Thanh Hóa tiếp tục xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2022, Thanh Hoá xếp thứ 3 cả nước, sau Quảng Ninh và Bình Dương.
Mới đây, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) phối hợp tổ chức công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2022.
Theo kết quả công bố, năm 2022, Thanh Hóa xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh với 46,015 điểm, sau vị trí số 1 là Quảng Ninh (47,876 điểm) và vị trí thứ 2 là Bình Dương (47,448 điểm). Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Thanh Hóa giữ vững vị trí thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI.
Kết quả xếp hạng PAPI được khảo sát, đánh giá dựa trên 8 chỉ số nội dung gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai trong việc ra quyết định với người dân; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và quản trị điện tử.
Trong 8 chỉ số nội dung, Thanh Hóa có nhiều chỉ số đạt điểm cao, nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Cụ thể: Chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở tăng từ 5,85 điểm (năm 2021) lên 6,10 điểm năm 2022 (cao nhất cả nước); chỉ số Công khai trong việc ra quyết định với người dân đạt 5,97 điểm, đứng thứ 3 cả nước sau Quảng Ninh (6,37 điểm) và Bình Dương (6,20 điểm); chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 7,28 điểm (đứng thứ 7 cả nước)…
Kết quả xếp hạng các chỉ số cải cách năm 2023 thể hiện cho khát vọng không ngừng vươn xa của Thanh Hóa trong hành trình cải cách, đổi mới. Đặc biệt, trong 8 lĩnh vực đánh giá thì lĩnh vực hiện đại hóa hành chính của Thanh Hóa xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để giữ vững và nâng cao chỉ số PAPI, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ.
Cấp ủy, chính quyền cần làm tốt các quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để người dân hiểu, tin tưởng, ủng hộ và làm theo nhằm đưa các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống. Tuyệt đối không để cán bộ, công chức biến quyền lực Nhà nước giao cho thành quyền lực riêng của tổ chức, cá nhân mình. Cùng với đó, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia đối thoại tại cấp cơ sở và tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề của địa phương.
Những kết quả quan trọng kể trên là minh chứng cho bước tiến dài của Thanh Hóa trên bảng xếp hạng PAPI; song không vì kết quả đạt được mà công tác CCHC được phép trùng xuống. Kết quả này đã khẳng định sự nỗ lực của Thanh Hóa trong việc nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Qua đó, tạo xung lực mới để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục giữ vững và đưa ra mục tiêu phấn đấu mới cao hơn nữa cho năm 2023 và những năm tiếp theo.
Với tâm thế đó, Thanh Hóa tiếp tục nhìn nhận, phân tích những kết quả đạt được, đồng thời "nhìn thẳng vào sự thật" để "mổ xẻ" những tiêu chí còn thấp điểm, mất điểm để đưa ra mục tiêu phấn đấu mới cao hơn cho những năm tiếp theo.
Yến HoàngTheo Quyết định số 1046/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán lẻ điện năm 2024 được điều chỉnh lên 2.103 đồng/kWh.