Thanh Hóa: Thời cơ, vận hội để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Địa phương
09:48 AM 19/09/2022

Với các tiềm năng, thế mạnh cùng vị trí kết nối thuận lợi cả trong nước và quốc tế, đất đai rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, bờ biển dài, có đầy đủ các loại hình giao thông, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, tỉnh Thanh Hoá đang đứng trước những thời cơ, vận hội chưa từng có trong lịch sử để tạo bước đột phá trong phát tiển kinh tế - xã hội.

Những lợi thế, tiềm năng, giá trị khác biệt, nổi trội cùng với các Nghị quyết đặc thù dành cho địa phương đã và đang trở thành xung lực quan trọng giúp xứ Thanh hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng. Những kỳ tích mà Thanh Hóa đạt được trên tất cả các lĩnh vực một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế của địa phương đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa, bài viết nhằm giúp độc giả có góc nhìn đa chiều hơn về những thành tựu mà địa phương đã đạt được trong những năm qua, cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Tiềm lực và vị thế

Thanh Hóa là địa phương đứng thứ 3 về quy mô dân số trong số 63 tỉnh, thành; là vùng chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Trung Việt Nam trên nhiều phương diện. Về hành chính, án ngữ Bắc Trung Bộ, tiếp giáp với Tây Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ; về địa chất, miền núi  là sự nối dài của Tây Bắc Bộ, là đồng bằng lớn nhất Trung Bộ, một phần nhỏ (phía Bắc huyện Nga Sơn) thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng và nhìn ra vịnh Bắc Bộ, với thềm lục địa bao quát 18.000 km2.

Thanh Hóa là tỉnh lớn thứ 5 cả nước về diện tích tự nhiên. Nơi đây có đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái như trung du, miền núi, đồng bằng, miền biển; tài nguyên phong phú, đa dạng; hệ thống giao thông thuận tiện, đầy đủ các loại hình, thuận tiện kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, các tỉnh duyên hải miền Trung… lợi thế và điều kiện tự nhiên là những giá trị khác biệt, nổi trội, tạo nên lợi thế so sánh của Thanh Hóa với các tỉnh thành khác trong cả nước.

   ẤN TƯỢNG THANH HÓA - Ảnh 1.

Những dự án trọng điểm trong KKTNS đang nhận được “cú huých” của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc gia hạn hoàn tất thủ tục hồ sơ dự án.

Bởi thế, Thanh Hóa được ví như một " Việt Nam thu nhỏ" với nhiều tiềm năng và lợi thế có sẳn để phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, nhất là các ngành công nghiệp, cảng biển, logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục chất lượng cao…

Bỏ qua "tư duy nhiệm kỳ", Thanh Hóa đang thực hiện những bước đi táo bạo, mang tính đột phá chiến lược, tạo ra nền tảng vững chắc về kinh tế, xã hội, mang đến thế và lực mới trên con đường hội nhập và phát triển.

Ấn tượng nhất chính là số thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2022 đạt xấp xỉ 35.000 tỷ đồng, vượt 23% so với dự toán năm 2022, tăng 54% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 13, 41 %, cao hơn nhiều so với cùng kỳ (8,66%) và thuộc tốp đầu cả nước.

Trong khi đó, năm 2020 và 2021, Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Thế nhưng, trong bối cảnh khó khăn chung đó, Thanh Hoá vẫn hoàn thành mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội", đồng thời đạt số thu ngân sách cao và vượt kế hoạch đề ra (năm 2020 thu ngân sách tỉnh đạt xấp xỉ 29.000 tỷ đồng). Hiện tại, GDP của Thanh Hóa chiếm 2,5% GDP của cả nước, đứng thứ 9 về quy mô GDP.

Mặt khác, thời gian qua, Thanh Hoá luôn đứng trong tốp đầu các địa phương  về thu hút đầu tư (mỗi năm thu hút khoảng 150.000 tỷ đồng). Địa phương cũng đặt mục tiêu cả năm 2022 tăng trưởng 11,5%. Phấn đấu thu ngân sách cả năm đạt 40.000 tỷ đồng, vượt cao so với mức dự toán 28.000 tỷ đồng. Đây là mức thu (dự kiến sẽ đạt được) cao nhất từ trước tới nay.

Với sự phát triển đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, Thanh Hóa từ một tỉnh nghèo, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, nay đã gần như tự chủ được ngân sách. Cũng từ vài năm trở lại đây, Trung ương không còn phải cứu đói cho Thanh Hóa mỗi khi mùa "giáp hạt" về!

Trong giai đoạn từ 2026 – 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP phải đạt từ 9,2% trở lên, thu ngân sách địa bàn tăng 7%, tổng đầu tư vốn toàn xã hội trong 5 năm đạt 900 ngàn tỷ đồng. Đến năm 2030 thu nhạp bình quân đầu người gần 9.000 USD, kim ngạch xuất khẩu là 15 tỷ đô la, tỷ lệ đô thị hóa 50% trở lên...

Định hướng mô hình phát triển

Đề án xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Thanh Hóa sẽ phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, gồm: Trung tâm kinh tế động lực TP. Thanh Hóa - TP. Sầm Sơn; Trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn); Trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn) và Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn- Sao Vàng).

Phát triển 5 trụ cột tăng trưởng gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế; phát triển hạ tầng. Phát triển 6 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Bắc Nam; hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Đông Bắc; Hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, Thanh Hóa tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hấp dẫn mới để đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển…

   ẤN TƯỢNG THANH HÓA - Ảnh 2.

Chủ tịch nước - Nguyễn Xuân Phúc làm việc với ban thường vụ tỉnh Thanh Hóa.

Có thể nói "tứ Sơn"- 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh Thanh Hóa, đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội chung của tỉnh. Thành quả đó đã tiếp thêm sức mạnh to lớn cho Thanh Hoá không ngừng phát triển, là điểm đến của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Một trong "tứ Sơn" - thành phố Sầm Sơn đang có màn "lột xác" ngoạn mục từ các siêu dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn đã và đang đổ bộ vào đô thị biển này. Trong đó phải kể đến khu nghỉ dưởng cao cấp của tập đoàn FLC. Hệ sinh thái nghỉ dưỡng tỷ đô của tập  đoàn Sungroup đang từng ngày biến đô thị biển Sầm Sơn  trở nên hiện đại, thông minh, mang tầm cỡ quốc tế. Năm 2022 cũng được coi là năm "đại thắng" của du lịch Sầm Sơn khi chỉ trong 8 tháng năm 2022, lượng du khách đổ về Sầm Sơn để nghỉ dưỡng đạt hơn 6,4  triệu lượt, doanh thu từ du lịch đạt 13. 410 tỷ đồng.

Tiếp đó, một Nghi Sơn được mệnh danh là "công xưởng" của Xứ Thanh với các dự án đầu tư tỷ đô la và những công trình công nghiệp mang tầm vóc thế kỷ. Đây là một trong 8 Khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước với nhiều dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, có tác động lan tỏa, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, khu vực và cả nước, như: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn 1 và 2, xi măng Nghi Sơn, xi măng Công Thanh, các dự án cảng biển, may mặc, giày da…

Đến tháng 6/2022, khu kinh tế này đã thu hút được 265 dự án đầu tư trực tiếp trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 149. 000  tỷ đồng và 23 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 12,8 tỷ USD. Đặc biệt, Dự án Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hoá là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay (trên 9 tỷ USD) đi vào hoạt động đã cung cấp tới 35-40% tổng cung xăng dầu trong nước và đóng góp cho ngân sách địa phương hơn 11 nghìn tỷ đồng (năm 2021).

