Thanh Hóa: Thúc đẩy xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn dịp cuối năm
Hiện giá cước vận tải biển thế giới đã hạ nhiệt, cùng với nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa dịp cuối năm tăng cao, nên các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác cảng biển Nghi Sơn đang nỗ lực thúc đẩy lượng hàng hóa bốc dỡ qua cảng, đảm bảo đạt được mục tiêu cả năm.
Cảng biển Nghi Sơn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là đầu mối giao thương quan trọng, kết nối vùng biển Thanh Hóa và Bắc Trung bộ với các tuyến hàng hải quốc gia, quốc tế.
Để thúc đẩy sự phát triển của Cảng Nghi Sơn, ngoài đầu tư về hạ tầng cảng biển, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng.
Bên cạnh đó là những quyết tâm lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành thực thi chính sách, những trăn trở hoạch định cơ chế trong dài hạn nhằm biến Cảng Nghi Sơn trở thành cảng biển sôi động, hoạt động hiệu quả. Do vậy, tổng khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Nghi Sơn trong 10 tháng năm 2024 luôn giữ mức tăng trưởng ổn định.
Đều đặn hàng tuần, tàu container của hãng vận tải biển CMA-CGM cập cảng Quốc tế Nghi Sơn để làm hàng. Chuyến tàu lần này vào cảng để xuất và nhập gần 350 container hàng hóa từ Nghi Sơn đi quốc tế và ngược lại. Cảng này hiện đang là đơn vị duy nhất khai thác các tuyến container quốc tế và nội địa qua Thanh Hóa.
Với việc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn, doanh nghiệp khai thác cảng kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu sản lượng hàng hóa bằng container đạt 22.000 Tues trong cả năm.
Hiện nay, khu vực cảng Nghi Sơn có 9 bến cảng và 2 khu neo đang khai thác, hoạt động. Trong đó, có 5 bến cảng dịch vụ, còn lại là bến cảng chuyên dụng. Tính từ đầu năm 2024 đến hết tháng 10, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển qua hệ thống cảng Nghi Sơn đạt hơn 46,8 triệu tấn và 19.000 Tues, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2023 và đã vượt mục tiêu cả năm.
Cuối năm, giá nhiên liệu trong nước và quốc tế đã dần ổn định, giá cước vận tải biển đã giảm khoảng 20-30% so với trước; đồng thời các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nhu cầu dự trữ hàng hóa, nguyên liệu cho các dịp lễ Tết tăng cao. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khai thác cảng triển khai nhiều giải pháp nhằm đa dạng thêm các loại hàng hóa thông qua cảng.
Ông Nguyễn Hữu Hoan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật PTSC Thanh Hóa cho biết: Chúng tôi thu hút thêm các loại mặt hàng phục vụ cho các nhà máy ở miền Trung như Fomosa, Hà Tĩnh và nhà máy thép Hòa Phát, Quảng Ngãi, giúp cho tổng lượng hàng hóa thông qua cảng được đảm bảo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm đến công tác chuyển đổi số để tích hợp các hệ thống quy trình, nâng cao hiệu suất khai thác cảng, kho bãi và hạ tầng.
Với việc phát triển hệ thống Cảng Nghi Sơn đã thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa, rút ngắn thời gian và chi phí của doanh nghiệp; tăng thu ngân sách cho tỉnh. Tổng kim ngạch, trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như số thu thuế qua Cảng biển Nghi Sơn tăng lũy tiến qua các năm, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, tạo động lực dự kiến nguồn thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2024 đạt trên 54.000 tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.
Sự nỗ lực của các doanh nghiệp khai thác cảng trong việc thúc đẩy hàng hóa thông qua hệ thống cảng Nghi Sơn không chỉ là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của đơn vị mà còn góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh. Nhiều năm gần đây, nguồn thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Nghi Sơn trở thành nguồn thu chủ đạo của Hải quan Thanh Hóa và chiếm tới gần 50% số thu ngân sách toàn tỉnh.
Để tăng nguồn thu bền vững từ việc phát huy lợi thế của Cảng biển Nghi Sơn, hiện nay Cục Hải quan và Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cũng đang tăng cường phối hợp với các hiệp hội, hội doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ của địa phương đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn nói riêng, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho chiến lược thu hút doanh nghiệp về với Cảng Nghi Sơn, tạo nguồn thu ngân sách bền vững cho tỉnh trong thời gian tới.
Về định hướng dài hạn, để phát huy tối đa tiềm năng của một cảng nước sâu với hệ thống luồng lạch ít bị bồi lắng, tỉnh Thanh Hóa đang có ý tưởng sẽ đề xuất Trung ương bổ sung quy hoạch và ban hành cơ chế đột phá để đầu tư một cảng container trung chuyển quốc tế tại Cảng Nghi Sơn, gắn với việc hình thành khu Depot (cảng cạn) ở TP Thanh Hóa, khu vực Lam Sơn - Sao Vàng, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp.
Nếu làm được điều này, Cảng Nghi Sơn sẽ trở thành một trong những trung tâm của hoạt động logistics quốc tế và khu vực mà các hãng tàu lớn sẽ tập trung để giao nhận, phân phối hàng hóa đi thế giới, tạo bước đột phá thực sự trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và cả nước.
Yến HoàngSáng sớm ngày 5/1, đỉnh Fansipan - "nóc nhà Đông Dương" - lại một lần nữa xuất hiện băng giá, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp hiện tượng này diễn ra.