Thanh Hóa: Tiềm năng mở rộng thị phần xuất khẩu rau, quả
Với các lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do FTA mang lại, các sản phẩm rau, quả của tỉnh đang có nhiều tiềm năng mở rộng thị phần xuất khẩu sang các nước EU và châu Á.
Dư địa lớn - thách thức không nhỏ
Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 72.300 ha rau quả các loại, với sản lượng khoảng 590.000 tấn/năm, tập trung ở các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa, Nông Cống, Nga Sơn, Quảng Xương, Triệu Sơn, TP. Thanh Hóa... Các địa phương đã xây dựng được các vùng sản xuất tập trung, thực hiện thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều sản phẩm rau, quả của tỉnh được công nhận OCOP cấp tỉnh 3 sao.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến để giúp doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức và thực hành sản xuất sạch, nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, nhất là sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tính đến tháng 7/2022, toàn tỉnh có 17 doanh nghiệp chế biến rau quả, với công suất 109.200 tấn/năm. Các sản phẩm rau, quả chủ yếu được chế biến thông qua việc sơ chế, đóng gói, bảo quản, cung cấp khoảng 70% thị trường trong tỉnh, còn lại là các thành phố lớn trong cả nước và xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Belarus... Trong 7 tháng năm 2022, các doanh nghiệp chế biến rau, quả của tỉnh đã xuất khẩu được 141.862 thùng, tương đương 5.540 tấn dưa chuột đóng hộp, dứa đóng hộp đi thị trường các nước Trung Quốc, Anh, Úc, Nga, Đức, Pháp, Israel, Estonia..., trị giá khoảng 2,39 triệu USD.
Qua kết quả xuất khẩu cho thấy, thị phần rau, quả của tỉnh tại các nước vẫn còn mờ nhạt, mới chỉ chiếm phần nhỏ nhu cầu của thị trường các nước. Bà Nguyễn Thị Phương Trà, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn EP Food, xã Đông Vinh (TP. Thanh Hóa), cho biết: Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất khẩu mặt hàng trái cây đóng hộp, như dứa đóng hộp, dưa chuột ngâm dấm... Sản phẩm được xuất khẩu sang các nước châu Á, EU, Nga, UAE, Anh, Kazakhstan, Uzbekistan và các nước phát triển khác. Trong 7 tháng năm 2022, công ty đã xuất khẩu đi thị trường các nước được 2.500 tấn dứa đóng hộp, đạt hơn 1,4 triệu USD. Nhận thấy sản phẩm dứa đóng hộp hiện đang trở thành sản phẩm phổ biến trong hệ thống bán lẻ ở các nước EU và nhu cầu tiêu dùng của khách hàng ở đây lớn, nên công ty đang tiếp cận mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trong khu vực này.
Về thị trường xuất khẩu, thị trường châu Á chiếm 85% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Xuất khẩu rau quả Việt Nam đến các thị trường châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng do quy mô thị trường và sức tiêu thụ lớn, thói quen tiêu dùng tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển, mức thuế nhập khẩu hầu hết đều đã về 0% do thực thi các hiệp định thương mại tự do.
Với thị trường châu Âu, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông sản, rau quả của EU rất lớn. Việt nam có lợi thế sản xuất các loại rau củ nhiệt đới với chủng loại đa dạng, phong phú. Cộng với việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam mà điển hình là rau, hoa, quả sẽ được mở cửa để tiếp cận thị EU trường tốt hơn.
Mặc dù, có nhiều thuận lợi từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, nhưng khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là phải tự tìm đối tác để xuất khẩu sang thị trường các nước EU. Việc xuất khẩu rau quả sang thị trường châu Á đang gặp thách thức lớn do sự thay đổi về chính sách nhập khẩu. Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc có quy định khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình đánh giá rủi ro phức tạp, kéo dài thì Trung Quốc cũng chuyển từ giao dịch biên mậu sang nhập khẩu chính ngạch, đồng thời áp dụng các chính sách thắt chặt kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu. Ngoài ra, để doanh nghiệp được hoạt động tối đa công suất và mở rộng thị trường xuất khẩu vẫn rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh để sản phẩm cạnh tranh về giá cả với sản phẩm cùng loại của các nước tham gia xuất khẩu.
Nâng cao chất lượng nông sản
Theo các chuyên gia, những năm tới, thị trường Á - Âu tiếp tục là khu vực xuất khẩu nông sản, rau, quả chủ yếu của Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Trong bối cảnh đó, ngành rau quả cần phải nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Muốn nâng cao chất lượng nông sản phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi; trong đó, người sản xuất phải áp dụng các quy trình sản xuất tốt, đạt chứng nhận theo yêu cầu của thị trường và thực hành vệ sinh tốt trong quá trình thu hoạch, đóng gói sản phẩm. Các doanh nghiệp thu mua, chế biến phải đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết chặt chẽ với nông dân để đảm bảo nguồn cung và giám sát việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nhằm khai thác được tiềm năng xuất khẩu rau, quả của tỉnh và tiến sâu vào thị trường các nước EU, châu Á, thị trường Trung Đông, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang tích cực triển khai công tác tìm kiếm các dự án, lĩnh vực, phương thức hợp tác mới; tận dụng lợi thế của các Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để củng cố các thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa.
Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX sản xuất các sản phẩm rau, quả có sức cạnh tranh, bảo đảm ứng dụng đúng tiêu chuẩn quốc tế về thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, khuyến khích người trồng rau, quả áp dụng, tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn đề ra trong thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, như EUREPGAP, GlobalGAP, VietGAP...
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, tỉnh cần tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất, chuẩn hóa sản phẩm, đủ điều kiện đăng ký sử dụng nhãn hiệu, làm cơ sở để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau, quả. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, xây mới các nhà máy có dây chuyền thiết bị công nghệ chế biến hiện đại, lắp đặt hệ thống bảo quản nhằm nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế cho sản phẩm rau, quả.
Mặt khác, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cần xây dựng kênh trao đổi thông tin quy định về an toàn thực phẩm của thị trường giữa cơ quan quản lý và nhà sản xuất, xuất khẩu; thường xuyên cập nhật thông tin và thông báo đúng lúc, chính xác. Xây dựng chiến lược xuất khẩu rau quả cho từng thị trường cụ thể để tận dụng tối đa các lợi thế gia tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh của mình.
Các cơ quan chức năng cần kiểm soát tốt việc sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là mặt hàng rau, quả. Với những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU, việc phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng có thể dẫn đến biện pháp hạn chế xuất khẩu lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn ngành sản xuất tại Việt Nam.
Người sản xuất cũng cần phải thay đổi tư duy "bán thứ mình có" sang "bán thứ thị trường cần" bằng cách chủ động nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu; tập trung vào mặt hàng có giá trị gia tăng cao để nâng cao biên độ lợi nhuận và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam nói chung và nông sản Thanh Hóa nói riêng, có như vậy tiềm năng xuất khẩu rau quả của chúng ta mới chiếm lĩnh được thị trường quốc tế.
Yến HoàngTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.