Nhắc tới Thanh Hóa, người ta còn phải nhắc tới Cảng hàng không Thọ Xuân. Điều không ai ngờ tới là Cảng hàng không này mới khai thác gần 10 năm, hiện giờ đã quá tải. Nhà ga T1 của cảng này công suất thiết kế 1,2 triệu hành khách/năm, dự báo cuối năm 2022  sẽ đạt 1,4 triệu hành khách. Cảng hàng không Thọ Xuân có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong 22 cảng hàng không của cả nước. Tháng 10/2020, Bộ giao thông Vận tải phối hợp với tỉnh Thanh Hóa đã công bố quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn đến 2050.

Ngoài ra, Thanh Hóa có hệ thống giao thông khá thuân lợi và đa dạng với đầy đủ các loại hình, gồm: đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng không. Ngoài tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua, giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được bao phủ bởi nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, giao thông nông thôn có tính kết nối, lan tỏa, thuận tiện cho việc đi lại và giao lưu phát triển kinh tế-xã hội…

Những dấu ấn về sự phát triển kinh tế-xã hội, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ đã tạo lập nền tảng vững chắc, mở ra cơ hội mới để Thanh Hóa phát triển nhanh hơn và bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Dấu ấn đến từ những Nghị quyết dẫn đường, mở lối

Từ một tỉnh thuần nông, người dân từng phải " ăn đong" , chính quyền có thời điểm phải "ném đá dò đường", tìm mọi cách để phát triển kinh tế xã hội, thì nay, Thanh Hóa đã định rõ không gian phát triển kinh tế, xã hội với tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Nếu xem vị trí tự nhiên là "bệ đỡ" vững chắc cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh thì Nghi quyết số 58 – NQ/TW của Bộ Chính trị "về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" được xem là lực đẩy, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế này một cách mạnh mẽ hơn trong tương lai.

   ẤN TƯỢNG THANH HÓA - Ảnh 3.

Một góc Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty mía đường LASUCO Lam Sơn (trung tâm động lực Lam Sơn - Sao Vàng)

Với Nghị quyết số 58-NQ/ TW , Thanh Hóa xác định rõ mục tiêu đến năm 2030: Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; nơi người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hóa và lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Đánh giá về ý nghĩa của Nghị quyết 58 đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa, PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: "Nghị quyết 58 ra đời là sự ghi nhận của Trung ương đối với những thành quả mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được, khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, tầm quan trọng của Thanh Hóa. Đồng thời, tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và nhận thức, mở đường cho giải pháp mới, đột phá, tháo gỡ khó khăn hiện có để thu hút thêm các nguồn lực, tạo động lực và không gian phát triển mới…".

Chia sẻ với báo chí về Trung ương ban hành các Nghị quyết đặc thù để phát triển Thanh Hóa, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa cho rằng: "Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 , Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho tỉnh, là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển nhanh, bền vững; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu phát triển cao hơn đối với Thanh Hóa để đáp lại sự tin tưởng, kỳ vọng của Trung ương".

Để đưa các cơ chế, chính sách đặc thù đi vào  thực tiễn cuộc sống, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch hành động  số 45-KH/TU, ngày 6/12/ 2021. Kế hoạch đã cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết thành các nhiệm vụ cụ thể của tỉnh, làm rõ nội dung, trình tự các công việc để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xác định trách nhiệm cụ thể của từng địa phương, đơn vị trong việc tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện, bảo đảm khả thi, hiệu quả.

Để thực hiện hóa khát vọng thịnh vượng, đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025 trong những năm tiếp theo, Thanh Hóa sẽ phát huy tối đa hiệu quả tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của tỉnh để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

Xem công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng, các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ Logistis là đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa.

Những thành tựu nổi bật trên cho thấy, Thanh Hóa đã có những bước đi đúng đắn, vững chắc trên con đường trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Có thể nói, sau hơn 35 năm đất nước bước vào  giai đoạn đổi mới, chưa bao giờ Thanh Hóa có được tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay.

                                   

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025 12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.