Thanh Hóa: Vai trò của báo chí trong tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Công tác ứng phó với dịch Covid-19 ở nước ta đến nay đã đạt được những kết quả khả quan. Tất cả nhờ vào sự chung sức, chung lòng của cả xã hội, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ phóng viên, các cơ quan thông tấn đã không quản ngại nguy nan, ngày đêm dấn thân nơi tuyến đầu chống dịch.
Những thông tin nhanh nhất, chính xác nhất; những nội dung phản ánh sâu, chân thực từ tâm dịch, ghi nhận được tiếng nói của những người trong cuộc về trận chiến với Covid-19, được chuyển tải một cách tích cực đến người dân trên cả nước, giúp nhân dân hiểu được những nguy hiểm, khó khăn của dịch bệnh qua đó tuyên truyền để nhân dân thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện "bình thường mới".
Ngay từ đầu, báo chí nước ta đã thông tin rất kịp thời tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và có những cảnh báo khả năng lây nhiễm đến Việt Nam. Bối cảnh bùng phát dịch vào những thời điểm dường như dễ xảy ra mất cảnh giác, đó là dịp nghỉ Tết Nguyên đán, người dân đi khắp nơi du xuân và sau khi nghỉ Tết, người dân từ các tỉnh đổ về các đô thị để làm việc trở lại. Hay trong năm 2021, báo chí cũng liên tục cảnh báo tình hình dịch ở Ấn Độ và một số nước trong khu vực châu Á với các dấu hiệu biến chủng của virus, sự thiếu cảnh giác ở vài quốc gia hay những kinh nghiệm chống dịch có ích… Do đó, những thông tin về tình hình lây nhiễm, cơ chế lây nhiễm, biện pháp phòng tránh, khả năng chữa trị… của báo chí là rất có ý nghĩa để người dân nâng cao hiểu biết và tự phòng tránh cho bản thân, gia đình.
Trên các trang báo in và báo điện tử, những hình ảnh đăng tải và nội dung phản ánh ở các khu cách ly, các bệnh viện điều trị khiến người đọc cảm nhận rõ hơn tình hình, có thêm nhiều kiến thức phòng, chống dịch, lan tỏa được những tấm gương hy sinh, lòng tốt và sự chia sẻ trong những lúc nguy nan. Nhiều nhà báo thực sự đã "xông pha" ở những điểm "nóng", trong các bệnh viện, ở các khu cách ly… để có những thông tin, hình ảnh chân thực, sống động, phong phú. Thậm chí, không ít trường hợp nhà báo đã bị nhiễm Covid-19, đủ thấy nhiều người đã tác nghiệp trong tâm thế của những "phóng viên chiến trường" để kịp thời thông tin đến bạn đọc.
Những ngày này, nhà báo đã trở thành những "chiến sĩ" trên mặt trận truyền thông. Những hình ảnh, những đoạn phim được sản xuất từ sự dấn thân ấy đã giúp công chúng thấy rõ hình ảnh các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm quên mình vì người bệnh ở tâm dịch, làm lay động hàng triệu trái tim. Những thông tin qua báo chí khiến người dân hành xử đúng đắn, tiếp cận các thông tin bổ ích để cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Có thể nói, báo chí đã đồng hành với các cấp chính quyền, với ngành y tế như một lực lượng xung kích trên mặt trận đầy cam go này.
Tại Thanh Hóa, các đợt dịch vừa qua, nhiều cơ quan báo chí cũng đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền. Sự kiện xuất hiện các ca F0 tại huyện Nông Cống vào cuối tháng 8, hàng chục cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn đã đồng loạt đưa tin, dẫn các cảnh báo, công điện của tỉnh để Nhân dân thêm nhiều kênh tiếp cận thông tin. Rồi đến những ổ dịch từ Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, huyện Nga Sơn, huyện Hậu Lộc..., cũng được thông tin kịp thời, sâu rộng trên các loại hình báo chí. Một số báo, tạp chí như: Báo Thanh Hóa, Nhà báo và Công luận, Thanh Niên, Doanh nghiệp & Tiếp thị... còn trăn trở cùng bà con vấn đề lúa chín, làm thế nào để nông dân trong vùng đang bị cách ly phong tỏa ra đồng thu hoạch lúa. Nhiều cơ quan báo chí Trung ương có văn phòng hay phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh nêu ra những vấn đề cần chấn chỉnh, như tổ chức xét nghiệm quá đông người, không bảo đảm giãn cách, bất cập ở một vài nơi của TP Thanh Hóa trong triển khai giấy đi chợ...
Báo chí đã thể hiện sự định hướng rất tích cực trong suốt cuộc chiến chống dịch Covid-19. Kịp thời phản ánh các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về công tác phòng chống dịch, thể hiện sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục, nhất quán và hiệu quả về công tác này, giúp người dân yên tâm và tin tưởng. Thông tin của báo chí đúng mực, phù hợp, không gây hoang mang, lo lắng cho người dân nhưng cũng không làm dư luận chủ quan, thờ ơ.
Những biểu hiện lơ là, buông lỏng quản lý của một số bộ phận lãnh đạo trong công tác phòng chống dịch; sự lo lắng thái quá; thông tin sai lệch liên quan đến dịch bệnh … các hoạt động hỗ trợ người dân trong mùa dịch, như điểm phát khẩu trang miễn phí, điểm phát quà cho người nghèo, thủ tục nhận hỗ trợ theo các gói của Chính phủ và của tỉnh; những tấm gương tiêu biểu trong hoạt động phòng chống dịch và hỗ trợ người dân, như các y bác sĩ, lực lượng vũ trang, nhân viên phục vụ ở các điểm cách ly, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều đóng góp…cũng được tuyên truyền, phản ánh rộng rãi.
Công tác thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, báo chí đã tích cực thông tin đến quốc tế về cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng, nêu những mô hình tốt trong phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, giải ngân đầu tư công, đề xuất các giải pháp hay, giới thiệu các mô hình sáng tạo... nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy sau dịch.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn 2769/BTTTT-CBC để chỉ đạo tăng cường kỷ luật truyền thông trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, các cơ quan báo chí phải chú trọng thông tin, tăng cường tuyên truyền về mục tiêu phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; tăng liều lượng, tần suất thông tin về các kết quả tích cực, các mô hình tốt, sự chung tay của cả cộng đồng, các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân là trên hết, trước hết. Tại Thanh Hóa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông cũng có những định hướng kịp thời các cơ quan báo chí của tỉnh về nội dung tuyên truyền liên quan đến dịch bệnh. Tất cả đang góp phần tạo ra xung lực mạnh mẽ, hướng cộng đồng vào mục tiêu chung phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Có thể nói, cùng với hệ thống chính trị, lực lượng báo chí đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, chủ động ứng phó linh hoạt, sáng tạo trong thông tin, tuyên truyền; càng khó khăn, càng thách thức, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, sứ mệnh vẻ vang của người làm báo càng được thể hiện rõ nét.
Yến HoàngTheo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại...