Thanh Hóa: Ưu tiên đầu tư quy hoạch xây dựng

Địa phương
04:53 PM 10/07/2023

Sáng 10/7, tại Trung tâm Hội nghị 25B, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 14, ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày báo cáo về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2022.

Xác định quy hoạch xây dựng (QHXD) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và phải được thực hiện trước để định hướng, bảo đảm tính đồng bộ, dự báo tầm nhìn, làm công cụ quản lý quá trình phát triển đô thị, nông thôn, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người dân, thu hút đầu tư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác lập, triển khai thực hiện và quản lý QHXD trên địa bàn tỉnh... Nhiều huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản để tổ chức lập, quản lý, thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Thanh Hóa: Ưu tiên đầu tư quy hoạch xây dựng - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị

Vì vậy, công tác quản lý Nhà nước về QHXD trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2022 đã được các cấp chính quyền quan tâm, thực hiện tương đối bài bản, chất lượng được nâng lên; quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch được chấn chỉnh; việc cấp giấy phép xây dựng từng bước thực hiện theo quy định. Các cấp độ quy hoạch được triển khai cơ bản đồng bộ với chất lượng đồ án quy hoạch ngày càng được nâng cao, làm cơ sở và công cụ để quản lý quá trình phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, thu hút dự án đầu tư.

Thực hiện kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương trong việc quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý dự án, đặc biệt là công tác công khai và cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng để người dân địa phương cùng tham gia kiểm tra, giám sát. Đồng thời, rà soát công tác lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng để kịp thời kiến nghị điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn của tỉnh.

Đến nay, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó Thanh Hóa là tỉnh thứ 4 được phê duyệt quy hoạch tỉnh; 23/23 huyện (đạt 100%) đã được phê duyệt quy hoạch vùng huyện; 255/343 xã (đạt 74,3%) có quy hoạch chung xã được duyệt; 34/34 đô thị (2 thành phố, 2 thị xã, 30 thị trấn; đạt 100%) đã được phê duyệt quy hoạch chung.

Hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo động lực tăng trưởng vùng và địa phương; hệ thống hạ tầng đô thị được cải thiện rõ rệt, nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp và được đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; nhiều đô thị mới, quy mô lớn ra đời, với những công trình kiến trúc hiện đại; kiến trúc và cảnh quan đô thị đã được quan tâm đầu tư phát triển; chất lượng đô thị đang từng bước được nâng cao; tỷ lệ đô thị hóa năm 2010 là 10,4%, đến năm 2022 là 38%.

Thanh Hóa: Ưu tiên đầu tư quy hoạch xây dựng - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới tạo điều kiện xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới; đã có 12 huyện, thành phố, 349 xã, 884 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới…

Trong báo cáo giám sát, HĐND tỉnh cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại cụ thể: Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về QHXD của tỉnh và một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; văn bản chỉ đạo còn ít, chất lượng hạn chế, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; việc lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư tại một số địa phương, cơ quan, chủ đầu tư khi tổ chức lập quy hoạch chưa đầy đủ, chưa đúng quy định.

Tiến độ lập QHXD nhìn chung còn chậm. Tỷ lệ lấp đầy quy hoạch một số địa phương chưa cao, nhất là các huyện miền núi, cá biệt có huyện chưa có xã nào có quy hoạch chung xã. Một số đồ án quy hoạch chất lượng chưa cao, tầm nhìn và định hướng quy hoạch chưa tốt; một số đồ án quy hoạch cấp dưới không tuân thủ QHXD cấp cao hơn, phê duyệt quy hoạch chi tiết rồi mới xin điều chỉnh cục bộ QHXD chung. Một số mặt bằng xây dựng lập quy hoạch chi tiết thiếu hạ tầng thiết yếu (thu gom rác, công viên, cây xanh, bãi đậu đỗ xe), chưa kết nối đồng bộ hạ tầng với khu dân cư hiện hữu.

Sự không thống nhất giữa QHXD với quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch chung với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết gây khó khăn trong quản lý và thực hiện quy hoạch, khả năng huy động nguồn lực để thực hiện, dẫn đến quy hoạch "treo", ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân khu vực được quy hoạch. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng KCN, CCN còn chậm, hạ tầng một số KCN, CCN còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có sẵn diện tích lớn và mặt bằng sạch để kêu gọi, thu hút đầu tư…

Thanh Hóa: Ưu tiên đầu tư quy hoạch xây dựng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày báo cáo về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng tỉnh giai đoạn 2016-2022.

Báo cáo giám sát HĐND tỉnh kiến nghị, đề xuất Trung ương, tỉnh cần sửa đổi những quy định của pháp luật còn chồng chéo, gây khó khăn khi thực hiện quy hoạch xây dựng. Bổ sung một số quy định về việc lập quy hoạch xây dựng để thuận lợi cho các địa phương và chủ đầu tư khi thực hiện. Quy định việc đền bù giải phóng mặt bằng và cấp phép xây dựng nhà ở trong trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông do việc quy hoạch mở rộng đường giao thông, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân (người dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đang sử dụng hợp pháp, nhưng do mở rộng đường giao thông nên trở thành vi phạm hành lang an toàn giao thông).

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát, tổng hợp và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết những bất cập trong các luật, nghị định, thông tư mà các huyện, thị xã, thành phố, các ngành đã kiến nghị sửa đổi. Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành nghiêm túc xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; rà soát, đánh giá lại nhu cầu đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư tại các địa phương nhằm tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Tăng cường phân cấp quản lý đô thị, nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của cấp huyện, cấp xã. Xây dựng và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc theo quy định tại Luật Kiến trúc năm 2019 để quản lý kiến trúc trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức rà soát các QHXD đã được phê duyệt để điều chỉnh quy hoạch không còn phù hợp; lập mới và điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch huyện, xã, quy hoạch chi tiết phù hợp với quy hoạch tỉnh. Đảm bảo quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đẩy mạnh việc thu hút đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo các quy hoạch được duyệt.

Đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới tư duy trong quản lý Nhà nước về QHXD. Nâng cao phẩm chất, năng lực và trình độ cán bộ làm công tác xây dựng và quản lý quy hoạch. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo lập QHXD. 

Chủ tịch UBND cấp huyện phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng lập, quản lý QHXD theo đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và từng địa phương nói riêng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý QHXD nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tạo sự đồng thuận trong công tác quản lý quy hoạch.

Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Việt Nam đã chính thức gia nhập bản đồ LNG toàn cầu Việt Nam đã chính thức gia nhập bản đồ LNG toàn cầu

Ngày 18/12, Diễn đàn Chuỗi Phân phối LNG Toàn cầu và Vị thế của Việt Nam do Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương tổ chức thu hút sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế, và doanh nghiệp đầu ngành.