Thanh Hóa: Triển khai nhiều giải pháp tích cực, cam kết cung ứng đủ xăng, dầu

Thị trường tiêu dùng
10:48 AM 21/11/2022

Thời gian gần đây, do nguồn cung từ các công ty phân phối xăng, dầu bị gián đoạn cục bộ ở một số thời điểm nhất định nên đôi khi hoạt động kinh doanh tại một số cửa hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị gián đoạn, xảy ra tình trạng bán xăng, dầu hạn chế và bán theo định mức. Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp tích cực cam kết cung ứng xăng, dầu trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, nhìn chung thị trường xăng, dầu trên địa bàn tỉnh tương đổi ổn định, bảo đảm cung ứng đầy đủ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương, các thương nhân, doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu trên địa bàn đã và đang nỗ lực thực hiện cam kết đã được ký với Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa và các đội quản lý thị trường trực thuộc. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, chủ động nguồn hàng, không để gián đoạn, đứt gãy nguồn cung cho các cửa hàng bán lẻ và hệ thống phân phối. 

Cam kết không vận chuyển, kinh doanh, buôn bán xăng dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không thực hiện hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm thu lợi bất chính. Tại các cửa hàng bán lẻ cam kết hoạt động bình thường, chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, như: mở cửa bán hàng theo đúng thời gian đã đăng ký, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không có biểu hiện đầu cơ, găm hàng nhằm mục đích nâng giá, ép giá và tuân thủ đầy đủ các điều kiện trong kinh doanh xăng dầu.

Thanh Hóa: Triển khai các giải pháp cam kết cung ứng xăng dầu - Ảnh 1.

Người dân đổ xăng tại Cửa hàng xăng dầu 65 của Công ty Xăng dầu Thanh Hóa, phường Nguyên Bình (thị xã Nghi Sơn).

Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 343 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong đó, có 1 doanh nghiệp là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (Công ty Cổ phần Anh Phát Petro), 3 doanh nghiệp là đơn vị thành viên của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 7 thương nhân phân phối xăng dầu và 332 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, với 577 cửa hàng xăng, dầu được Sở Công thương cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ.

Ông Bùi Văn Đỉnh, Phó Giám đốc Công ty CP Anh Phát Petro, trao đổi với phóng viên: Hiện nay, công ty có 10 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu và 39 cửa hàng trực thuộc. Với những biến động lớn của thị trường xăng dầu thế giới, công ty đã lường trước được những khó khăn trong nước, trong tỉnh nên ngoài lượng xăng, dầu liên kết sản xuất, công ty còn phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung cho hệ thống. Bên cạnh đó, để bảo đảm không bị đứt gãy chuỗi cung ứng xăng, dầu gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, công ty liên tục triển khai nhiều giải pháp như: điều tiết, chia sẻ nguồn hàng với một số doanh nghiệp tư nhân đầu mối.

Tại buổi ký cam kết giữa Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa, Sở Công thương và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ngày 14-11, đại diện lãnh đạo Công ty CP Anh Phát Petro đã cam kết hỗ trợ quỹ dự phòng của tỉnh một khối lượng xăng, dầu nhất định góp phần bảo đảm không để thiếu, đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống.

Tại TP Thanh Hóa có 72 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu. Với những biến động bất thường của thị trường, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra giám sát, tiến hành trực 24/24 để nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu. Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa chỉ đạo các đội trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương và lực lượng chức năng trên địa bàn, thường xuyên tăng cường tổ chức giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình.

Ông Lê Hữu Cảnh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, cho biết: Để bảo đảm sự ổn định của thị trường kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP Thanh Hóa, bên cạnh việc kiểm tra giám sát theo định kỳ, chúng tôi luôn chủ động, tích cực phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Khi nhận được nguồn tin phản ánh từ Nhân dân về các hành vi vi phạm quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, đội sẽ cùng với Sở Công thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.

Tại cửa hàng xăng dầu Ngọc Hà, thuộc Công ty TNHH Ngọc Hà Nghi Sơn, phường Hải Ninh (thị xã Nghi Sơn), bà Lê Thị Đào, Giám đốc Công ty, cho biết: Thời gian gần đây, thị trường kinh doanh xăng dầu có nhiều biến động. Có những thời điểm, nhất là thời điểm Bộ Tài chính chuẩn bị điều chỉnh giá xăng định kỳ, nhiều khách hàng đến mua xăng với khối lượng lớn, bất thường, chúng tôi đã giải thích và thuyết phục khách hàng chỉ mua đủ số lượng xăng, dầu phục vụ nhu cầu của hoạt động, tránh mua tích trữ gây thiếu hụt cục bộ cho cửa hàng và hạn chế quy mô, số lượng khách hàng được phục vụ. Công ty luôn cam kết sẽ thực hiện nghiêm các văn bản đã ký với Đội Quản lý thị trường số 4 để bảo đảm hoạt động kinh doanh ổn định và đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân.

Được biết, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn có 27 cửa hàng bán lẻ xăng dầu được Sở Công thương Thanh Hóa cấp phép. Mặc dù nhu cầu sử dụng xăng, dầu của Nhân dân và khách lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn là rất lớn, nhưng với nỗ lực kiểm tra, giám sát của lực lượng quản lý thị trường và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị cung ứng, thương nhân phân phối, thị trường xăng dầu trên địa bàn thị xã Nghi Sơn tương đối ổn định, không có tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu. Đến ngày 16-11, 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn đã thực hiện ký cam kết chấp hành nghiêm chính sách điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước về đảm bảo nguồn cung ứng xăng, dầu và niêm yết, bán đúng giá các sản phẩm xăng, dầu.

Theo khảo sát của phóng viên, sau kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu ngày 11-11, tại 577 cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của người dân đã trở lại nhịp độ bình thường, không còn tình trạng mua xăng khối lượng lớn để tích trữ; không còn cửa hàng kinh doanh xăng dầu bán theo định mức, hạn chế khối lượng bán ra... Cục Quản lý thị trường cũng đã chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra giám sát chặt chẽ 24/24 tất cả các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu và kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Cung cấp đường dây nóng tại các cửa hàng, tiếp nhận phản ánh, phát hiện và kịp thời xử lý các vi phạm quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu. Những tín hiệu đáng mừng này chính là thành quả bước đầu từ sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp tham gia kinh doanh, phân phối và bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.

Với những giải pháp quyết liệt của các sở, ngành cấp tỉnh, lực lượng liên quan và sự nỗ lực của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối cùng hệ thống cửa hàng bán lẻ trong việc cam kết điều tiết, phân phối, cung ứng xăng dầu, tin tưởng rằng thị trường xăng dầu trên địa bàn tỉnh sẽ duy trì ổn định; chuỗi cung ứng được bảo đảm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.