Thanh Hóa: Vì sao dự án Khu đô thị Núi Long gặp khó khăn kéo dài nhiều năm vẫn chưa được quan tâm tháo gỡ?

Dự án Khu đô thị Núi Long thành phố Thanh Hóa được nhà đầu tư là Công ty Cổ phần (CP) Sông Mã ký Hợp đồng số 16/TTPTQĐ/2016/ HĐ-ĐTDA ngày 08/10/2016 với Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa (được UBND tỉnh ủy quyền ký hợp đồng).

    Ảnh minh họa, nguồn internet

    Dự án Khu đô thị Núi Long thành phố Thanh Hóa được nhà đầu tư là Công ty Cổ phần (CP) Sông Mã ký Hợp đồng số 16/TTPTQĐ/2016/ HĐ-ĐTDA ngày 08/10/2016 với Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa (được UBND tỉnh ủy quyền ký hợp đồng). Trong đó có 02 nội dung chính:

    1-Tiền sử dụng đất phải nộp là: 8.046.424.000 đồng.

    2- Đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật 59,2 ha theo quy hoạch, trong đó có 11,74 ha Khu tái định cư sau khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật sẽ bàn giao UBND thành phố Thanh Hóa bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án khác.

    Theo các văn bản mà tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đang có, Công ty CP Sông Mã là đơn vị trúng thầu, thực hiện dự án nói trên theo Quyết định số 4089/QĐ-UBND ngày 21/10/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

    Làm việc với phóng viên tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, ông Lê Văn Tám - Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Mã cho biết: Nhận thức rõ dự án Khu đô thị Núi Long kết hợp khu tái định cư GPMB dự án đường vành đai Đông - Tây thành phố Thanh Hóa là dự án trọng điểm của tỉnh góp phần quan trọng việc phát triển kinh tế - xã hội và đô thị của địa phương nên công ty đã tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện.

    Đến thời điểm hiện tại, công ty đã thi công phần hạ tầng đạt trị giá hơn 300 tỷ đồng; nộp đầy đủ tiền GPMB (249.997.667.853 đồng); thực hiện di chuyển hạ ngầm đường dây 35KV kết nối ra ngoài mặt bằng với giá trị: 14.614.492.000 đồng (hồ sơ đã được UBND TP Thanh Hóa phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành). Trong quá trình thực hiện, công ty đã gặp rất nhiều khó khăn, ách tắc và có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh xin tháo gỡ nhưng cho đến nay đã 5 năm trôi qua, vẫn chưa có kết quả khiến doanh nghiệp đang rơi vào tình cảnh đứng trên bờ phá sản.

    Ít nhất 5 lần, doanh nghiệp này đã phải kêu cứu bằng văn bản trình các cấp, ngành chức năng và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, xin được tháo gỡ khó khăn. Tại Công văn số 89/CV-SM gửi Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)  nêu rõ: Công ty  Cổ phần Sông Mã là nhà đầu tư thực hiện dự án được lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu; kết quả trúng thầu, nghĩa vụ tài chính đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 4089/QĐ-UBND ngày 21/10/2016; việc đấu thầu đảm bảo khách quan, minh bạch, tuân thủ theo quy định của pháp luật; trách nhiệm của Nhà nước, công ty đã cụ thể rõ ràng thông qua đấu thầu.

    Là doanh nghiệp của tỉnh, luôn chấp hành tốt chế độ chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và chỉ đạo của tỉnh nên công ty là một trong những đơn vị đầu tiên chấp hành chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về chủ trương xác định lại tiền sử dụng đất của dự án theo Thông báo số: 245/TB-UBND ngày 05/12/2017 của UBND tỉnh, mặc dù việc cơ bản là chưa được phù hợp với thực tiễn trong công tác đấu thầu.
    Ngày 9/3/2020, Công ty CP Sông Mã tiếp tục có Công văn số: 34/CV-SM, gửi Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị nhanh chóng giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trước đó, ngày 29/2/ 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã cùng với một số Sở, ban ngành thực hiện kiểm tra tiến độ thực hiện dự án, họp giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Công ty đã báo cáo, đề xuất một số kiến nghị sau như: 

    Xem xét xác định lại giá đất đảm bảo công bằng như các dự án khác.

    Bù trừ chênh lệch suất đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thi công thực tế khu tái định cư của dự án.

    Khấu trừ giá trị quyết toán dự án hoàn thành công trình di chuyển hạ ngầm đường dây 35KV từ tiền sử dụng đất của dự án Khu đô thị Núi Long kết hợp khu tái định cư phục vụ GPMB đường vành đai Đông - Tây, thành phố Thanh Hóa.

    Đề nghị giao đất để triển khai các công trình nhà hỗn hợp thương mại, đồng thời nhanh chóng thực hiện giải phóng, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án…., nhưng vẫn chưa được tỉnh tập trung tháo gỡ.

    Đến ngày 11/03/2020, công ty tiếp tục có Công văn số: 36/CV-SM gửi cho Bí thư Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy nêu rõ lại tất cả những nội dung khó khăn, ách tắc trong quá trình thực hiện dự án: Thực hiện các quyết định nêu trên và hợp đồng đã ký kết, đến nay công ty đã đầu tư trên 800 tỷ đồng san lấp mặt bằng, thi công phần hạ tầng và đã nộp đủ tiền bồi thường GPMB, thực hiện theo đúng cam kết trong hợp đồng và thiết kế đã được phê duyệt. Trong khi nhà đầu tư đang tập trung thực hiện dự án, thì UBND tỉnh Thanh Hóa thông báo cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan yêu cầu dừng xem xét, tham mưu, giải quyết các thủ tục về đầu tư, xây dựng của công ty cho đến khi HĐ dự án được các bên ký kết lại.

    Điều cần nói thêm ở đây là: Sau khi ký lại Phụ lục HĐ, UBND tỉnh và các ngành tính lại giá đất và bất ngờ ban hành quyết định tăng giá đất lên gần 250 tỷ đồng. Đây là mức giá quá cao, không hợp lý, trái với các quy định của UBND tỉnh đã ban hành khi mời thầu, thậm chí trái với toàn bộ Hồ sơ đấu thầu Quốc tế và HĐ mà Công ty đã ký kết. Việc này gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp.

    Một trong những điều mà dư luận quan tâm, đặc biệt là một số nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong tỉnh vô cùng khó hiểu, đó là: Trước các văn bản kiến nghị có lý, có tình, thượng tôn pháp luật của công ty, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao cho Sở TN&MT tổ chức nhiều cuộc họp; Công ty CP Sông Mã đã đề nghị Sở TN&MT và UBND tỉnh phải tôn trọng HĐ và các quyết định mà UBND tỉnh đã ban hành. Thế nhưng họ không được chấp nhận. Trong khi đó theo tính toán, hiệu quả dự án sẽ thu về cho ngân sách là 300 tỷ đồng (chưa bao gồm giá trị của 2 khu đất HH1 và HH3 của dự án đã được doanh nghiệp GPMB sạch).

    Tóm lại, tất cả những đề xuất của Công ty - Nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn suốt 5 năm qua vẫn chưa được tỉnh quan tâm xem xét. Trong khi đó Thủ tướng Chính phủ luôn có yêu cầu các ngành, các cấp tạo điều kiện một cách tốt nhất giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất và kinh doanh. Đồng thời Chính phủ đã ban hành NQ số 68/NQ- CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến phát triển kinh tế giai đoạn 2020-2025 với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cắt giảm, đơn giản hóa những quy định không cần thiết, không hợp lý, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

    Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị rất mong tỉnh Thanh Hóa sớm giải quyết dứt điểm vụ việc trên, tránh tình trạng đẩy khó khăn cho doanh nghiệp phải hứng chịu những rủi ro, đứng trên bờ phá sản không đáng có. Mà đây là một trong số doanh nghiệp hàng đầu đã có rất nhiều công lao đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như của tỉnh Thanh Hóa. Cần có giải pháp công bằng, hợp lý để giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định; tiếp tục hoạt động, kinh doanh và tổ chức thực thi một cách hiệu quả. Sớm đưa dự án Khu đô thị Núi Long và đường vành đai Đông - Tây đi vào cuộc sống.
     

    Triều Nguyệt
    Ý kiến của bạn
    Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ? Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ?

    Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.