Thanh Hóa: Thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại miền núi
Với đặc thù địa lý, miền núi Thanh Hóa vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng và nâng cấp hạ tầng thương mại tại các huyện miền núi không chỉ giúp nâng cao đời sống của người dân mà còn tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế vùng.
Trên địa bàn 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa hiện có 71 chợ đang hoạt động cùng với hơn 10.000 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu và trên 60 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn. Tuy nhiên hệ thống thương mại tại đây thường có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và một số siêu thị mini tập trung ở trung tâm huyện, xã. Quy mô nhỏ và thiếu đồng bộ, khiến hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa gặp nhiều hạn chế. Nhằm khắc phục trình trạng trên, UBND các huyện đã tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư và phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa.
Đi cùng với những cố gắng trên, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu sản phẩm, tổ chức hội chợ, chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam và khuyến kích doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử. Những nỗ lực này đã giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo không ngừng tăng trưởng qua từng năm, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh.
Điển hình là huyện Cẩm Thủy đã chú trọng bố trí quỹ đất thích hợp, vừa đáp ứng nhu cầu hiện tại, vừa tạo điều kiện cho sự phát triển của các dự án đầu tư trong tương lai. Huyện cũng khuyến kích sự tham gia của các tổ chức tài chính và doanh nghiệp vào hệ thống thương mại, đặc biệt là thông qua việc thúc đẩy hợp tác xã hội hóa.
Đồng thời, triển khai các kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ, tập trung vào những khu vực có tiềm năng phát triển để thu hút các nhà đầu tư. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cơ hội kết nối với các đối tác và mở rộng cơ hội hợp tác phát triển.
Đến nay, Cẩm Thủy đã xây dựng được hơn 30 của hàng thực phẩm an toàn và hỗ trợ khoảng 300 hộ gia đình tham gia kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Hạ tầng của các chợ trên địa bàn cũng được nâng cấp, đáp ứng các tiêu chuẩn kinh doanh thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam 11856:2017. Nhờ đó, hệ thống thương mại tại địa phương không ngừng được cải thiện, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.
Để góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại các huyện vùng biên, nhiều huyện miền núi khác trong tỉnh cũng đang tích cực triển khai các giải pháp để thức đẩy phát triển hạ tầng thương mại. Một trong những ưu tiên hàng đầu là đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ các vùng sản xuất đến trung tâm tiêu thụ. Những tuyến đường nối liền các khu vực kinh tế trọng điểm đang dần được hoàn thiện, giúp giảm chi phí vận chuyển và tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm địa phương.
Bên cạnh đó, chính quyền các huyện tập trung phát triển hệ thống chợ nông thôn và các trung tâm thương mại nhỏ gọn, phù hợp với đặc thù vùng miền. Ngoài ra, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, các huyện còn tích cực triển khai chính sách khuyến kích như giảm thuế, hỗ trợ vốn vay ưu đãi và mở các lớp tập huấn về kỹ năng kinh doanh, quản lý. Các chương trình xúc tiến thương mại cũng được tổ chức thường xuyên, tạo cơ hội kết nối giữa các nhà sản xuất, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Việc phát triển hạ tầng thương mại tại các huyện miền núi không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng mà còn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, gắn với bản sắc văn hóa địa phương. Các huyện đã chú trọng đưa vào khai thác các sản phẩm đặc sản như nông sản hữu cơ, sản phẩm thủ công truyền thống, giúp tạo dựng thương hiệu riêng và thu hút sự quan tâm của thị trường ngoài tỉnh.
Các phiên chợ vùng miền được tổ chức định kỳ không chỉ là nơi giao thương mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút du khách và nhà đầu tư. Những sản phẩm mang đậm bản sắc như: Mật ong rừng Pù Luông của Công ty CP Hoàng Thân Thanh Hóa; gạo nếp Cú Mắc Cải của HTX Nông nghiệp - du lịch Bản Công (Bá Thước); rượu đông trùng hạ thảo Đan Mộc (Như Thanh) và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đã trở thành điểm nhấn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân miền núi.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, việc phát triển hạ tầng thương mại tại các huyện miền núi Thanh Hóa vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là quy mô thương mại còn nhỏ lẻ, hạ tầng chưa đồng bộ và nguồn lực đầu tư còn hạn chế là những rào cản lớn cần vượt qua.
Báo cáo của Sở Công Thương nêu rõ: Để thúc đẩy phát triển thương mại ở khu vực miền núi, Sở đang tích cực phối hợp với các địa phương triển khai tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và áp dụng các chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực xã hội hóa, phát triển các điểm bán hàng và giao lưu thương mại giữa các vùng miền trong tỉnh, nhằm thúc đẩy phát triển thương mại bền vững.
Thanh Hóa đặt mục tiêu năm 2025 và các năm tiếp theo đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại các khu vực này tăng trưởng từ 9-11% mỗi năm. Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu đặc trưng của địa phương, góp phần tạo sức bật mới cho nền kinh tế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.
Triều NguyệtĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.