Thanh Hóa: Thu ngân sách Nhà nước năm 2024 đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ
Chiều 21/11, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11/2024 nghe và cho ý kiến vào báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2025.
Theo dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2025 trình bày tại phiên họp nêu rõ: Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần "Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển" của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh Thanh Hóa, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch đề ra và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Theo số liệu đánh giá sơ bộ lần 1 của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 của tỉnh ước đạt 11,72%, vượt 11% kế hoạch đề ra và đứng thứ 3 cả nước. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá toàn diện. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,56 triệu tấn, bằng 101,9% kế hoạch. Trong năm toàn tỉnh đã chuyển đổi 1.578,2 ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn; chăn nuôi phát triển ổn định; lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững...
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm chỉ đạo; ước hết năm 2024, có thêm 2 huyện, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện và 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, là động lực chính cho tăng trưởng của tỉnh. Theo thống kê chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 19,25%. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển, nhiều lĩnh vực tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2024 ước đạt 197,7 nghìn tỷ đồng, bằng 105,1% kế hoạch, tăng 14,3% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu ước đạt 6.293 triệu USD, bằng 104,9% kế hoạch, tăng 23,4%; giá trị nhập khẩu ước đạt 10.042 triệu USD, tăng 20,3%; tổng thu du lịch ước đạt 33.815 tỷ đồng, vượt 4,4% kế hoạch, tăng 38% so với cùng kỳ...
Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt 54.341 tỷ đồng, vượt 52,8% dự toán, tăng 25,9% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.
Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt kết quả tích cực. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn trong năm ước đạt 138.856 tỷ đồng, bằng 102,9% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ; đã thu hút được 102 dự án (trong đó có 17 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 12.890,1 tỷ đồng và 367,9 triệu USD, so với cùng kỳ gấp 1,4 lần về số dự án và tăng 10,9% về số vốn đăng ký.
Hoạt động đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát động chiến dịch "60 ngày, đêm tăng tốc, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024"; đến ngày 15/11/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đạt 10.139 tỷ đồng, bằng 70,2% kế hoạch, cao hơn 6,6% so với cùng kỳ.
Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực, tăng 3 bậc so với năm 2023; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân ổn định. Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh và Cuộc vận động Nhân dân hiến đất để đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang kết cấu hạ tầng được triển khai sâu rộng và đạt kết quả tích cực.
Công tác xây dựng, hoàn thiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được thực hiện khẩn trương, đúng quy định, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Kỷ luật, kỷ cương hành chính, lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được tăng cường. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế cần sớm được khắc phục trong thời gian tới. Ví như, hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; chưa thu hút được nhiều dự án công nghệ cao; tiến độ của một số dự án đầu tư lớn, trọng điểm của tỉnh, các dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh là khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch đề ra và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Kết quả đạt được tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền; sự cố gắng của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị, cùng với đó là sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với những tồn tại, hạn chế được nhận diện và đưa ra trong báo báo, trong đó nhấn mạnh hạn chế liên quan đến sự chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi chưa quyết liệt, thiếu trọng tâm, trọng điểm của một số sở, ngành, địa phương và yêu cầu các ngành, địa phương cần sớm khắc phục trong thời gian tới.
Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của những tháng cuối năm 2024 đối với việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch và yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, từ đó tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra. Yêu cầu trong tháng 12/2024, các ngành, địa phương phải tập trung rà soát và giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đầu tư công, đầu tư trực tiếp, dự án có sử dụng đất, tài sản công...
Đồng thời, dự báo năm 2025 sẽ có những thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức, trong đó khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn. Vì vậy các ngành, các địa phương phải tập trung làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, tạo đà cho việc hoàn thành và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến vào Tờ trình phương án phân bổ vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 (đợt 3); Tờ trình về việc đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND, ngày 14/3/2024 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ tiền ăn thêm đối với một số nhóm đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các đơn vị do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; Tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh; Phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa (đợt 5)...
Vũ QuỳnhTối ngày 22/11, Giải thưởng quốc tế danh giá Kotler Awards 2024 đã diễn ra tại TP. HCM, tôn vinh 27 các Nhà tiếp thị kinh doanh, Chuyên gia Marketing, Nhà quản trị chiến lược và Doanh nghiệp xuất sắc với những thành tựu vượt trội, đóng góp cho sự phát triển bền vững và nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam.