Thanh Hóa: Thu ngân sách ước đạt hơn 38.000 tỷ đồng trong năm 2023

Địa phương
09:54 AM 05/12/2023

Theo báo cáo của Sở Tài chính, năm 2023, dự ước thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 38.000 tỷ đồng, bằng 107,6% dự toán và giảm 25,7% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 22.980 tỷ đồng, bằng 105,2% dự toán, giảm 26,5% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 15.030 tỷ đồng, bằng 111% dự toán và giảm 24,5% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 40.454 tỷ đồng, bằng 100% dự toán, đáp ứng nhiệm vụ chi trên các lĩnh vực.

Thanh Hóa: Thu ngân sách ước đạt hơn 38.000 tỷ đồng trong năm 2023- Ảnh 1.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Một số lĩnh vực thu giảm so với cùng kỳ như: Thu tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân… Nguyên nhân là do tác động tiêu cực từ thị trường vốn, tài chính, bất động sản trong năm 2023. Trong đó, nguyên nhân chính khiến số thu ngân sách của tỉnh giảm đáng kể là do bị tác động tiêu cực bởi nguồn thu từ đất và dầu thô sụt giảm mạnh. Số thu từ dầu thô nhập khẩu năm 2023 dự kiến giảm so với năm 2022 từ 5.120 đến 5.880 tỷ đồng.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa cho biết: Từ nay tới cuối năm, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn còn 2 chuyến nhập khẩu, nâng tổng khối lượng dầu thô nhập khẩu năm 2023 khoảng 8,4 triệu tấn, tương đương 62 triệu thùng. Theo đơn giá dầu thô bình quân hiện đang ở mức 95 - 98 USD/thùng, tương đương với số thu bình quân khoảng 400 tỷ đồng/chuyến. Do đó, số thu từ dầu thô trong tháng cuối năm 2023 ước đạt 800 tỷ đồng. Nâng tổng số thu NSNN năm 2023 từ dầu thô nhập khẩu ước đạt hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 83% tổng thu ngân sách dự kiến. Trước đó, năm 2022, thu từ hoạt động nhập khẩu dầu thô của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 85% tổng thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu tại Thanh Hóa.

Phân tích về các nguyên nhân khiến thu NSNN từ hoạt động XNK trên địa bàn Thanh Hóa giảm mạnh so với năm 2022, Cục Hải quan Thanh Hóa nhận định: Năm 2023, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, tăng trưởng thấp với lạm phát tăng và sức tiêu thụ giảm, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, EU đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ các dự án đầu tư xây dựng mới ở mức thấp,…

Thanh Hóa: Thu ngân sách ước đạt hơn 38.000 tỷ đồng trong năm 2023- Ảnh 2.

Đặc biệt, số thu của hàng hóa XNK qua Cảng biển Nghi Sơn phụ thuộc rất lớn vào mặt hàng dầu thô của dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (chiếm tỷ trọng trên 83%). Năm 2023, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiến hành bảo dưỡng tổng thể trong 50 ngày nên số chuyến tàu nhập khẩu giảm 03 chuyến, tương đương giảm 1.200 tỷ đồng tiền thuế. Đơn giá bình quân của dầu thô nhập khẩu năm 2023 giảm mạnh so với cùng kỳ khiến số thu bình quân theo từng chuyến tàu cũng giảm tương ứng từ 490 tỷ đồng/chuyến xuống còn 370 tỷ đồng/chuyến, dẫn tới giảm thu 3.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nguồn thu từ đất của tỉnh Thanh Hóa cũng giảm mạnh do ảnh hưởng tiêu cực của thị trường bất động sản. Đến thời điểm cuối năm nay mới thu được 5.200 tỷ đồng (dự toán là 7.100 tỷ đồng). Nếu so với mức thu năm 2022 thì số thu tiền sử dụng đất giảm 43,4% so với cùng kỳ, tương đương gần 4.000 tỷ đồng.

Hơn nữa, do ảnh hưởng từ việc áp dụng chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng cho năm 2023 được Chính phủ, Quốc hội thông qua cũng làm giảm nguồn thu thuế trong ngắn hạn, cụ thể như: giảm chính sách thuế bảo vệ môi trường giảm 50%, tiền thuê đất giảm 30%, thuế giá trị gia tăng giảm 2%; tổng thu ước tính cả năm giảm trên 1.300 tỷ đồng từ chính sách.

Về dự toán thu NSNN năm 2024, sau khi phân tích đánh giá về các yếu tố thuận lợi và khó khăn, dự kiến thu NSNN năm 2024 của Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa là 13.550 tỷ đồng. Trong đó, thu từ dầu thô nhập khẩu dự kiến đạt 10.730 tỷ đồng; thu từ hàng hóa nhập khẩu khác (ngoài dầu thô) 2.500 tỷ đồng; thu từ hàng hóa xuất khẩu 320 tỷ đồng, không biến động nhiều so với năm 2023.

Để đạt được mục tiêu đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp cơ bản, bao gồm: Thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cao nhất cho họat động XNK của doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị; nâng cao chất lượng đối thoại hải quan - doanh nghiệp, tăng cường đối thoại trực tiếp, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của DN; tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chống thất thu NSNN, nâng cao hiệu quả khâu hậu kiểm; phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa XNK, chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn quản lý.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.