Thanh Hóa: Vụ án Lê Thảo Nguyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Hình sự hay dân sự ?

Địa phương
08:50 AM 13/01/2021

Vụ án Lê Thảo Nguyên bị cáo buộc lừa đảo gia đình thầy giáo cũ, chiếm đoạt 300 triệu trước đây đã báo Kinh doanh & Pháp luật, tiền thân của Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đưa tin nhiều lần. Vụ án chuẩn bị được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 và được dư luận rất quan tâm vì chứng cứ buộc tội của vụ án chủ yếu dựa vào các lời khai có nhiều điểm chưa rõ ràng, mâu thuẫn, và ngoài ra, bản thân bị cáo đang làm trong ngành giáo dục, lẽ nào ông lại đang tâm lừa đảo gia đình thầy giáo cũ của mình trong khi bản thân bị cáo và vợ đang có công việc, thu nhập ổn định.

Ngày 15/02/2014, Lê Thảo Nguyên, cán bộ Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ quản lý Thông tin & Truyền thông (Trường ĐTCB), Bộ Thông tin vàTruyền thông (Bộ TTTT) viết văn bản có tên "Giấy nhận tiền" để "lo công việc" cho anh Hà Phương, con của ông Hà Trọng Tân và bà Mai Thị Tuyết, nhận số tiền là 300 triệu đồng. Nội dung giấy không thể hiện rõ "lo công việc" nghĩa là gì, thời hạn phải hoàn thành công việc, không thể hiện nếu "lo công việc" không được thì xử lý như thế nào.

Thời gian sau hai bên phát sinh tranh chấp, Nguyên bị tố cáo lừa đảo, bị khởi tố, bắt tạm giam để xét xử. Dù còn nhiều vấn đề, tình tiết quan trọng chưa được làm rõ nhưng Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án huyện Tĩnh Gia vẫn xử phạt Nguyên 9 năm tù giam. HĐXX phúc thẩm Tòa án tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời khắc phục các thiếu sót trong bản án sơ thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm số 42/2019-HSST để điều tra, xét xử lại.

Ngày 26/11/2020, Viện Kiểm sát (VKS) thị xã Nghi Sơn đã ban hành cáo trạng số 03/CT-VKSNS-HS tiếp tục truy tố Nguyên ra Tòa để xét xử.

Đã làm rõ thủ đoạn gian dối của bị cáo?

Trong vụ án này, không có chứng cứ vật chất, trực tiếp chứng minh thủ đoạn gian dối của Lê Thảo Nguyên. Cơ quan Điều tra (CQĐT) cũng như VKS căn cứ vào các lời khai bất nhất, nhiều mâu thuẫn của các nhân chứng và bị hại để chứng minh Nguyên gian dối. Theo hồ sơ vụ án, thủ đoạn gian dối gồm 2 yếu tố: một là bị cáo giới thiệu không đúng về bản thân, hai là bị cáo khẳng định có khả năng xin được cho Hà Phương làm việc tại Trường ĐTCB.

Thanh Hóa: Vụ án Lê Thảo Nguyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Hình sự hay dân sự ??? - Ảnh 1.

"Giấy nhận tiền" để "lo công việc" cho anh Hà Phương, con của ông Hà Trọng Tân và bà Mai Thị Tuyết.

Đối với tội lừa đảo, thủ đoạn gian dối cần phải thực hiện trước hoặc chậm nhất là đến thời điểm chiếm đoạt. Và đương nhiên trách nhiệm chứng minh, làm rõ vấn đề phải thuộc về cơ quan tố tụng. Bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh & có quyền im lặng.

Trong vòng quay thứ nhất, thủ đoạn gian dối của Lê Thảo Nguyên được mô tả: Nguyên tự giới thiệu mình làm ở Vụ Tổ chức Cán bộ của Bộ TTTT, có khả năng xin cho Hà Phương vào làm việc tại Trường ĐTCB nên mẹ của anh Hà Phương tin tưởng và giao tiền cho Nguyên.

Tuy nhiên, theo cáo trạng ngày 26/11/2020, Nguyên không còn giới thiệu mình làm ở Vụ Tổ chức cán bộ, thủ đoạn lừa đảo của Nguyên được xác định thông qua các mô tả: "Khi ngồi nói chuyện với nhau, Nguyên biết Hà Phương là con trai ông Hà Trọng Tân thầy giáo cũ của Nguyên ở Trường Trung học phổ thông Tĩnh Gia I, đã học ra trường và có bằng cấp, chưa có việc làm nên Nguyên đã chủ động giới thiệu cho Phương biết mình là học trò cũ của bố Phương ở Trường Trung học phổ thông Tĩnh Gia I, hiện nay là cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông, có nhiều mối quan hệ quen biết có thể xin được việc làm cho Phương (BL 212- 233, 198 - 211, 175 – 190, 1318 – 1337)" (Trích Cáo trạng)

"Khi đến nhà và gặp được bà Tuyết, Nguyên có giới thiệu cho bà Tuyết biết mình là người quê ở xã Hải Hòa, học trò cũ của thầy Tân là chồng của bà Tuyết hiện là cán bộ của Bộ Thông tin và Truyền thông , có nhiều mối quan hệ có thể xin cho con bà Tuyết vào làm việc tại Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông. Quá trình trao đổi, Nguyên có nói với bà Tuyết về kinh phí xin việc làm là 300.000.000 đ. Thấy Nguyên có thiện chí và rất tích cực, và là người quê hương Tĩnh Gia, vừa là học trò cũ của chồng mình, đồng thời tin tưởng vào việc Nguyên giới thiệu là có khả năng xin việc cho Hà Phương Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông nên bà Tuyết đã đồng ý nhờ Nguyên xin việc cho con trai mình (149-173, 175 – 190, 1333-1341)" (Trích Cáo trạng).

Theo quy định tại Điều 3, Nghị định 17/2017/NĐ-CP (Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ TTTT), Trường ĐTCB là một trong 28 đơn vị, bộ phận thuộc Bộ TTTT. Do đó, cứ cho rằng Nguyên giới thiệu là cán bộ của Bộ TTTT thì sự giới thiệu đó hoàn toàn đúng quy định pháp luật, và do đó khó mà kết luận là gian dối.

Theo luật sư Nguyễn Văn Dũ, người bào chữa cho bị cáo, giả sử có việc Nguyên giới thiệu bản thân có nhiều mối quan hệ, có thể xin việc cho Hà Phương vào Trường ĐTCB thì tình tiết này không chứng minh Nguyên gian dối vì đơn giản nó là sự thật. Sự thật ở đây là Nguyên đang dạy tại Trường ĐTCB, nên phải có nhiều quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên, và có nhiều mối quan hệ công tác, xã hội, bạn bè khác.

Theo lời khai của bà Tuyết, Hà Phương, Lục, Hải thì bị can Nguyên nói "có thể" hay "có khả năng" xin việc chứ không nói "chắc chắn" xin được, không có chứng cứ nào chứng minh Nguyên cam kết xin được việc cho Hà Phương. Theo đó, việc xin được hay không đều có thể xảy ra. Bà Tuyết và Hà Phương chính là những người khai tình tiết này thì lẽ đương nhiên họ phải hiểu có khả năng Nguyên xin được việc hoặc không xin được, họ chấp nhận kết quả được hoặc không được. Vì thế, họ không tin nhầm gì đối với lời nói của Nguyên. Yếu tố tin nhầm của bị hại là yếu tố bắt buộc thuộc về ý chí của bị hại trong cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư Dũ phân tích.

Cũng theo luật sư Dũ, tại phiên tòa phúc thẩm trước đây, hai người làm chứng quan trọng để chứng minh cho thủ đoạn gian dối của bị cáo là Lục và Hải ấp a ấp úng, trả lời vòng vo, né tránh câu hỏi của luật sư, không nhớ đã khai gì với CQĐT, thậm chí có thể đánh giá là họ không biết gì về sự việc đã diễn ra, có dấu hiệu cho thấy lời khai của họ trong hồ sơ vụ án không đúng ý chí và nhận thức của họ.

Như vậy, dấu hiệu gian dối đã được CQĐT, VKS làm rõ hay chưa ? Họ cần chứng minh, bảo vệ được quan điểm trong phiên tòa sơ thẩm tới đây.

Ngoài ra, có thật sự Nguyên giới thiệu bản thân mình như Cáo trạng đã viết hay không vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng khi mà CQĐT, VKS xác minh sự thật khách quan chủ yếu dựa vào những lời khai không nhất quán, mâu thuẫn với nhau. Nguyên tắc suy đoán vô tội có được xem xét trong trường hợp này hay không vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ.

Nhân chứng từ chối đối chất

Giữa CQĐT và VKS có điểm không thống nhất đáng chú ý. Lần này, Cơ quan CSĐT vẫn sử dụng lời khai của bà Tuyết và Hà Phương để cho rằng Lê Thảo Nguyên giới thiệu gian dối làm ở Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ TTTT. Tuy nhiên, VKS không sử dụng lời khai này để buộc tội, chỉ sử dụng tình tiết bị can Nguyên giới thiệu có nhiều mối quan hệ, có thể xin việc cho Hà Phương để truy tố. Gạt bỏ, không sử dụng tình tiết "Nguyên giới thiệu làm ở Vụ Tổ chức cán bộ", có nghĩa rằng tình tiết đó không phải là sự thật khách quan. Vậy tại sao không khởi tố về tội Khai báo gian dối? Luật sư Dũ đặt câu hỏi.

