho sự phát triển trong việc tái cấu trúc nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm thực hiện. Công tác an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.
Bước vào năm 2024, năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà bứt phá để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Nghi Sơn xác định là năm tăng tốc, bứt phá nhằm tạo tiền đề vững chắc cho nhiệm kỳ 2025-2030.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị, đồng chí Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Thế Anh cho biết: Với phương châm hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm trong nửa nhiệm kỳ còn lại, đặc biệt là năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã xác định tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở huy động tối đa các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế là đầu tàu, động lực ngành công nghiệp của cả tỉnh để tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Bên cạnh việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư thì cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban ngành, đoàn thể từ thị xã đến cơ sở phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đồng chí Chủ tịch UBND thị xã nhấn mạnh: Trước mắt, tiếp tục khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, thực hiện cơ cấu lại kinh tế, nhất là các lĩnh vực, các ngành có lợi thế. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống giao thông trọng điểm, có tính đột phá, sức lan tỏa lớn, kết nối các vùng, các công trình giao thông kết nối đường bộ cao tốc Bắc - Nam với các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp; quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng xã hội như y tế, trường học...
Mục tiêu năm 2024, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt từ 19% trở lên, trong đó nông, lâm, thủy sản tăng 2%; công nghiệp - xây dựng tăng 19,6%; dịch vụ tăng 15%; Thu nhập bình quân đầu người 68 triệu đồng/người/năm; Sản lượng lương thực đạt 50.000 tấn; Tích tụ ruộng đất 215 ha; Giá trị sản phẩm trên 1,0 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 110 triệu đồng; Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 25.000 tỷ đồng; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng từ 12% trở lên dự toán tỉnh giao; Thành lập mới 180 doanh nghiệp; Xây dựng 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Tân Trường, Trường Lâm và Phú Lâm; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Hải Nhân); 20 thôn đạt NTM; 10 sản phẩm OCOP; Tỷ lệ đô thị hóa 81% trở lên. Tỷ lệ cứng hóa đường GTNT 89%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND thị xã chỉ rõ, Nghi Sơn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục, đó là: Kinh tế tăng trưởng khá nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương và sự quan tâm của tỉnh… Để tiếp tục đưa Nghi Sơn trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của tỉnh thì cần phải tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao ý thức trách nhiệm, tính năng động của bộ máy công quyền, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua cấp cơ sở, có như vậy mới tạo đột phá và thực hiện hóa khát vọng thịnh vượng.
Yến HoàngThông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.