Thanh Hóa: Trên mảnh đất anh hùng Nam Ngạn

Địa phương
03:04 PM 17/04/2023

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến thăm mảnh đất Hàm Rồng - nơi ghi lại nhiều chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cầu Hàm Rồng nối nhịp bờ vui sừng sững, hiên ngang soi bóng giữa trời mây, sông nước bao la. Trong cuộc quyết chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng, quân và dân Nam Ngạn đã đóng góp một phần không nhỏ vào chiến thắng giòn giã, vang dội ấy…

Làng Nam Ngạn nằm ở phía Đông Bắc thành phố Thanh Hóa, cách cầu Hàm Rồng khoảng 800m, không chỉ có cảnh đẹp non nước hữu tình "trên bến dưới thuyền" xóm làng cổ kính trù phú, cây lá xanh tươi mà làng Nam Ngạn còn là nơi chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử đã diễn ra trên mảnh đất này. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, người dân Nam Ngạn đã phát huy truyền thống yêu nước của cha ông hăng hái tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Trên mảnh đất anh hùng - Ảnh 1.

Dân quân làng Nam Ngạn luôn sẵn sàng chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ, đào đắp công sự, ụ pháo

Năm 1965, khi quyết định mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, giới quân sự Mỹ đã coi cầu Hàm Rồng là "điểm tấn công lý tưởng" nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông mạch máu chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Vì vậy, chỉ trong 2 ngày 3-4/4/1965, Mỹ đã huy động tới 454 lượt máy bay, ném hàng nghìn tấn bom xuống mảnh đất nhỏ bé chưa đầy 1km vuông này. 

Trận đánh trả máy bay Mỹ diễn ra trong 2 ngày lịch sử ấy, dưới lửa phòng không của quân, dân Nam Ngạn - Hàm Rồng đã thiêu rụi 47 máy bay hiện đại của Mỹ, hai tên giặc lái bị bắt sống, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng. Chiến thắng này trở thành mốc son chói lọi trong hành trình hàng nghìn ngày đêm chống trả không lực Hoa Kỳ của dân tộc Việt Nam.

Chiến tranh đã lùi xa 58 năm, đến với Nam Ngạn hôm nay không còn những cánh đồng dày đặc hố bom, đạn năm xưa, những ngôi nhà cháy đen, đổ sập. Thay vào đó là những trường học, công sở, các công trình văn hóa đã được xây dựng, cuộc sống mới đã hồi sinh từ bàn tay lao động cần cù của người dân nơi đây…

Trên mảnh đất anh hùng - Ảnh 2.

Chiều hoàng hôn trên cầu Hàm Rồng

Cận kề với mảnh đất Nam Ngạn, rực lửa chiến công này, đó là thị trấn Tào Xuyên. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cán bộ, đảng viên và nhân dân thị trấn Tào Xuyên (nay là phường Tào Xuyên) luôn chắc tay súng bảo vệ quê hương, tổ chức sản xuất và chiến đấu hiệu quả… phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, trong công cuộc tái thiết đất nước, xây dựng chế độ mới tiếp tục đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để đạt được những thành tích đáng tự hào trên tất cả các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Theo đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 80 triệu đồng. Đảng bộ nhiều năm đạt danh hiệu "Đảng bộ trong sạch, vững mạnh". Phường Tào Xuyên đạt chuẩn văn minh đô thị…

Trên mảnh đất anh hùng - Ảnh 3.

Cầu Hàm Rồng - Một chứng nhân lịch sử

Phường Hàm Rồng cũng đang từng ngày đổi mới. Hàm rồng không chỉ là địa danh lịch sử ghi dấu chiến công vang dội của quân và dân ta trong cuộc đối đầu với không lực Hoa Kỳ cách đây gần 60 năm mà còn là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa. Những giá trị này được xác định là nguồn lực quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng. Năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực Hàm Rồng - núi Đọ.

