Thanh Hóa: Vai trò của công nghệ thông tin trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp trong giải quyết công việc vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và chất lượng nhiệm vụ được giao là mục tiêu được đặt ra cho các ban, ngành hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, để phát huy vai trò của công nghệ thông tin (CNTT) một cách hiệu quả nhất thì việc khuyến khích người dân ứng dụng CNTT và nâng cao khả năng tiếp cận CNTT cho người dân để phòng chống dịch Covid-19 là rất cần thiết.
Trong làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 này, ngoài việc chỉ đạo kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, kinh doanh dịch vụ cũng như trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Thực hiện phương châm chống dịch COVID-19 của tỉnh "khóa chặt nguy cơ bên trong, chặn đứng sự xâm nhập từ bên ngoài", Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án triển khai hệ thống quản lý điều hành điện tử thống nhất trong các cơ quan Nhà nước; hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng và triển khai hoạt động ứng dụng CNTT bảo đảm phù hợp với định hướng chung của tỉnh.
Đặc biệt, nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Sở TT&TT đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như đưa chuyên trang về phòng, chống dịch COVID-19 và ứng dụng "Smart Thanh Hóa" vào thực tiễn. Triển khai đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trong doanh nghiệp; hệ thống Robot call (tổng đài tự động) truy vết phòng, chống dịch COVID-19; hệ thống camera giám sát tại các cơ sở cách ly tập trung...
Hiện nay, có nhiều ứng dụng công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, có một số ứng dụng được các ngành chức năng khuyến khích người dân, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng như: ứng dụng Bluezone; ứng dụng NCOVI - hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện, cho phép mỗi người dân cập nhật tình hình sức khỏe của bản thân và của gia đình thông qua khai báo y tế tự nguyện; ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh - VHD; hệ thống ghi nhận người đến và đi các địa điểm công cộng (mã QR-Code) tại các địa điểm công cộng như công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng; hệ thống bản đồ chống dịch - an toàn COVID-19. Mục đích đạt được của ứng dụng khai báo y tế toàn dân bằng hình thức điện tử để phòng chống Covid -19 là cho phép người dân khai báo thông tin sức khỏe của bản thân và gia đình mọi lúc, mọi nơi hoặc phản ánh thông tin dịch bệnh, đối tượng nghi ngờ nhiễm bệnh xung quanh khu vực mình sinh sống. Tại các địa phương, việc khai báo y tế toàn dân dù không bắt buộc nhưng hết sức cần thiết và đã được ngành chức năng chú trọng nhất là trong giai đoạn hiện nay khi diễn biến dịch Covid - 19 hết sức phức tạp. Đặc biệt ứng dụng này giúp cán bộ y tế có thể cập nhật thông tin yếu tố nguy cơ mới do người dùng thực hiện khai báo y tế tự nguyện. Riêng về hệ thống giám sát sẽ giúp cán bộ y tế xác minh được trường hợp báo cáo yếu tố nguy cơ và cập nhật kiểm tra y tế hằng ngày.
Những ứng dụng này đã và đang được đông đảo người dân, các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong tỉnh áp dụng và thực thi có hiệu quả, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Không chỉ đẩy mạnh sử dụng các ứng dụng công nghệ số, để góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật qua các cổng thông tin, trang thông tin điện tử; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các cuộc thi theo hình thức trực tuyến; tăng cường đăng tải các bài viết về pháp luật trên các kênh thông tin địa phương, trên mạng xã hội qua ứng dụng zalo, facebook, fanpage... nhằm cung cấp những thông tin chính thống, nhanh chóng, kịp thời và đa dạng tới đông đảo người dân.
Cùng với những hoạt động trên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cũng như căn cứ vào tình hình thực tế, tỉnh đã chỉ đạo phân loại các tình huống để áp dụng triển khai hội họp, làm việc trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã; áp dụng "Phòng họp không giấy" nhằm giảm văn bản hành chính trong mỗi cuộc họp, rút ngắn thời gian chuẩn bị họp, tăng cường sự tương tác giữa các thành viên dự họp trên nền tảng CNTT, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành... Đồng thời, tăng cường cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp người dân, doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ thủ tục hành chính ở mọi lúc, mọi nơi, không phải đi lại nhiều lần, không phải xếp hàng và không mất thời gian chờ đợi, tránh tụ tập đông người góp phần thực hiện thành công mục tiêu phòng, chống dịch. Đặc biệt, ở những địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều thực hiện làm việc trực tuyến tại nhà trên nền tảng CNTT, trừ các trường hợp công việc thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới phải đến làm việc tại công sở. Hoạt động này được các cơ quan, đơn vị đánh giá cao và là giải pháp tối ưu vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả công việc, duy trì hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị.
Đối với lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo, có thể nói dịch Cocvid-19 đã tác động mạnh mẽ đến việc học tập của học sinh. Vì vậy, tiếp cận và ứng dụng CTTT với mục đích không để việc học của con em mình bị gián đoạn, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh tăng cường áp dụng hình thức dạy học trực tuyến qua internet và trên truyền hình; khuyến khích giáo viên sử dụng các ứng dụng mạng xã hội zalo, zoom để hướng dẫn, kiểm tra học sinh học tập tại nhà. Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: trong năm học vừa qua, để ứng phó với đại dịch COVID-19, toàn ngành giáo dục đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn và áp lực; đồng thời có thêm nhiều kinh nghiệm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong năm học mới dưới nhiều hình thức, trong đó có việc dạy học trực tuyến trên nền tảng CNTT. Năm học mới 2021-2022 đã bắt đầu, tuy nhiên vẫn còn không ít trường chưa thể tổ chức dạy học tập trung, vì vậy ngành đã chỉ đạo các nhà trường kích hoạt hệ thống dạy học online. Vẫn biết nhiều địa phương, trường học, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn sẽ gặp khó khi triển khai nhiệm vụ này, nhưng đây đang giải pháp tối ưu để không làm gián đoạn chương trình giáo dục khi học sinh không học tập trung tại trường trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
Như vậy, việc phát huy tối đa ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động, nhất là trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 không chỉ góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh mà còn bảo đảm hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ ở mỗi cơ quan, đơn vị. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những ca bệnh trong cộng đồng, song tình hình dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát. Đây vừa là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, kịp thời, quyết liệt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và cũng là kết quả của việc ứng dụng CNTT trong thực hiện "mục tiêu kép", vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Yến HoàngBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.