Thanh Hóa tiến tới nền nông nghiệp hàng hóa và công nghệ cao

Địa phương
08:03 PM 27/05/2024

Là địa phương có đầy đủ các đặc điểm địa hình miền núi, trung du, đồng bằng, chính là điều kiện thuận lợi để Thanh Hóa phát triển các lĩnh vực sản xuất: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Những năm gần đây, các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành cùng nông dân trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi.

Thanh Hóa tiến tới nền nông nghiệp hàng hóa và công nghệ cao- Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và các thành viên trong đoàn đến thăm khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thị trấn Thiệu Hóa.

Thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã quyết định ban hành chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu: Tạo chuyến biến rõ nét về quy mô năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh về nông nghiệp, lâm, thủy sản; mở rộng các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có tiềm năng theo chuỗi giá trị, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn công nghệ cao; một sản phẩm có lợi thế xây dựng được thương hiệu mạnh; xây dựng NTM phát triển bền vững với kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hợp lý; phát triển các hình thức sản xuất hiệu quả; trình độ dân trí văn minh; môi trường sinh thái được bảo vệ, các giá trị văn hóa ở nông thôn được giữ gìn và phát huy, thu nhập và đời sống của người dân ở nông thôn được nâng cao.

Để thực hiện tốt chương trình của Đảng bộ Thanh Hóa đề ra, ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn với nhiều ưu thế. Mặt khác, trong quá trình thực hiện định hướng, lộ trình phát triển, tỉnh Thanh Hóa luôn dành cho nông nghiệp sự quan tâm đặc biệt. Vì vậy, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình liên quan đến phát triển nông nghiệp. Đồng thời, HĐND tỉnh ban hành và thực hiện nhiều chính sách phát triển nông nghiệp...

Đề cập vấn đề này, Chủ tịch HND tỉnh Thanh Hóa Trần Bình Quân cho biết: "Muốn có một nền nông nghiệp hiện đại phải có những người nông dân làm chủ được khoa học - công nghệ. Đưa khoa học - công nghệ đến với nông dân sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ".

Thanh Hóa tiến tới nền nông nghiệp hàng hóa và công nghệ cao- Ảnh 2.

Vườn dâu tây tại nông trại Khoa farm tại thôn Song Nga, xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy.

Để giúp nông dân tiếp cận, nắm bắt và làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, HND tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ ký kết chương trình hoạt động giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; phối hợp với Bưu điện tỉnh ban hành kế hoạch "Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025" và ký kết 32 chương trình phối hợp khác với các ban, sở, ngành, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân. Hội cũng ban hành công văn chỉ đạo HND các cấp tham gia cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông; hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện để hội viên nông dân có điều kiện tham gia ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao thu nhập, tạo điều kiện thực hiện cơ chế liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước.

Trong 10 năm qua, HND tỉnh đã tổ chức trên 30 nghìn lớp tập huấn chuyển giao công nghệ cho gần 3,3 triệu lượt hội viên, nông dân tham gia, như tập huấn các biện pháp kỹ thuật trồng trọt; chăn nuôi trên đệm lót sinh học; chuyển giao một số giống lúa mới năng suất cao; kỹ thuật nuôi gà an toàn sinh học; kỹ thuật chăm nuôi bò sinh sản; sản xuất rau an toàn... Bên cạnh đó, HND tỉnh cũng đã tổ chức gần 1 nghìn các cuộc hội thảo với các doanh nghiệp nhằm giúp nông dân tiếp cận được các vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi bảo đảm chất lượng đồng thời giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Thanh Hóa tiến tới nền nông nghiệp hàng hóa và công nghệ cao- Ảnh 3.

Hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel. Nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây dưa. Phân bón được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây dưa phát triển.

Từ đó, nhiều hội viên nông dân được vinh danh với các phát minh, sáng kiến hay được áp dụng hiệu quả trong sản xuất. Tiêu biểu như ông Trần Văn Tân ở huyện Quảng Xương đoạt giải bạc cuộc thi "Làm nông thời công nghệ 4.0"; hội viên Lê Trọng Thiện ở đội 1, xã Đông Khê (Đông Sơn) có mô hình lò hấp giá thể nấm đạt giải cao tại cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ VIII, ông Lê Đình Trúc, Giám đốc HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng, xã Yên Thọ (Như Thanh) đoạt danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020; ông Nguyễn Văn Tuyến, ở phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2021...

Với vai trò của mình, các cấp HND trong tỉnh đã tích cực lồng ghép nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vào phong trào, công tác hội. Việc hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân các chi, tổ hội nghề nghiệp bắt đầu ngay từ việc nhỏ nhất, là những kiến thức cần thiết về chuyển đổi số, nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, Internet và thương mại điện tử... 

Từ đó, từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư duy trong từng hội viên, các chi, tổ hội nghề nghiệp, để tham gia chủ động, hiệu quả vào tiến trình chuyển đổi số một cách phù hợp nhất. Hỗ trợ đào tạo, xây dựng và chứng nhận theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, Viet GAHP) và hỗ trợ tem truy xuất cho các sản phẩm nông nghiệp. Để đẩy mạnh tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cho nông dân, HND tỉnh đã phối hợp cùng Bưu điện tỉnh triển khai lựa chọn các sản phẩm OCOP đưa lên sàn điện tử Postmart.vn.

Thanh Hóa tiến tới nền nông nghiệp hàng hóa và công nghệ cao- Ảnh 4.

100 quả dưa vàng trong nông trại của Công ty Điền trạch Farm - Thọ Xuân đều tăm tắp như nhau.

Giám đốc HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng Lê Đình Trúc cho biết: Bên cạnh nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá , tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghệ số cũng giúp người nông dân thuận tiện hơn trong học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu thị trường, liên kết hợp tác sản xuất... Đây là điều kiện quan trọng, góp phần để nông nghiệp truyền thống dần chuyển đổi sang hiện đại.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc ứng dụng khoa học - công nghệ và sản xuất, HND tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh truyên truyền, hướng dẫn hội viên nông dân từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học; củng cố phát triển bộ máy tổ chức HND các cấp đáp ứng yêu cầu khoa học - công nghệ trong thời kỳ mới. Các cấp HND đang nỗ lực thể hiện rõ là trung tâm, nòng cốt trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ cho nông dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù, KH&CN được coi là yếu tố "then chốt" trong tổ chức và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tuy nhiên việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất còn nhiều bất cập. Chất lượng nguồn nhân lực KH&CN chưa cao, nhất là về máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phụ trợ phải nhập khẩu nhiều. Quy mô ứng dụng KH&CN vào sản xuất trên địa bàn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế về phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà...

Triều Nguyệt - Yến Hoàng
Ý kiến của bạn