Cũng theo luật sư Dũ, Cơ quan CSĐT chưa làm rõ sự mâu thuẫn giữa anh Lục, anh Hải với Hà Phương và bà Tuyết về tình tiết Nguyên tự giới thiệu bản thân làm ở Vụ Tổ chức cán bộ. Vấn đề này cần phải đối chất nhưng Cơ quan CSĐT chưa tổ chức đối chất. Theo Điều 189 Bộ luật TTHS: "Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất."

Vậy biện pháp điều tra khác đã được thực hiện để giải quyết mâu thuẫn giữa các lời khai? Tại sao cơ quan điều tra không áp dụng biện pháp cưỡng chế dẫn giải đối với 2 nhân chứng này để làm rõ sự thật?

Luật sư Dũ cho biết, hiện nay, 02 người này từ chối đối chất với bị can Lê Thảo Nguyên, với lý do không chính đáng. Hành vi từ chối đối chất của hai người làm chứng có dấu hiệu của tội Từ chối khai báo, được quy định tại khoản 1 Điều 383 BLHS năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cáo trạng ngày 26/11/2020 đã làm rõ hết các yêu cầu của Hội đồng xét xử phúc thẩm?

Bản án phúc thẩm số 168/2020/HSPT của Tòa án tỉnh Thanh Hóa đã tuyên hủy bản án sơ thẩm số 142/2019-HSST ngày 27/12/2019 để điều tra, xét xử lại.

Ngoài việc yêu cầu cần làm rõ một số tình tiết quan trọng, Hội đồng xét xử phúc thẩm còn yêu cầu điều tra làm rõ vấn đề hồ sơ giả có tên, chữ ký của Hà Phương và ông Hà Trọng Tân. Tuy nhiên, cho đến nay, yêu cầu này vẫn chưa được làm rõ. Theo luật sư Nguyễn Văn Dũ, đây là vấn đề cần phải làm sáng tỏ trong cùng vụ án, không thể tách ra để giải quyết riêng.

Theo Điều 85 Bộ Luật TTHS, mục đích, động cơ, nguyên nhân & điều kiện phạm tội là những vấn đề cần chứng minh làm rõ. Nguyên và vợ đều là người có học vị cao, làm trong môi trường giáo dục. Có thể nói vợ chồng Nguyên có điều kiện kinh tế, công việc ổn định, gia đình có truyền thống. Như vậy, liệu Nguyên có đang tâm hay dại dột đi lừa gạt chính thầy giáo của mình ở ngay quê hương của mình hay không ? Đây một vấn đề mà dư luận hết sức quan tâm.

Thanh Hóa: Vụ án Lê Thảo Nguyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Hình sự hay dân sự ??? - Ảnh 2.

Tòa án tỉnh Thanh Hóa xử phúc thẩm tháng 6/2020 đã tuyên hủy bản án sơ thẩm số 142/2019-HSST ngày 27/12/2019 để điều tra, xét xử lại.

Thực tế lịch sử tư pháp Việt Nam đã chứng minh, nếu chỉ trọng cung, không trọng chứng dễ gây ra nhiều vụ án oan sai như Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén gần đây hay vụ án giảng viên đại học Nguyễn Sỹ Lý phạm tội giết người ở Nghệ Tĩnh hơn 37 năm về trước.

Trong vụ án Lê Thảo Nguyên, chứng cứ để chứng minh tội phạm chủ yếu là những lời khai bất nhất, mẫu thuẫn, của bị hại, người làm chứng liệu đã đủ để buộc tội hay chưa ? Chúng ta có niềm tin rằng phiên tòa sơ thẩm tại Tòa án thị xã Nghi Sơn tới đây sẽ đảm bảo được dân chủ, tranh tụng cũng như các nguyên tắc suy đoán vô tội, xét xử độc lập của cơ quan nắm giữ cán cân công lý để xây dựng và bảo vệ niềm tin vào công lý của người dân. 

Thái Quảng
Ý kiến của bạn
Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ Vietnam Airlines mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay đêm dịp nghỉ lễ

Vietnam Airlines mở bán tăng cường vé của 2.000 chuyến bay khai thác từ sau 21h hằng ngày trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè sắp tới, trên các đường bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…