Thanh Hóa: Triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Sự kiện
07:09 AM 10/05/2020

Ngày 23/4, sau công điện số 11 của UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép mở rộng một số hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nhiều người là lao động tự do, những người có thu nhập thấp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã bắt nhịp trở lại. Tuy nhiên, những tác động, ảnh hưởng từ dịch bệnh đã và đang khiến cho cuộc sống, ngành nghề kinh doanh của người dân gặp vô vàn những khó khăn. Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ từ Chính phủ lúc này đang được nhiều người dân quan tâm.

    Bà Bùi Thị Cúc (thị trấn Tân Phong, Quảng Xương, Thanh Hóa), trao đổi với phóng viên.

    Ngày 23/4, sau công điện số 11 của UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép mở rộng một số hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nhịp sống trở lại với nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ như cafe, gội đầu, cắt tóc, hàng ăn uống… Nhiều phận người là những lao động tự do, những người có thu nhập thấp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã nhanh chóng bắt nhịp trở lại. Tuy nhiên, những tác động, ảnh hưởng từ dịch bệnh đã và đang khiến cho cuộc sống, ngành nghề kinh doanh của người dân gặp vô vàn những khó khăn. Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ từ Chính phủ lúc này đang được nhiều người dân quan tâm.

    Chúng tôi tìm về hộ gia đình thương binh Lê Thiên Lộc (thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương) có tới 3 lao động phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh gồm vợ thương binh Lộc là bà Bùi Thị Cúc và 2 người con là Lê Thị Thoa và Lê Thiên Thọ đang làm tự do tại Hà Nội. Chị Lê Thị Thoa cho biết, kể từ khi dịch xuất hiện 2 chị em phải nghỉ làm ở Hà Nội để về nhà phòng tránh dịch. Vốn 2 chị em đều là lao động tự do, chị dạy nhảy, em trai hành nghề cắt tóc. Nghỉ làm về quê đồng nghĩa với việc nghỉ làm không lương. Về quê, mẹ già cũng phải nghỉ hàng quán ngoài chợ, bố thương binh bệnh tật không làm được gì, gánh nặng cơm áo lại dồn lên đôi vai bố mẹ vốn đã khó khăn.

    Còn đó nhiều cảnh đời, nhiều số phận là các lao động tự do, người có thu nhập thấp gặp khó khăn. Mặc dù, nhiều tổ chức từ thiện, cá nhân hảo tâm, sinh viên các trường đại học đã có nhiều hình thức quyên góp hỗ trợ về tiền mặt, cấp phát gạo… nhưng cũng không thể giải quyết hết được sự ảnh hưởng toàn diện của dịch bệnh. Có lẽ, tâm tư, nguyện vọng và mong mỏi lớn nhất của những người dân có hoàn cảnh khó khăn như gia đình thương binh Lê Thiên Lộc lúc này chính là gói hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP.

    Thương binh Lê Thiên Lộc bộc bạch: “Dịch COVID-19 ập đến, mang theo nhiều hệ lụy, cho toàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, với tôi đã vào sinh, ra tử đã đối mặt giữa cái sống và cái chết, vẫn mang tinh thần yêu nước, cống hiến cả đời trai trẻ cho hòa bình của dân tộc, mà nay dịch bệnh đang hoành hành, cả bộ máy Đảng và Chính phủ vào cuộc, với tinh thần chống dịch như chống giặc, gia đình, doanh nghiệp, xí nghiệp, cơ quan… chịu ảnh hưởng nặng nề, dù mỗi đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh được thụ hưởng không thể bù đắp hết được những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng phần nào, qua gói hỗ trợ từ Chính phủ đã giúp cho những người lao động tự do, người có thu nhập thấp có thêm động lực để vực dậy, tin yêu hơn khi song hành với khó khăn vất vả của người dân còn có Đảng, Chính phủ”.

    Theo tìm hiểu được biết, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, các địa phương nỗ lực ra quân tiến hành rà soát, lập danh sách. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy,  việc xác định các đối tượng được thụ hưởng gói an sinh xã hội của Chính phủ bên cạnh những thuận lợi như: Đối với đối tượng người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo, đối tượng người bảo trợ xã hội là thuận lợi trong việc rà soát.

    Bởi các địa phương đã có danh sách quản lý, chỉ phải rà soát các biến động hoặc chia tách một đối tượng cùng lúc thụ hưởng nhiều chính sách. Riêng việc rà soát, xác định người lao động theo chế độ hợp đồng, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương, người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do không có giao kết hợp đồng, hộ kinh doanh, cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh… gặp rất nhiều những khó khăn nếu không có văn bản hướng dẫn cụ thể.

    Bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương cho rằng, huyện đang gặp khó trong việc rà soát, thẩm định về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với số lao động tự do. Trường hợp các đối tượng về nhà thì địa phương đã theo dõi, rà soát nhưng hiện nay vẫn còn một số đối tượng đang làm ăn xa chưa về, chưa nắm bắt được thông tin mất việc hay đang có việc làm như thế nào…

    Trong khi đó, ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn đang hướng dẫn các đơn vị liên quan rà soát các đối tượng được hưởng trợ cấp chính sách của Nhà nước quy định. Đối với các đối tượng ngành đang quản lý, hưởng chính sách chi trả trợ cấp xã hội hiện nay như hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công đã dự kiến gói hỗ trợ. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là các đối tượng lao động tự do, lao động tạm mất việc làm, các hộ kinh doanh thu nhập thấp. Rất kịp thời khi Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

    Đây sẽ là cơ sở cho việc rà soát, hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 42/NQ-CP một cách nhanh chóng, kịp thời.

    Tiến Anh

    Ý kiến của bạn