Thanh Hóa: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp xanh, thông minh

Địa phương
11:13 AM 29/06/2023

Nhằm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tại Thanh Hóa đã tích cực chuyển đổi số, góp phần phát triển nông nghiệp thông minh.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đang là xu hướng tất yếu để giảm chi phí lao động, tăng năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã được chứng nhận 77 mã số vùng trồng xuất khẩu. Toàn tỉnh xây dựng khoảng 5.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng rau, mía, cây ăn quả. Tỉnh có 80 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và có nhiều sản phẩm nông sản đạt OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng mã QR giúp người tiêu dùng có thể truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc mặt hàng nông sản bằng điện thoại thông minh.

Thanh Hóa: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp xanh, thông minh - Ảnh 1.

Nhiều hợp tác xã đã phối hợp với các doanh nghiệp đưa những thiết bị thông minh vào sản xuất lúa, từ đó góp phần nâng cao giá trị canh tác, hướng đến sản xuất lúa hàng loạt, quy mô lớn.

Điển hình, vụ mùa 2023, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Định Liên, huyện Yên Định đã ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Đại Thành cung cấp dịch vụ máy cấy gắn chíp điện tử, máy bay gieo sạ, rải phân, phun thuốc trừ sâu không người lái phục vụ sản xuất cho hơn 20 ha lúa. Trong vụ mùa thu này, Công ty Đại Thành cũng đã ký kết với hơn 20 hợp tác xã thực hiện gieo hạt giống rải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ khi cấy đến khi thu hoạch trên địa bàn toàn tỉnh. 

Theo thống kê của hợp tác xã, việc sử dụng các thiết bị thông minh trong sản xuất lúa giúp giảm 30% thất thoát lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm 40% chi phí so với thuê nhân công lao động, giảm tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường. Thực tế, tại các nước tiên tiến trên thế giới, những thiết bị này đã được đưa vào sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, mang lại hiệu suất làm việc cao gấp nhiều lần so với làm thủ công, tiết kiệm được chi phí sản xuất, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Thanh Hóa: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp xanh, thông minh - Ảnh 2.

Giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm chủ lực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa lớn đạt năng suất, chất lượng cao, an toàn, hiệu quả. Việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất giúp người dân giảm chi phí, tăng hiệu quả trên cùng một diện tích.

Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thanh Hóa cần thực hiện quy hoạch vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, sản xuất tập trung, chuyển giao và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả đến người sản xuất, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân, tạo ra đội ngũ nông dân và doanh nhân chuyên nghiệp có trình độ, có kỹ năng.

Thanh Hóa: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp xanh, thông minh - Ảnh 3.

Việc cùng với nông dân hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn và là một mắt xích quan trọng trong các chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đã tạo điều kiện cho hợp tác xã ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực với doanh nghiệp để thực hiện chế biến, nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp. Ước tính, hiệu quả sản xuất theo mô hình liên kết cao hơn từ 20 - 50% trở lên so với sản xuất truyền thống. Ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến giúp các HTX giảm chi phí, tăng hiệu quả trên cùng một diện tích đất, hướng tới mục tiêu sản xuất chuỗi giá trị nông sản công nghệ cao kết hợp phát triển mô hình nông nghiệp xanh.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng đã hoàn thiện bản đồ nông hóa giai đoạn 1 cho 9 huyện với tổng diện tích được xác lập trên 102.800 ha đất nông nghiệp. Qua đó, số hóa các thông tin đất đai, thổ nhưỡng để các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân thuận lợi tra cứu, tìm hiểu. Trong tiêu thụ sản phẩm, hàng năm ngành Nông nghiệp phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tập huấn hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Từ hiệu quả trong sản xuất, hiện nay các địa phương trong tỉnh đang khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.