Thanh Hóa: Trao sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững

Địa phương
10:51 AM 19/08/2024

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế, qua đó giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi thoát nghèo hiệu quả.

Điển hình là Liên minh HTX đã xây dựng kế hoạch thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQG GNBV) trên địa bàn các huyện khó khăn của tỉnh. Những dự án được triển khai đã từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất truyền thống của người dân. 

Đồng thời, mang lại kỳ vọng mới trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, đưa những giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, từng bước hình thành tư duy sản xuất hàng hóa cho đồng bào khu vực miền núi của tỉnh.

Thanh Hóa: Trao sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững- Ảnh 1.

Dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024 đã giúp người dân phát triển kinh tế ổn định cuộc sống

Tại huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), thực hiện Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, đến ngày 31/5/2024, UBND huyện đã phê duyệt 11 dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản hỗ trợ cho 188 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ 3,1 tỷ đồng, huy động các hộ dân tham gia dự án 2,2 tỷ đồng.

Với cách làm trên, huyện Cẩm Thủy đang tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi trâu sinh sản. Theo đó, huyện chỉ đạo các xã dà soát nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng dự án, trình UBND huyện phê duyệt.

Bà Trương Thị Cúc, dân tộc Mường, thôn Yên Duyệt, xã Cẩm Yên, là một trong những hộ nghèo được thụ hưởng chính sách này cho biết: Nhiều năm loay hoay với cái nghèo, thiếu sinh kế, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng ít ỏi. Đầu năm 2023, sau khi rà soát, bình bầu từ cơ sở, gia đình bà được hỗ trợ vốn để mua trâu, bò giống sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024. Với số tiền được hỗ trợ 15 triệu đồng, gia đình bà vay mượn thêm và mua một con bò sinh sản.

Ngoài lợi thế vườn rộng, gia đình bà Cúc trồng thêm mía, cỏ voi để làm thức ăn cho bò. Sau một thời gian chăm sóc, đến nay, con giống phát triển khỏe mạnh và sinh sản thêm một con bê cái. Dự kiến bê cái nuôi thêm một thời gian nữa sẽ bán được khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình bà có thêm vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. "Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi có sinh kế và đông lực để vươn lên", bà Cúc chia sẻ.

Đến với gia đình bà Bùi Thị Chiến, thôn Yên Duyệt, trước đây cuộc sống của gia đình bà thường xuyên rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau, quanh năm đầu tắt mặt tối nhưng cũng không thoát khỏi cảnh túng nghèo. Cuối năm 2023, gia đình bà được hỗ trợ 18 triệu đồng để mua trâu sinh sản, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024. Đến nay, nhờ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trâu giống của gia đình bà sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh và đã sinh sản một con nghé. Vừa qua gia đình bà bán nghé được 10 triệu đồng. Gia đình đang tiếp tục chăm sóc trâu mẹ để sinh sản những lứa tiếp theo.

Là hộ mới thoát nghèo, có đủ điều kiện để tiếp nhận đối tượng vật nuôi nên khi xã Trí Nang (huyện Lang Chánh) phối hợp với HTX đầu tư và phát triển nông nghiệp Vinaco thực hiện đề án chăn nuôi vịt bầu bản địa sinh sản gắn với chuỗi liên kết, hộ gia đình ông Lương Văn Yêng, thôn Giàng Phìn được chọn lựa thực hiện dự án. 

Cùng với việc đầu tư chuồng trại, khu nuôi thả hợp vệ sinh, gia đình ông còn được tham gia tập huấn kỹ thuật phát triển chăn nuôi vịt bầu bản địa. Bà Lương Thị Dụ (vợ ông Yêng) cho biết: "Gia đình tôi mới thoát nghèo nên chưa chủ động được các mô hình sản xuất để nâng cao thu nhập. Khi được lựa chọn vào dự án, chúng tôi rất vui, hào hứng nên đã tham gia ngay lớp tập huấn để nâng cao kiến thức. Đồng thời, chuẩn bị khu chăn nuôi thả theo hướng dẫn của cán bộ thú y để khi tiếp nhận con giống, vịt sẽ sinh trưởng phát triển ổn định. Hy vọng rằng, với những kiến thức được tập huấn, nguồn con giống được hỗ trợ, gia đình tôi sẽ có "cần câu" để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Được biết, theo quy định, tất cả các mô hình giảm nghèo, đơn vị chủ trì thực hiện không chỉ cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi mà còn đồng hành, hỗ trợ các hộ nuôi trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Đây là điểm nhấn để chính quyền địa phương, người dân kỳ vọng thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang tư duy sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết.

Theo ông Trịnh Văn Trường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân, cho biết: "Năm 2024, huyện chúng tôi đã được tiếp nhận 2 dự án hỗ trợ giống lợn nái đen sinh sản tại xã Ngọc Phụng, thị trấn Thường Xuân và dự án chăn nuôi gà ri sinh sản tại xã Xuân Lộc. Thông qua dự án, hàng trăm hộ dân không chỉ được tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận với tư duy sản xuất hiện đại, bền vững. Hy vọng rằng với sự giám sát chặt chẽ của Liên Minh HTX tỉnh, UBND huyện, các dự án sẽ tạo bước đột phá trong sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương".

Trong 2 năm 2023 và 2024, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện chuyển tiếp và triển khai 6 dự án giảm nghèo, từ nguồn vốn của Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG GNBV năm 2023 và 2024. Trong đó có 2 dự án hỗ trợ giống lợn và 1 dự án hỗ trợ giống vịt bầu. Theo đó, có hàng nghìn hộ dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của huyện Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát được thụ hưởng dự án.

Theo báo cáo của UBND xã Cẩm Yên, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, trên địa bàn xã có 40 hộ được hỗ trợ tiền mua con giống. Mức hỗ trợ mua con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi, chế phẩm sinh học, hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, công cụ, dụng cụ sản xuất, tiền chuồng trại là 15 triệu đồng/con bò giống và 18 triệu đồng/con trâu giống sinh sản.

Theo ông Nguyễn Hải Sâm, Trưởng phòng Lao động - Thương binh xã hội huyện Cẩm Thủy, những năm trước, thực hiện chương trình giảm nghèo, huyện xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, trong đó mô hình nuôi trâu, bò sinh sản đã phát huy hiệu quả, giúp hàng trăm hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Với việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, "công cuộc" giảm nghèo của huyện tiếp tục đạt những kết quả khả quan. Năm 2022, toàn huyện có 1.365 hộ nghèo, chiếm 4,63%, đến tháng 6/2024, số hộ nghèo giảm xuống còn 870 hộ (2,96 %)... Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Nhìn lại quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, có thể nói, với sự quan tâm đúng mức và các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa đã và đang từng bước đưa người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS thoát nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn