Thanh Hóa: Thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở 11 huyện miền núi
Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện nghèo theo Quyết định số 353 ngày 8/3/2020 của Chính phủ. Với tổng diện tích gần 800.000 ha, dân số khoảng 927 nghìn người, các huyện miền núi có vị trí quan trọng trong phát triển chiến lược của tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực tạo mọi điều kiện để 11 huyện này vươn lên, phát triển kinh tế.
Nỗ lực xây dựng NTM
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược, trong những năm qua, huyện miền núi Thạch Thành đã đặt ra mục tiêu phải đảm bảo sự đồng thuận của người dân theo phương châm: "Dân biết, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ".
Ngay từ năm đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện đã xây dựng các cơ chế để hổ trợ phát triển sản xuất, xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn… Đồng thời, khuyến kích các xã huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa các nguồn lực để xây dựng NTM như kêu gọi sự ủng hộ của con em thành đạt xa quê; vận động nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất làm đường…
Trong 2 năm 2021 và 2022, toàn huyện đã huy động được hơn 100 tỷ đồng để xây dựng mới, nâng cấp đường giao thông, kênh mương nội đồng, trường học, nhà văn hóa, đường điện sáng được nhân dân nhiệt tình tham gia, góp phần làm thay đổi diện mạo, cảnh quan nông thôn.
Tính đến thời điểm này, Thạch Thành có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 9 xã và 113 thôn đạt chuẩn NTM; bình quân chung toàn huyện đạt 14 tiêu chí/xã. Năm 2025, Thạch Thành phấn đấu đạt chẩn NTM toàn huyện.
Là một huyện biên giới, xa trung tâm thành phố, do đó, huyện Quan Hóa có xuất phát điểm thấp. Xác định được những khó khăn từ trước, bởi vậy, từ những ngày đầu, huyện đã tranh thủ các nguồn lực, huyện đã tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước, huy động nhân dân tham gia góp công, góp sức xây dựng NTM…
Đến nay, huyện Quan Hóa đã từng bước phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng các mô hình sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Huyện đã có 1 xã và 36/107 bản được công nhận đạt chuẩn NTM.
Đến năm 2025, huyện phấn đấu có 4/14 xã đạt chuẩn NTM; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Để đạt được mục tiêu này, huyện đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện các tiêu chí; đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghiệp; thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất; đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình OCOP nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Được biết, khi bắt tay vào xây dựng MTQG xây dựng NTM, khu vực miền núi Thanh Hóa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong tổng số 573 xã xây dựng NTM toàn tỉnh, có 211 xã ở khu vực miền núi và 102 xã thuộc 7 huyện nghèo 30a.
Trên thực tế, các huyện miền núi đều có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, mặt bằng dân trí cũng như nhận thức của người dân về Chương trình NTM còn hạn chế. Các công trình hạ tầng đầu tư ở thôn, bản có kinh phí ít hơn cấp xã, phù hợp khả năng huy động sức dân và dễ bố trí nguồn lực.
Đến hết tháng 6 năm 2022, trong tổng số 346 xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh thì khu vực miền núi đã có 58 xã , có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 171 thôn bản TNM và 46 thôn bản đạt kiểu mẫu.
Đặc biệt, tại huyện miền núi đã có 41 sản phẩm được tỉnh đánh giá, xếp hạng OCOP từ 3-4 sao, trong đó huyện Như Xuân có 9 sản phẩm. Kết quả nổi bật trong Chương trình xây dựng NTM khu vực miền núi là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 8,7%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực; một số địa phương đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế vùng, miền để thay thế cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, hình thành một số sản phẩm chủ lực, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp quy mô tập trung, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc.
Nhiều cú hích đưa 11 huyện miền núi đi lên
Trong giai đoạn 2011-2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn các huyện miền núi bình quân hàng năm ước đạt 8,7%. Quy mô kinh tế của các huyện miền núi năm 2020 ước đạt 36.896 tỷ đồng, chiếm 15,6% quy mô GRDP của tỉnh.
Trong phát triển công nghiệp, trên địa bàn các huyện miền núi đã có 3 khu công nghiệp được quy hoạch với diện tích 469 ha (gồm: Bãi Trành 179 ha; Ngọc Lặc 150ha và Thạch Quảng 140ha). Ngoài ra, trên địa bàn các huyện có 21 cụm công nghiệp được quy hoạch với diện tích 643,7 ha, trong đó có 10 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút 36 vào sản xuất, kinh doanh với diện tích thuê đất 128,4 ha, đạt tỷ lệ 37% diện tich quy hoạch.
Tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề cũng được quan tâm phát triển, hình thành nhiều tổ hợp tác, HTX liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó tạo điều kiện phát triển nhiều ngành nghề truyền thống như: Mộc dân dụng, gỗ xẻ, sản xuất nông cụ cầm tay, làm măng ớt, dệt thổ cẩm, đan cót… Du nhập một số nghề mới như: Đan đèn lồng (Thường Xuân), thêu ren đính hạt cườm (Ngọc Lặc), hương xuất khẩu (Cẩm Thủy)… góp phần giải quyết việc lam, nâng cao thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực.
Đáng chú ý nhất là cuối năm 2020, Dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiên - Thanh Hóa 1 (đóng tại huyện Ngọc Lặc) có tổng mức đầu tư 36.000 tỷ đồng đã chính thức khởi công.
Đến thời điểm hiện tại, cơ sở hạ tầng tại dự án đang được gấp rút hoàn thành để chính thức có thể đi vào hoạt động, hàng năm, khu sản xuất sẽ tạo ra 180 nghìn tấn thực phẩm từ thịt lơn; 50 nghìn tấn thành phẩm từ trái cây, rau củ quả; 1,2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi; 600 nghìn tấn vi sinh hữu cơ; hình thành tổng đàn lợn 67.500 lợn nái và cung cấp 1,5 triệu lợn thịt; tổng doanh thu 38.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động…
Tại Nghị quyết Đại hội khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã xác định: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 là chương trình trọng tâm của tỉnh.
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định phê duyệt phân bổ trên 156 tỷ đồng vốn sự nghiệp năm 2022 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Cụ thể, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương giao trên 156 tỷ đồng thực hiện 10 dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, dự án phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được phân bổ kinh phí cao nhất, trên 62,5 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí này sẽ được phân bổ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện đổi mới hoạt động, cũng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và xóa mù chữ cho người dân; bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động và cán bộ triển khai Chương trình. Với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, chúng ta tin rằng Chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở 11 huyện miền núi Thanh Hóa sẽ thành công tốt đẹp.
Triều Nguyệt
Mới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.