Thanh Hóa: Thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 16.300 tỷ đồng
4 tháng đầu năm, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác thu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho các tháng tiếp theo…
Theo báo cáo của Sở Tài chính, Chi cục Hải quan và Chi cục Thuế khu vực X, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Thanh Hóa trong tháng 4 /2025 ước đạt 3.389 tỷ đồng, đạt 74,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu nội địa đạt 2.030 tỷ đồng, tương đương 80,5%, còn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.359 tỷ đồng, bằng 66,6%.

Thu nội địa trong 4 tháng đạt 9.581 tỷ đồng, bằng 36,5% dự toán và 80% so với cùng kỳ năm 2024
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, tổng thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 16.307 tỷ đồng, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 35,8% dự toán năm 2025. Thu nội địa trong 4 tháng đạt 9.581 tỷ đồng, bằng 36,5% dự toán và 80% so với cùng kỳ năm 2024. Một số khoản thu, sắc thuế chủ yếu, như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2.841 tỷ đồng, bằng 88,6% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất ước đạt 2.526 tỉ đồng, bằng 62%; thu từ khu vực công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 1.736 tỉ đồng, bằng 119,7%; thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 542 tỉ đồng, bằng 126,3%; thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương quản lý đóng trên địa bàn ước đạt 422 tỉ đồng, bằng 86,8 %; thu thuế, lệ phí trước bạ ước đạt 325 tỉ đồng, bằng 110,5%.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm đạt 4.726 tỷ đồng, bằng 37,4% dự toán và 92,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Xác định quản lý thu NSNN chặt chẽ là nền tảng quan trọng, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp siết chặt kỷ luật thuế, chống thất thu, bao gồm: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn trốn thuế, gian lận thuế; áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế với doanh nghiệp chậm nộp: mở rộng các giao dịch trên môi trường điện tử, qua cổng thông tin trực tuyến, thực hiện quản lý hành chính bằng mã định danh cá nhân, khai thuế qua Etax mobile… Đến nay, toàn bộ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đã chuyển đổi thành công sang sử dụng hóa đơn điện tử khi giao dịch mua, bán hàng hóa, dịch vụ. Đó là việc chuyển đổi mang tính đột phá, tạo tiền đề cho việc quản lý Nhà nước và điều hành sản xuất, kinh doanh hiện đại.
Do có những giải pháp trên, nên nguồn thu nội địa tăng mạnh, đóng góp lớn vào tổng thu ngân sách, đồng thời đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Cùng với đó, tỉnh cũng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển sản xuất nhằm mở rộng nguồn thu như: Tháo gỡ khó khan, cải thiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất; phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như chế biến, dệt may, thiết bị điện.
Mặt khác, ngành thuế đã và đang nỗ lực làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện pháp luật thuế, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm cơ sở ổn định lâu dài cho thu ngân sách Nhà nước. Đồng thời, cơ quan thuế đã và đang chủ động đổi mới công tác tuyên truyền hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế trong điều kiện mới, như: chuyển tải các chính sách mới đến các doanh nghiệp thông qua hệ thống trao đổi điện tử SIE, gửi văn bản; hỗ trợ người nộp thuế qua cổng khai thuế điện tử Etax…, tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và chỉ đạo của Tỉnh ủy,UBND tỉnh về gia hạn, giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh. Đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế gắn với cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân…
Theo đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì, ổn định và có bước phát triển. Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp đều có đóng góp to lớn cho NSNN. Trong đó, một số đơn vị tiêu biểu có số nộp ngân sách cao và tăng so với năm trước như: Viễn thông Thanh Hóa; Công ty CP Xăng dầu, dầu khí Thanh Hóa; Công ty cp OLDENDORFF CARRIERS Việt Nam; Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2; Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thanh Hóa… với số tiền nộp NSNN lên tới hàng chục tỷ đồng/ doanh nghiệp.
Các lĩnh vực xuất khẩu, du lịch, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ vận tải đều tang trưởng mạnh, lần lượt tang từ 16,9% , 17,6%, 11,4% và 17,3%, Về cải cách hành chính, tỉnh giữ vững thứ hạng trong nhóm khá của cả nước với chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thư 13 và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tăng một bậc, đứng thứ 24.
Để hoàn thành kế hoạch thu ngân sách cả năm, ngành thuế, hải quan và các đơn vị liên quan tiếp tục giữ vững phương châm lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ; chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để kịp thời hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người nộp thuế phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nuôi dưỡng, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN.
Cùng với việc chủ động vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và nỗ lực, cố gắng của Nhân dân trong tỉnh, sự hỗ trợ có hiệu quả của các cấp, ngành, đặc biệt là việc kiến tạo môi trường tốt nhất cho các hoạt động phát triển doanh nghiệp, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội bền vững, là nền tảng cho Thanh Hoá thu NSNN với mức bình quân tăng 10% hằng năm như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định phê duyệt cập nhật danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị (đợt 5) trong các Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025.