Thanh Hóa: Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiểm tra tình hình chống khai thác IUU
Ngày 24/2, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU) Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn, đã làm việc với UBND tỉnh về thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU và công tác chuẩn bị đầu tư Dự án Phát triển thủy sản bền vững, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế về tình hình chống khai thác IUU tại Cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) và Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn).
Tính đến ngày 24/2/2024, toàn tỉnh Thanh Hóa có 5.993 tàu thuyền; trong đó, có 2.715/2.715 tàu cá thuộc diện phải đăng ký đã nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia Vnfishbase, 100% chủ tàu thuyền đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, 100% tàu khai thác đã được lắp thiết bị giám sát hành trình...
Tuy nhiên, trong năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 359 lượt tàu mất tín hiệu 10 ngày trở lên. Qua xác minh, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 10 trường hợp tàu mất kết nối VMS dài ngày khi đi đánh bắt với tổng số tiền 61 triệu đồng và 92 vụ vi phạm Luật Thủy sản với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh, cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá chưa được nâng cấp kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của EC về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, chống khai thác IUU...
Thời gian qua, Thanh Hóa đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa lạch, trên biển, tập trung tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Thủy sản, các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác IUU đến với ngư dân, doanh nghiệp liên quan đến khai thác, chế biến thủy sản. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về tuân thủ các quy định của pháp luật trong khai thác hải sản.
Trên cơ sở thực tế, các đơn vị liên quan cũng đã báo cáo về tình hình thực hiện Dự án Phát triển thủy sản bền vững tại Bộ NN&PTNT, vay vốn WB. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa được đầu tư nâng cấp 2 cảng cá gồm: Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn) và Cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn). Theo đó, Cảng cá Lạch Hới được đầu tư xây dựng mới bến cập tàu, nạo vét khu neo đậu bến nước, cửa âu, luồng lạch, đường giao thông nội bộ... Tổng kinh phí thực hiện khoảng 270 tỷ đồng; Cảng cá Lạch Bạng được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tại 2 khu vực Hải Thanh và Hải Bình, tổng kinh phí 177 tỷ đồng.
Cùng với đó, ngày 14/12/2023, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định chủ trương đầu tư Dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Thanh Hóa, vay vốn WB nhằm tiếp tục nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng khai thác hải sản bảo đảm đồng bộ gắn với ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản nước lợ, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn vay WB.
Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại Cảng cá Lạch Hới và Cảng cá Lạch Bạng, các thành viên đoàn công tác đã chỉ rõ những tồn tại trong thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU và công tác chuẩn bị dự án Phát triển thủy sản bền vững, vay vốn WB. Trong đó, tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc thủy sản thông qua thiết bị giám sát hành trình, theo dõi, giám sát tàu cá ra, vào cảng, vấn đề xử lý tàu cá vi phạm quy định IUU và các tồn tại trong công tác quy hoạch, thiết kế các hạng mục đầu tư thuộc dự án Phát triển thủy sản bền vững.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang cảm ơn đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa và chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các khuyến nghị của EC về khai thác IUU cũng như đưa ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh… Trong thời gian tới UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở SNN&PTNT làm đầu mối, phối hợp với đơn vị tư vấn và các bên liên quan hoàn thiện thiết kế chi tiết dự án, đảm bảo tính khả thi, khoa học, phát huy được công năng, hiệu quả sau đầu tư.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự vào cuộc của UBND tỉnh Thanh Hóa, các sở, ngành, đơn vị có liên quan trong việc triển khai, thực hiện dự án theo lộ trình của Bộ NN&PTNT, yêu cầu của WB và thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, yếu kém trong quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Đặc biệt là tỷ lệ giám sát sản lượng cá qua cảng còn thấp; tỷ lệ xử phạt của lực lượng chức năng trên số vụ việc, tàu cá bị lập biên bản vẫn còn ít...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quản lý tàu cá chặt chẽ thông qua thiết bị giám sát hành trình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác tại các vùng giáp ranh, tăng chế tài xử phạt đối với tàu cá, chủ phương tiện cố tình vi phạm quy định về khai thác IUU... Từ nay đến tháng 4/2024, tỉnh cần có những kế hoạch hành động quyết liệt, quyết tâm hơn trong chống khai thác vi phạm IUU để chung tay cùng cả nước tháo gỡ "thẻ vàng" EC.
Đồng thời, cũng yêu cầu các đơn vị liên quan cần thực hiện rà soát các quy hoạch đã, đang và sắp triển khai trên địa bàn để bảo đảm dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Thanh Hóa được triển khai phù hợp, đồng bộ, thiết kế không gian kiến trúc hiện đại. Các đơn vị liên quan cần tiếp thu các ý kiến tại hội nghị và giao Sở NN&PTNT Thanh Hóa làm đầu mối tổng hợp, thu thập các thông tin liên quan, bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.