Thanh Hóa: Tổng lượng khách du lịch ước đạt 15,3 triệu lượt
Năm 2024, tổng lượng khách du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt 15,3 triệu lượt khách, vượt 10,9% kế hoạch và tăng 22,5% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng khách quốc tế ước đạt 719 nghìn lượt, tăng 16,7% so với cùng kỳ.
Tổng thu du lịch của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 33.800 tỷ đồng, vượt 4,4% kế hoạch và tăng 38% so với cùng kỳ. Được biết, trong năm 2024, du lịch tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo Cục du lịch quốc gia Việt Nam, Thanh Hóa dẫn đầu cả nước về số lượt khách du lịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5, với 1,52 triệu lượt khách, doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 3.800 tỷ đồng, tăng 32,8% so với dịp lễ cùng kỳ. Trong dịp nghỉ lễ 02/9, Thanh Hóa đón trên 395 nghìn lượt khách, tăng 20,4% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023 - cũng thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước.
Tuy nhiên du khách đến Thanh Hóa vẫn chủ yếu vào mùa hè, để khắc phục tính mùa vụ, ngành du lịch Thanh Hóa đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kết nối với các địa phương khu vực miền Bắc, Trung, Nam để thu hút thêm khách du lịch trong nước và quốc tế; quảng bá thông tin về du lịch, văn hóa, sự kiện của tỉnh; hoàn thiện bản đồ du lịch Thanh Hóa bằng công nghệ thực tế ảo, để du khách đến với Thanh Hóa dễ dàng tiếp cận và khám phá các điểm check in thú vị…
Thanh Hóa cũng sẽ đẩy mạnh thu hút khách quốc tế tại các thị trường Đông Bắc Á, Nga, Mỹ, Pháp… tập trung vào quảng bá những sản phẩm Nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, chăm sóc sức khỏe, sinh thái cộng đồng, MICE...
Mới đây, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến tỉnh Thanh Hóa", với sự tham gia của đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh và gần 60 doanh nghiệp lữ hành toàn quốc.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng ngành du lịch Thanh Hóa; trong đó đi sâu phân tích những tiềm năng, thế mạnh cũng như những hạn chế, yếu kém của du lịch Thanh Hóa trong việc thu hút du khách quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng và đột phá về lượng khách quốc tế, tỉnh Thanh Hóa cần đề xuất với Chính phủ sớm đầu tư nâng cấp sân bay Thọ Xuân thành sân bay quốc tế, đồng thời nghiên cứu xây dựng Cảng biển Nghi Sơn thành cảng đón khách quốc tế đến tham quan nghỉ dưỡng ở Thanh Hóa.
Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh quảng bá du lịch thông qua các trang mạng xã hội và các nền tảng dịch vụ trực tuyến toàn cầu, hướng cả tới đối tượng khách lẻ; tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế trong khu vực và trên thế giới nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp du lịch nước ngoài, đồng thời góp phần nâng tầm, khẳng định vị thế của ngành du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch thế giới.
Khoảng thời gian này, tỉnh Thanh Hoá cũng liên tục tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Việc mời các đoàn Farmtrip từ trong Nam ngoài Bắc, và cả nước ngoài đến với xứ Thanh chính là cơ hội lớn để Thanh Hoá tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch thế mạnh, đồng thời kết nối các sản phẩm có yếu tố liên vùng, liên khu vực.
Mùa thu đông, được xem là khoảng thời gian lý tưởng nhất cho các hoạt động khảo sát, đánh giá sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp lữ hành, để từ đó lên kế hoạch khai thác cho tour tuyến năm tiếp theo. Nắm bắt cơ hội này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, Chi hội lữ hành tỉnh đã mời nhiều đoàn Farmtrip đến từ Thái Lan và nhiều vùng miền trên cả nước như các tỉnh miền Trung Tây nguyên, Đông Nam Bộ,… đến khảo sát, quảng bá và mời trải nghiệm các sản phẩm mới.
Ông Vũ Văn Chương, Công ty Du lịch Tự hào Việt, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Khảo sát ở Thanh Hoá, nơi mà tôi đánh giá cao nhất đó là Pù Luông và chắc chắn tới đây, chúng tôi sẽ đưa vào sản phẩm bởi vì Pù Luông rất đẹp, ẩm thực ngon".
Thanh Hoá đã được xác định là một thị trường du lịch tiềm năng, đầy đủ loại hình, đa dạng các phân khúc khách. Theo đó, các doanh nghiệp lữ hành tập trung hướng đến sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng đối với dòng khách quốc tế và nối tour. Thời gian khai thác kéo dài tất cả các tháng trong năm, đặc biệt vào cuối năm. Sản phẩm du lịch biển, du lịch sự kiện, tâm linh kết hợp với các điểm vui chơi giải trí mới hoàn toàn phù hợp với dòng khách nội địa dịp đầu xuân và mùa hè.
Việc tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch với các đơn vị có uy tín trong nước, quốc tế vừa giúp Thanh Hoá khẳng định thương hiệu du lịch, đồng thời mở rộng thị trường, tiếp tục hoàn thiện thêm những sản phẩm mới hấp dẫn đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.
Yến HoàngThành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.