Trong quy hoạch của Chính phủ lần này, Hàm Rồng - núi Đọ được xác định là một trọng tâm tích hợp của đô thị Thanh Hoá đến năm 2040, khẳng định vị trí, vai trò của danh thắng, Di tích Hàm Rồng - núi Đọ. Hàm Rồng hôm nay cũng đang trở thành một trung tâm du lịch văn hóa tâm linh. Nơi đây có làng cổ Đông Sơn, có đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ, Thiền viện Trúc Lâm… Những giá trị văn hóa đã và đang thu hút được nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng…

Về với vùng đất anh hùng hôm nay, trong câu chuyện về phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh những thành quả đã đạt được, Bí thư Đảng ủy phường Nam Ngạn - ông Trần Đăng Thông vẫn còn những điều trăn trở. Ông chia sẻ: Để xứng đáng với vị thế của mảnh đất rực lửa anh hùng, lãnh đạo địa phương đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ để phấn đấu. Năm 2022, có 27/27 mục tiêu hoàn thành, trong đó có 19 mục tiêu vượt KH, nhiều chỉ tiêu khó được tập trung lãnh đạo hoàn thành vượt mức như: Thu ngân sách vượt 110% chỉ tiêu thành phố giao, phát triển 43 doanh nghiệp mới…

Phường Nam Ngạn cũng hạ quyết tâm phấn đấu trở thành phường kiểu mẫu. "Phát huy truyền thống anh hùng, mặc dù Nam Ngạn còn rất nhiều khó khăn hơn các phường nội thành, nhưng phường đang có quyết tâm cao, nỗ lực lớn để phát triển mạnh mẽ hơn nữa", Bí thư Đảng ủy Trần Đăng Thông khẳng định.

Trên mảnh đất anh hùng - Ảnh 4.

Tượng đài “Nam Ngạn chiến thắng” nơi ghi nhớ sự anh dũng, kiên cường của người dân Nam Ngạn trong chiến đấu.

Theo ông Thông, hiện tại phường có những vấn đề khó, đó là: Quy hoạch và kết nối quy hoạch trên địa bàn phường. Ông nhắc đến câu chuyện giải phóng mặt bằng, vận động Nhân dân kiểm kê, di chuyển được trên 1.400 ngôi mộ để thực hiện dự án Khu đô thị phía Đông Đại lộ Bắc Nam (MBQH 655), hoàn thành công tác kiểm kê, vận động nhân dân nhận kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Công viên tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh trong ngày 14/6/1972 trong khi đang làm nhiệm vụ tại đê sông Mã. Đặc biệt, việc di dời trên 1.000 ngôi mộ được xem là một phép thử thành công lớn của Đảng bộ, chính quyền, cho thấy sự nỗ lực, kiên trì, quyết tâm cao để tạo sự đồng thuận của người dân. 

Ông Thông cho hay: Vấn đề này đã 10 năm trước không thực hiện được. Chúng tôi kiên trì vận động; Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi trước...Và việc lớn đã hoàn thành. Chúng tôi đúc kết một điều vô cùng quý giá, đó là: Dân luôn một lòng theo Đảng, tin Đảng, "Đảng khơi nguồn, dân thắp lửa".

Từ những việc chỉ đạo, điều hành sát sao, kịp thời của Đảng ủy, UBND phường, nên mọi công việc thuộc thẩm quyền của phường đều được giải quyết thấu lý, đạt tình và dứt điểm mang lại hiệu quả thiết thực. Do đó, tình hình kinh tế - xã hội của phường có bước phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đảng bộ được Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhân dân và cán bộ phường Nam Ngạn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, tạo bước chuyển  tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, kéo gần khoảng cách giữa phường Nam Ngạn và các phường trung tâm thành phố.

Ngày nay, trên mảnh đất anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các phường Hàm Rồng - Nam Ngạn - Tào Xuyên đã và đang viết tiếp câu chuyện thời bình bằng niềm tin và sự tự hào… Để Hàm Rồng chiến thắng sẽ mãi vẹn nguyên trong kí ức của những người ở lại, nhắc nhở về một thời hào hùng trong quá khứ, để những thế hệ hôm nay tiếp tục thực hiện những ý nguyện của những người đi trước và viết tiếp lên những trang sử hào hùng của quê hương trên con đường đổi mới, xây dựng quê hương ngày một hiện đại, giàu đẹp, văn minh.


Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn