Thanh Hóa tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng

Địa phương
10:16 AM 04/11/2024

Để phát triển kinh tế - xã hội phấn đấu trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, Thanh Hóa đã, đang thu hút tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công phục vụ cho việc thực hiện dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030, trong đó, trọng tâm là đầu tư cơ sở hạ tầng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký Chỉ thị số 15 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 

Theo đó, các mục tiêu và định hướng đầu tư công giai đoạn 2026-2030 của tỉnh Thanh Hóa là thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công phục vụ cho việc thực hiện dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030 của tỉnh, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; công nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa & thể thao. 

Đến năm 2025 trong nhóm dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc theo Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị và Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh Hóa tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng- Ảnh 1.

Chỉ thị nêu rõ, số lượng dự án đầu tư vốn ngân sách Nhà nước thực hiện trong giai đoạn 2026-2030 phải thấp hơn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, ngân sách Trung ương thấp hơn khoảng 15-20% tổng số lượng dự án; để tập trung cho các dự án lớn quan trọng và không mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư công ngân sách Nhà nước, cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, trọng tâm là đầu tư cơ sở hạ tầng 6 hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Bắc Nam, hành lang kinh tế trung tâm, hành lang kinh tế quốc tế, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (xa lộ nông nghiệp), hành lang kinh tế Đông Bắc.

Cùng với đó, tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực gồm: Hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế Bắc Nam, hành lang kinh tế trung tâm, hành lang kinh tế quốc tế, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (xa lộ nông nghiệp), hành lang kinh tế Đông Bắc.

Đồng thời, phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực gồm: Trung tâm động lực phía Nam (Khu kinh tế Nghi Sơn), trung tâm động lực thành phố Thanh Hóa-Đông Sơn, trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn-Sao vàng), trung tâm động lực phía Bắc (Bỉm Sơn-Thạch Thành); các công trình liên tỉnh, liên vùng, kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

Dành nguồn vốn thích đáng đầu tư các công trình thuộc lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn; cơ sở hạ tầng các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Đầu tư các công trình thiết yếu thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; thông tin - truyền thông, chuyển đổi số; khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế; lao động, việc làm; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư các công trình bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Ngay từ những ngày đầu năm 2024, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã tổ chức khởi công dự án tuyến đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 1.345 tỷ đồng. 

Dự án gồm 2 tuyến đường, trong đó tuyến số 1 là đường tỉnh 512, đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Thọ Xuân - Nghi Sơn có chiều dài 10,3 km; tuyến đường số 2 là đường Nghi Sơn - Bãi Trành đoạn từ cầu Hổ đến nút giao vào đoạn đường cao tốc Bắc-Nam có chiều dài 3km theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với vận tốc thiết kế là 80km/h. 

Cùng với đó, Ban quản lý Dự án Đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa cũng tổ chức ra quân triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 thi công cầu Xuân Quang vượt sông Mã và đường 2 đầu cầu từ km5+250- Km 7+250 thuộc Dự án tuyến đương nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45, từ xã Hoằng Xuân( Hoằng Hóa) đến xã Thiệu Long (Thiệu Hóa).

Để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối, ngành Giao thông - Vận tải đang tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh, triển khai lập phương án đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 6 tỉnh Hòa Bình; tuyến đường nối TP Thanh Hóa với các huyện phía Tây để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư; hoàn thiện thủ tục khởi công đường Đông Xuân đi TP Thanh Hóa, giai đoạn hoàn chỉnh đường Voi-Sầm Sơn (đoạn km8+500-Km11+743); hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 3 nhánh Đông, đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến huyện Quảng Xương...

Hiện ngành giao thông - Vận tải đang tập trung đôn đốc các nhà thầu thi công hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng dự án đường nối Quốc lộ 47 đoạn Km0-Km9+326; đường giao thông từ Quốc lộ 47 đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2)...

Trước đó, ngày 31/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết định số 929/QĐ-TTg, về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quyết định nêu rõ, nguyên tắc xác định các dự án đầu tư công là ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội, khoa học.

Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, xử lý rác thải, nước thải, y tế, giáo dục,an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường...

Xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một yếu tố rất quan trọng phải đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng ưu tiên nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông, trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, các chủ đầu tư hay các cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp quản lý dự án đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng.

Để triển khai có hiệu quả đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ủy quyền cho Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ các quy định tại Chỉ thị và các văn bản liên quan, hướng dẫn các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, thời gian, tiến độ lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 đảm bảo đúng quy định.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn