Thanh Hóa: Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập
Sáng 4/10, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc thực hiện cơ chế, chính sách đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022. Ông Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa và Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo tóm tắt tại buổi làm việc, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 60 trường ngoài công lập từ cấp mầm non đến THPT, với hơn 28.200 học sinh tham gia học tập. Trong đó, giai đoạn 2018-2022 thành lập và đưa vào hoạt động 15 trường gồm 9 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 4 trường liên cấp (tiểu học, THCS và THPT) với hơn 4.600 học sinh.
Thời gian qua, cùng với việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương như Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ; Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính… ngành giáo dục tỉnh cũng đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập và thực thi hiệu quả.
Cụ thể như tại Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND ngày 17/12/2011 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Quyết định số 4294/2011/QĐ-UBND, ngày 21/12/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Riêng bậc học mầm non, tỉnh Thanh Hóa ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các trường ngoài công lập tại các nghị quyết, quyết định như: Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND, ngày 7/12/2017 của HĐND tỉnh việc Ban hành quy định về thực hiện Chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030; Quyết định số 03/QĐ-UBND ngày 8/2/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc Ban hành quy định về việc thực hiện Chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030; Nghị quyết số 386/2017/NQ-HĐND, ngày 26/4/2021 của HĐND việc Ban hành Chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2033. Theo nội dung các nghị quyết, ngoài việc được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định, những trường được hưởng chính sách còn được hỗ trợ kinh phí để trả lương, BHXH, BHYT… cho cán bộ, giáo viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Qua thống kê, đến hết tháng 8/2022, số trường được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND, Nghị quyết số 386/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là 9 trường; số cán bộ quản lý, giáo viên được hưởng chính sách là 231 người, với tổng kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng. Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND, toàn tỉnh có hơn 20 trường học được hưởng chính sách.
Tại buổi làm việc, các thành viên của Ban Văn hóa và Xã hội HĐND tỉnh và đại diện các phòng, ban chuyên môn, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã thảo luận, phân tích, làm rõ thêm những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập trong quá trình thực thi cơ chế, chính sách.
Các thành viên Ban Văn hóa và Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, Sở GD&ĐT cần bổ sung số liệu, làm rõ thêm kết quả trong thực thi cơ chế, chính sách kể cả của Trung ương và của tỉnh, đặc biệt là việc thực thi Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND, Nghị quyết số 386/2017/NQ-HĐND; đánh giá sâu hơn, kỹ hơn về quy mô trường lớp, đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập và có đối chứng, so sánh trong từng năm học…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa và Xã hội HĐND tỉnh Đào Xuân Yên đánh giá cao công tác tham mưu của Sở GĐ&ĐT với HĐND, UBND tỉnh trong việc ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập, góp phần giảm tải trong hệ thống giáo dục công lập; đồng thời ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của ngành giáo dục trong những năm qua với nhiều thành tích đạt được cả trong giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa và Xã hội HĐND tỉnh nhấn mạnh: Phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập là hướng đi rất phù hợp nhằm huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Vì vậy, Sở GD&ĐT cần tiếp tục nghiên cứu, nắm vững cơ chế, chính sách về phát triển giáo dục ngoài công lập; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các cơ chế, chính sách của tỉnh có liên quan đến xã hội hóa giáo dục để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trường học ngoài công lập. Tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực xã hội, sự tham gia của cộng đồng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục.
Qua đây, ông Đào Xuân Yên cũng đề nghị ngành giáo dục tiếp tục phối hợp với các địa phương, các ngành liên quan rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Ngoài ra, có phương án quy hoạch bố trí quỹ đất tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phát triển hệ thống mạng lưới trường học ngoài công lập. Chỉ đạo phòng giáo dục ở những địa phương có cơ sở giáo dục ngoài công lập tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục này.
Cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và làm tốt công tác thi đua - khen thưởng trong các nhà trường nhằm tạo động lực nâng cao chất lượng dạy và học. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ nội dung chương trình giáo dục, công tác chăm sóc giáo dục trẻ, trong các cơ sở giáo dục nói chung, giáo dục ngoài công lập nói riêng, tránh để xảy ra tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn, lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà.
Tích cực chủ động phối hợp với các ngành liên quan, bám sát đề cương báo cáo và ý kiến góp ý của các thành viên tại buổi làm việc, sớm hoàn thiện báo cáo thực hiện cơ chế, chính sách đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022. Nội dung báo cáo cần làm rõ kết quả thực thi các cơ chế, chính sách; đặc biệt, số liệu báo cáo phải có sự thống nhất.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của ngành, Ban Văn hóa và Xã hội HĐND tỉnh tiếp thu để tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh.
Yến HoàngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.