Thanh Hóa: Xây dựng hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển kinh tế vùng
Xác định mạng lưới giao thông là huyết mạch nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy giao thương hàng hóa, để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
Thanh Hóa là tỉnh đất rộng, người đông, hệ thống giao thông có đầy đủ các loại hình gồm: đường bộ, hàng không, đường sắt tuyến Bắc - Nam, cảng biển và đường thủy nội địa. Trong đó, đường bộ có tổng chiều dài khoảng 23.272km, gồm 13 tuyến quốc lộ dài 1.299,3km, 63 tuyến đường tỉnh dài 1.499,53 km và các đường khác dài 20.492,1km. Mật độ chiều dài đường chính yếu (gồm quốc lộ và đường tỉnh)/diện tích của Thanh Hóa là 25km/100km2 (cao hơn mật độ trung bình của cả nước là khoảng 15km/100km2 và tỉnh Nghệ An khoảng 16,4km/100km2).
Ngoài ra, Thanh Hóa có Cảng hàng không Thọ Xuân đã được đầu tư xây dựng và hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2013, đến nay đã thực hiện khai thác 8 đường bay nội địa. Riêng năm 2020, lượng hành khách khai thác đã vượt công suất thiết kế 1,2 triệu khách/năm và Cảng hàng không Thọ Xuân đã được quy hoạch là Cảng hàng không quốc tế, dự kiến lượng hành khách qua cảng năm 2022 là 1,5 triệu hành khách/năm. Bên cạnh đó, hệ thống Cảng biển nước sâu Nghi Sơn và Cảng Lệ Môn với lượng hàng thông qua cảng đạt 45 triệu tấn/năm...
Lãnh đạo Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: trong những năm qua, được sự quan tâm, ưu tiên đầu tư, diện mạo hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những thay đổi đáng kể. Kết cấu hạ tầng GTVT phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối liên vùng, các trung tâm kinh tế của tỉnh, Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cửa khẩu, các đô thị.
Giao thông được kết nối với các vùng miền trong nước và các nước trên thế giới thông qua Cảng hàng không Thọ Xuân và Cảng biển Nghi Sơn, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Song song đó, hệ thống giao thông nông thôn được các địa phương trong tỉnh chú trọng xây dựng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang triển khai một số dự án giao thông trọng điểm như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam để tăng cường kết nối Thanh Hóa với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ; Tuyến đường bộ ven biển để kết nối với các tỉnh ven biển phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An; Đường nối thành phố Thanh Hóa với Cảng hàng không Thọ Xuân và đường giao thông nối QL217 với QL45 và QL47 tăng cường kết nối các khu vực trong tỉnh với cảng hàng không Thọ Xuân, mở rộng không gian phát triển đô thị; Đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường ven biển để kết nối cảng Lạch Sung, các huyện Nga Sơn, Bỉm Sơn, Thạch Thành với các tỉnh phía Bắc thông qua QL217B và QL217; Đường nối QL1A với QL45; Đường Vạn Thiện - Bến En để tăng cường kết nối giữa tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam với Trung tâm thành phố Thanh Hóa, Cảng hàng không Thọ Xuân, các khu công nghiệp, các khu đô thị; Đầu tư nâng cấp QL15 đoạn Km53-Km109, tăng cường kết nối, giao thương hai tỉnh Hòa Bình - Thanh Hóa.
Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT tập trung nguồn lực đầu tư mở rộng Quốc lộ Nghi Sơn - Bãi Trành đoạn từ cầu Hổ đến nút giao với đường bộ cao tốc; Đầu tư nâng cấp, cải tạo QL217 đoạn từ QL1A đến đường Hồ Chí Minh.
Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đề xuất Bộ GTVT đầu tư, nâng cấp các tuyến QL trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được duyệt, đặc biệt ưu tiên nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối với các trung tâm đô thị với đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các cửa khẩu như: QL45 (kết nối với các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An); QL47 (kết nối với nước bạn Lào thông qua cửa khẩu Khẹo); QL47B, QL47C, QL217B (kết nối Cảng hàng không Thọ Xuân, Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghiệp Bỉm sơn, Khu công nghiệp Lam Sơn Sao Vàng với tỉnh Ninh Bình); QL10 (kết nối với các tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa).
Song song với đó, tiếp tục huy động vốn đầu tư xây dựng mới các công trình có tính kết nối liên vùng để kết nối Cảng biển Nghi Sơn - Cảng hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước Cộng hòa DCND Lào, thông qua tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đường Hồ Chí Minh, QL15, QL217 và cửa khẩu Quốc tế Na Mèo...
Tỉnh quyết tâm tập trung nguồn vốn cho hạ tầng giao thông. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm một lần nữa nhấn mạnh, với mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ, với nước bạn Lào, phục vụ phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, đưa Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ Quốc thì cần tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá.
Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2025 khoảng 34.919 tỷ đồng, trong đó, dự kiến Ngân sách Trung ương hỗ trợ là 9.140 tỷ đồng, Ngân sách tỉnh là 8.141 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác là 17.638 tỷ đồng.
"Để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi cũng xin đề xuất với Chính phủ, bộ ngành Trung ương một số nội dung quan trọng trong việc đầu tư hạ tầng giao thông", cụ thể: Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có đường bờ biển dài khoảng khoảng 1.995km với thềm lục địa rộng lớn, nhiều tài nguyên khoáng sản, vì vậy, để tạo liên kết phát triển vùng, đề nghị ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết phát triển trong nội vùng, liên vùng để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, sớm cụ thể hóa các mục tiêu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA và các nguồn vốn có tính chất ngân sách, để đầu tư hoàn thành các dự án lớn, trọng điểm, kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, kết nối các vùng, các trung tâm kinh tế động lực, trọng tâm, như là: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa; Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, trang thiết bị Cảng hàng không Thọ Xuân thành cảng hàng không quốc tế trước năm 2025.
Phát triển đầu tư hoàn thiện hạ tầng cảng biển, nạo vét tuyến luồng từ phao số 0 đến bến số 6 đang được Bộ GTVT triển khai dự án với Tổng mức đầu tư khoảng 720 tỷ; Nạo vét thông tuyến luồng từ bến số 6 đến đê Bắc đang được UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ dự án nạo vét từ nguồn vốn vay ODA, dự kiến triển khai hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 với kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, tỉnh Thanh Hóa đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Những nỗ lực thu hút đầu tư cùng chính sách mở cửa đang làm gia tăng tốc độ phát triển của tỉnh. Điều tỉnh Thanh Hóa cần nhất đó chính là tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, tạo mối nối thông suốt giữa các khu công nghiệp, khu đô thị và đặc biệt nối liền Thanh Hóa và các tỉnh lân cận, nhằm tạo ra sự giao thương, kết nối và làm tăng khả năng phát triển kinh tế địa phương.
Yến HoàngGiá xăng, dầu đồng loạt tăng từ 15h hôm nay (10/10) sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.