Thanh Hóa thu ngân sách vượt Quảng Ninh, đứng thứ 7 cả nước
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa thu ngân sách đạt con số kỷ lục trên 56 ngàn tỷ đồng, vượt Quảng Ninh, đứng thứ 7 cả nước.
Chiều 6/1, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, và ông Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, chủ trì cuộc họp báo.
Báo cáo nêu rõ, năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh có nhiều khởi sắc và đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm 2024 có 23/25 chỉ tiêu chủ yếu được HĐND tỉnh quyết nghị hoàn thành và vượt mức kế hoạch.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 ước đạt 12,16%, vượt kế hoạch và đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Bắc Giang tăng trưởng 13,85%).
Đáng chú ý, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá toàn diện. Tổng sản lượng lương thực vượt 1,9% kế hoạch; đã tích tụ tập trung đất đai được 6.569 ha, vượt 6,2% kế hoạch. Chăn nuôi phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Trồng rừng tập trung được 12,4 nghìn ha, vượt 24,5% kế hoạch. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 219,7 nghìn tấn, vượt 3,1% kế hoạch, tăng 1,9%; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch...
Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ước đạt 19,25%; có 17/19 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vượt 5,1% kế hoạch và tăng 14,3% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu vượt 4,9% kế hoạch, tăng 23,4%; giá trị nhập khẩu tăng 20,3%. Doanh thu vận tải vượt 1,7% kế hoạch, tăng 14,5%...
Về lĩnh vực du lịch, tổng lượng khách du lịch năm 2024 ước đạt 15,3 triệu lượt, vượt 10,9% kế hoạch, tăng 22,5% (trong đó khách quốc tế ước đạt 719 ngàn lượt, tăng 16,7%); tổng thu du lịch vượt 4,4% kế hoạch, tăng 38%...
Thu ngân sách nhà nước đạt 56.735 tỉ đồng, vượt 59,5% dự toán, tăng 31,4% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 7 cả nước, vượt tỉnh Quảng Ninh (thu ngân sách tỉnh Quảng Ninh năm 2024 đạt 53.271 tỉ đồng).
Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 138.856 tỉ đồng, vượt 2,9% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ; thu hút được 113 dự án (trong đó có 19 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 13.376,9 tỉ đồng và 442,1 triệu USD, tăng 25,6% về số dự án và tăng 10,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh thành lập mới 3.685 doanh nghiệp, vượt 22,8% kế hoạch, tăng 1,5% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 7 cả nước.
Chính vì có sự quyết liệt trong chỉ đạo, linh hoạt, sâu sát trong điều hành, nên giải ngân vốn đầu tư công ở Thanh Hóa đến hết ngày 31/12/2024 ước đạt tỷ lệ 89,4 kế hoạch, cao hơn 11,8% so với bình quân cả nước (77,6%).
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa được quan tâm thực hiện. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được giữ vững; giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thanh Hóa là địa phương có số điểm 10 cao nhất cả nước, điểm thi trung bình tăng 3 bậc so với năm 2023. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra...
Tại cuộc họp báo, đại diện một số cơ quan báo chí đề xuất thông tin thêm về định hướng chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới; băn khoăn về thu nhập bình quân đầu người luôn không đạt chỉ tiêu đề ra và các ngành cùng trao đổi, phân tích tỷ giá, quy mô dân số thời điểm xây dựng kế hoạch so với thời điểm đánh giá.
Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nêu bật các giải pháp tạo việc làm mới cho 62,4 nghìn lao động, vượt 7,5% kế hoạch (có 13,8 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài, gấp 2,3 lần kế hoạch); tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%.
Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống: Đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... tạo động lực tăng trưởng.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, thúc đẩy liên kết vùng, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng số.
Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các biện pháp điều hành thu ngân sách nhà nước, phấn đấu cân bằng thu - chi, tăng thêm nguồn chi cho đầu tư phát triển.
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.