Thanh Hóa: Triển khai ứng phó với nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất do mưa lớn kéo dài
Sáng 27/9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công văn số 14417/UBND-NN về việc triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.
Do ảnh hưởng hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới nên đêm qua và ngày hôm nay (27/9) ở khu vực Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa đến mưa rất to; lượng mưa đo được tại các trạm tính từ 7h ngày 25/9 đến 1h ngày 27/9 phổ biến từ 92-139 mm,
Một số nơi có lượng mưa lớn như: thủy văn Ngọc Trà (Quảng Xương) 168 mm, thủy văn Lèn (Hà Trung) 166 mm, thủy văn Cửa Đạt (Thường Xuân) 139 mm, khí tượng Nga Sơn 133 mm, khí tượng Tĩnh Gia (Nghi Sơn) 132,3 mm, thủy văn Bái Thượng (Thọ Xuân) 134 mm, thủy văn Xuân Vinh (Thọ Xuân) 118 mm, thủy văn Lý Nhân (Yên Định) 122 mm, thủy văn Kim Tân (Thạch Thành) 108 mm, đo mưa Ngọc Lặc 107 mm, khí tượng Thanh Hóa 98 mm, khí tượng Sầm Sơn 97 mm.
Dự báo từ hôm nay (27/9) đến ngày 28/9, khu vực tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, mưa to tập trung vào ngày 27/9; lượng mưa phổ biến ở khu vực phía Bắc và Tây Bắc từ 30-60 mm, có nơi trên 80 mm, khu vực đồng bằng ven biển và vùng núi phía Nam, Tây Nam từ 50-100 mm, có nơi trên 120 mm.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung các Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh số 07/CĐ-UBND ngày 14/7/2023 về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ; số 10/CĐ-UBND ngày 17/8/2023 về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.
Triển khai phương án tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực đô thị, khu công nghiệp, vùng trũng thấp; khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu đến thời kỳ thu hoạch; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn khu vực miền núi, không để xảy ra lũ nghẽn dòng.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư bãi sông, ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.
Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông khi xảy ra mưa lớn.
Tổ chức kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, xung yếu, đang thi công dở dang; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều; chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, đặc biệt là các cống dưới đê, các trọng điểm xung yếu, các tuyến đê đang thi công dở dang, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng hộ đê khi xảy ra sự cố; thực hiện việc tuần tra, canh gác đê và hộ đê theo quy định.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả của mưa lũ. Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành liên quan. Các Sở, ngành, đơn vị khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai công tác ứng phó mưa lớn theo quy định; đồng thời sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị liên quan khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
PVTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.