Thanh Hóa: Triển khai thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP với tinh thần khẩn trương, quyết liệt
Ra đời giữa bối cảnh cả nước đang dồn lực cho công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19, Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (gọi tắt là Nghị quyết 68/NQ-CP), một lần nữa cho thấy quyết tâm "không để ai bị bỏ lại phía sau" của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc chiến cam go và đầy thách thức. Quyết sách này được kỳ vọng sẽ tạo thêm xung lực vật chất và tinh thần cho các đối tượng chịu tổn thương do tác động của đại dịch; đồng thời, góp phần bảo tồn nguồn lực lao động, nhằm tạo nền tảng cho sự phục hồi trở lại của nền kinh tế.
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng kiểm tra, triển khai các biện pháp cấp bách nhằm khống chế, đẩy lùi dịch COVID-19 tại TP Thanh Hóa
- Bệnh viện Đa khoa Nga Sơn (Thanh Hóa): Chủ động, sẵn sàng phòng chống dịch
- Thanh Hóa: Xây dựng phương án cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân huyện Nông Cống trong thời gian giãn cách xã hội
Nghị quyết số 68/NQ-CP đã bổ sung nhiều chính sách mới như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, điều kiện hỗ trợ được cắt giảm cả về thủ tục và thời gian giải quyết để các đối tượng dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng hơn. Những điểm mới cả về đối tượng và cách thức triển khai nêu trên không chỉ tạo điều kiện tối đa cho các đối tượng được thụ hưởng, mà còn giúp việc triển khai các chính sách được nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Chính sách xuất phát từ yêu cầu khách quan nhằm "giải đáp" những vấn đề bức thiết nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống. Nghị quyết 68/NQ-CP ra đời và hướng đến đảm bảo "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển kinh tế.
Bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và bài học kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, Nghị quyết số 68/NQ-CP được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 dễ tiếp cận chính sách; phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Do đó, Nghị quyết số 68/NQ-CP hoàn toàn được xem là chính sách thân thiện với người lao động, người sử dụng lao động.
Đối tượng thụ hưởng Nghị quyết 68/NQ-CP là người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực thì người lao động và người sử dụng lao động phải nắm được và phải tiếp cận được với 12 chính sách hỗ trợ của nghị quyết. Muốn vậy, các ngành, địa phương, đơn vị cần nắm bắt và đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nội dung chính sách đến người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời, bản thân người lao động, đặc biệt là người sử dụng lao động, cần nắm vững các chính sách liên quan mà cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp mình được thụ hưởng. Từ đó, chủ động đề xuất và phối hợp với các ngành, địa phương trong việc xây dựng hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Rút kinh nghiệm từ việc triển khai gói hỗ trợ năm 2020, để gói hỗ trợ lần này đến đúng đối tượng, công khai, minh bạch và nhất là không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách, Chính phủ đã trao quyền chủ động hơn cho các địa phương (trong việc xác định tiêu chí, đối tượng, mức hỗ trợ người lao động...). Điển hình như đối với đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, Chính phủ giao lại cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng và mức tiền hỗ trợ (không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần, hoặc 50.000 đồng/người/ngày). Việc giao cho địa phương chủ động xây dựng tiêu chí và mức hỗ trợ sẽ tạo điều kiện để các địa phương chủ động, linh hoạt trong triển khai chính sách.
Tỉnh Thanh Hóa đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, để sớm đưa các chính sách đến đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, cũng dự báo trước những khó khăn, thách thức đặt ra, đó là: nếu dịch bệnh bùng phát, thời gian phong tỏa, cách ly xã hội kéo dài, thì việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ với nhiều quy trình, hồ sơ, thủ tục liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động và yêu cầu trong thời gian ngắn, sẽ tạo sức ép rất lớn lên đội ngũ cán bộ cơ sở vừa thiếu, chất lượng không đồng đều, trong khi khối lượng công việc thường xuyên ở cơ sở cũng rất lớn.
Trong khi đó, đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, là những đối tượng khó khăn, cần được quan tâm hỗ trợ sớm. Ngoài ra, cần có đủ nhân lực phục vụ, bố trí bộ phận thường trực tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng giải quyết. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại địa phương, nhằm bảo đảm tính chính xác, công khai, minh bạch, tránh việc bỏ sót, chi sai đối tượng và sử dụng ngân sách trái quy định pháp luật hiện hành. Đây là những vấn đề đang đặt ra và yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm, sát sao và có hướng xử lý phù hợp.
Có thể nói, Nghị quyết 68/NQ-CP ra đời trong bối cảnh hiện nay có tác dụng như một "trợ lực", hay tạo thêm một "điểm tựa" giúp người lao động và người sử dụng lao động cùng chung vai chống đỡ, vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất và ổn định đời sống.
Để Nghị quyết 68/NQ-CP được triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong từng quy trình, từng khâu, từng công đoạn thực thi chính sách. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nội dung chính sách đến các địa phương, cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động và người lao động; theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc xuyên suốt quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ; nhanh chóng nắm bắt và tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh. Đặc biệt, Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa đã quy định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện chính sách.
Đây cũng là căn cứ để phát huy tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, đơn vị: bằng sự nỗ lực, quyết tâm để đưa Nghị quyết 68/NQ-CP đi nhanh nhất, sớm nhất và đến đúng đối tượng thụ hưởng nhất.
Yến HoàngKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.