Thanh Hóa: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 50.000 tỷ đồng trong quý I
Năm 2025, ngành bán lẻ Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nền tảng vững chắc của hệ thống phân phối, sự phục hồi của nền kinh tế trong và ngoài nước, sự bùng nổ của thương mại điện tử và phương thức bán hàng đa kênh.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, quý 1/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá ước đạt 50.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Quý I là thời điểm trùng với dịp Tết Nguyênđán Ất Tỵ 2025 nên thị trường hàng hoá trên địa bàn diễn ra sôi động, nhu cầu và sức mua của người tiêu dùng tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn cung dồi dào, đa dạng, phong phú, giá cả tương đối ổn định, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá cục bộ đảm bảo ổn định thị trường.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 50.000 tỷ đồng trong quý I.
Năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 209.000 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, Sở Công Thương Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư vào hạ tầng thương mại hiện đại, mở rộng kênh phân phối và nâng cao chất lượng dịch vụ. Thúc đẩy phát triển mô hình bán lẻ đa kênh, kết hợp giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến mại và hội chợ tiêu dùng sẽ được tổ chức thường xuyên để kích cầu và mở rộng thị trường. Cùng với đó, tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng hàng hóa, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua đó, thu hút đầu tư từ các tập đoàn bán lẻ lớn, phát triển hệ thống logistics và chuỗi cung ứng hiện đại.
Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức đa dạng các giải pháp kích cầu thông qua các hội chợ, triển lãm, khuyến mãi để thúc đẩy sức mua trên thị trường. Đến thời điểm hiện tại, hoạt động cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu được quản lý và duy trì hoạt động ổn định. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiểm tra, kiểm soát thị trường tiếp tục được Sở Công Thương và các ngành quan tâm đẩy mạnh thực hiện, góp phần minh bạch thị trường hàng hoá.
Để tận dụng tối đa cơ hội, thị trường Thanh Hóa cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, mở rộng nguồn cung mặt bằng chất lượng cao, đa dạng hóa các loại hình bán lẻ và nâng cao trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng. Chỉ khi đó, thị trường bán lẻ và doanh thu dịch vụ mới có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và nhãn hàng trong và ngoài tỉnh, cạnh tranh hiệu quả với các vùng lân cận. Đặc biệt là nắm bắt được cơ hội vàng từ sự thay đổi nhanh chóng của thói quen tiêu dùng và xu hướng bán lẻ mới, nhất là sự bùng nổ của thương mại điện tử.
Yến Hoàng
Sau diễn biến kinh doanh tích cực năm 2024, doanh nghiệp ngành vận tải biển vẫn được đánh giá tích cực trong năm 2025. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch tăng trưởng cao cho năm 2025 và tiếp tục mở rộng đội tàu biển.