Thanh Hóa: Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử

Địa phương
09:22 AM 22/11/2022

Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số là mục tiêu quan trọng của tỉnh Thanh Hóa hướng tới khi ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần đổi mới hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Chính quyền điện tử là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng CNTT nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và cung ứng dịch vụ theo hình thức trực tuyến nhanh nhạy hơn. Tỉnh ta đã và đang xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số nhằm tận dụng những bước tiến của công nghệ để xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. So với nhiều tỉnh, thành phố khác, Thanh Hóa chưa phải là tỉnh có nguồn lực kinh tế mạnh, nhưng đã có cách làm riêng trong xây dựng chính quyền điện tử và bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực.

Thanh Hóa: Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. - Ảnh 1.

Triển lãm các giải pháp, mô hình chuyển đổi số được tổ chức tại tỉnh Thanh Hoá vừa qua

Với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số có bước đột phá quan trọng khi cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thay đổi phương thức, thói quen làm việc từ giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Hiện nay, văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định). Riêng 9 tháng năm 2022, đã trao đổi, gửi/nhận trên hệ thống hơn 2,8 triệu lượt văn bản; tỷ lệ văn bản được ký số cá nhân đạt 98,72%, tỷ lệ văn bản ký số cơ quan đạt 100%, giúp cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước được công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, hiện đang cung cấp 910 thủ tục hành chính (TTHC) mức độ 3, mức độ 4 (167 dịch vụ công mức độ 3 và 743 dịch vụ công mức độ 4). Hệ thống thanh toán trực tuyến VNPT Pay, PayGov cũng được áp dụng, giúp công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Cổng dịch vụ công của tỉnh và hệ thống "một cửa" điện tử tại 27/27 UBND cấp huyện và 559/559 UBND cấp xã, tạo thành một hệ thống hiện đại, đồng bộ, góp phần hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh.

Thanh Hóa là tỉnh có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến lớn, với 600 điểm cầu. Toàn tỉnh còn có 18 đơn vị lắp đặt phòng họp không giấy tờ (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông - Vận tải, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh và 15 đơn vị cấp huyện), góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà nước, tạo môi trường hội họp hiện đại, tổ chức các cuộc họp nhanh chóng, tiết kiệm, khoa học. Các trung tâm tích hợp dữ liệu của Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông bảo đảm các yêu cầu về an ninh, an toàn thông tin mạng; bảo đảm cho việc duy trì, khai thác các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, các phần mềm ứng dụng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước hoạt động ổn định.

Để thúc đẩy lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng tòa nhà Trung tâm CNTT tỉnh để phát triển các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ CNTT, cung cấp hạ tầng, cung ứng dịch vụ CNTT cho các tổ chức, cá nhân và các hoạt động khác liên quan đến CNTT. UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác về thúc đẩy triển khai chính quyền số, xã hội số, kinh tế số giai đoạn 2021-2025..., tạo tiền đề để Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực bứt phá trong những năm tới.

Đặc biệt, đầu tháng 11/2022, UBND tỉnh đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để theo dõi, đánh giá khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các ngành, địa phương; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức tại các ngành, địa phương trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. Cùng với đó, Thanh Hóa đã thành lập 4.233 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 14.478 thành viên tham gia nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, khuyến khích người dân tiên phong sử dụng nền tảng công nghệ số để trở thành những "công dân điện tử", qua đó thúc đẩy việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số mạnh mẽ hơn.

Cùng với các cấp chính quyền, các ngành cũng đã tích cực ứng dụng CNTT trong lĩnh vực chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ. Điển hình như ngành giao thông - vận tải với phần mềm quản lý hệ thống cầu đường, quản lý tài sản hạ tầng giao thông; ngành tư pháp thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch; ngành tài nguyên và môi trường nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cục Thuế Thanh Hóa triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hiện nay, Cục Thuế Thanh Hóa đang thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với ngành giao thông - vận tải về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý thu thuế.

Những kết quả quan trọng đạt được trong ứng dụng CNTT, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh đã tạo nên sự công khai, minh bạch trong công tác chỉ đạo, điều hành và trong giải quyết TTHC của các cơ quan Nhà nước. Bằng các kế hoạch, chương trình và hành động cụ thể, Thanh Hóa quyết tâm chinh phục các mục tiêu mới, nhằm tiếp tục tạo bước đột phá ấn tượng về cải cách hành chính, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Đến nay, tỉnh Thanh Hoá đã hướng dẫn, hỗ trợ cho 66.816 doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; 67 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn” và 577 sản phẩm lên Cổng kết nối cung cầu nông sản an toàn tỉnh Thanh Hóa; 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập 4.233 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 14.478 thành viên tham gia...

Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% trở lên trong GRDP của tỉnh. Doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 80% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế; 100% các huyện, thị xã, thành phố và 80% trở lên các xã, phường, thị trấn hoàn thành chuyển đổi số, theo Bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa...


Vũ Quỳnh
Ý kiến của bạn
Ban hành tín chỉ carbon cho 9 dự án JCM ở Việt Nam Ban hành tín chỉ carbon cho 9 dự án JCM ở Việt Nam

Tại Cuộc họp lần thứ 9 của Ủy ban hỗn hợp thực hiện Cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa Việt Nam và Nhật Bản, Ủy ban đã thống nhất ban hành tín chỉ carbon cho 9 dự án JCM đã đăng ký thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2020, và trao đổi về triển khai Cơ chế JCM trong giai đoạn 2021 - 2030.