Thanh Hóa: Xây dựng, lan tỏa giá trị văn hóa doanh nghiệp
Sáng 18/4, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông tổ chức Hội thảo khoa học “Thực tiễn và kinh nghiệm trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”.
Văn hóa doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển lâu dài của mỗi doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và tạo nên giá trị thương hiệu riêng cũng như lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại trong quá trình phát triển.

Toàn cảnh buổi hội thảo.
Trên thế giới, nhiều tập đoàn lớn có thể tồn tại và phát triển trong nhiều thập niên và ngay trong khủng hoảng, bởi họ đã xây dựng được giá trị văn hóa doanh nghiệp vững mạnh. Có những thương hiệu trở thành nền tảng của doanh nghiệp và là biểu tượng của quốc gia, có tầm ảnh hưởng quốc tế.
Tại Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, xây dựng chiến lược và mục tiêu kinh doanh. Những nguyên tắc và quy định của doanh nghiệp được hình thành và nghiêm túc thực hiện tạo nên bản sắc riêng và thích ứng với môi trường kinh doanh của thế giới, môi trường cạnh tranh toàn cầu. Đồng thời, các doanh nghiệp đã tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và hỗ trợ cộng đồng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang tính hình thức khi mới chỉ tập trung vào các hoạt động giải trí và truyền thông, quảng bá, mà chưa quan tâm đến xây dựng kiến trúc và diện mạo doanh nghiệp; chưa có quan niệm đúng đắn về cạnh tranh và hợp tác trong kinh doanh; phong cách làm việc chưa chuyên nghiệp...
Do đó, từ nhận thức đến hành động, từ lý luận đến thực tiễn, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vẫn còn là một hành trình nhiều thách thức cần được nghiên cứu, trao đổi và chia sẻ.

Tổng Giám đốc Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông Nguyễn Hồng Phong phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Phong Giám, Tổng Giám đốc Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông khẳng định: Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là nền tảng tinh thần của mỗi tổ chức, mà còn là giá trị cốt lõi góp phần xây dựng thương hiệu, giúp củng cố nội lực và tạo dựng niềm tin bền vững đối với đối tác, người lao động và cộng đồng xã hội.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không đơn thuần là việc hình thành những giá trị, niềm tin và chuẩn mực ứng xử trong nội bộ, mà còn là quá trình kiến tạo một hệ sinh thái tinh thần và đạo đức kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tính bền vững trong quản trị doanh nghiệp; đồng thời tôn vinh và lan tỏa giá trị nhân văn, sự tử tế và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều khía cạnh liên quan đến các vấn đề lý luận và thực tiễn trong phát triển văn hóa doanh nghiệp như: Nhận thức chung về sự cần thiết phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp; Thực trạng văn hóa doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua; một số kinh nghiệm và giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cán bộ, công nhân viên Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông cũng trao đổi, chia sẻ nhiều giá trị cốt lõi là "kim chỉ nam" trong hình thành văn hóa doanh nghiệp tại đơn vị với các tham luận: Văn hóa doanh nghiệp trong hoạt động của "gia đình Tiến Nông"; Văn hóa doanh nghiệp trong trách nhiệm với cộng đồng; Văn hóa doanh nghiệp trong công tác phụng sự khách hàng; Văn hóa doanh nghiệp trong công tác an sinh xã hội.
Theo đó, với tầm nhìn là doanh nghiệp sáng tạo dẫn đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng tại Việt Nam, công ty đã xây dựng chiến lược phục vụ chuyên nghiệp các ngành hàng trọng điểm của nông nghiệp đất nước nhằm nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam và đưa giá trị nông sản Việt Nam vươn ra thế giới.
Doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phụng sự 200 nhà phân phối, 10.000 điểm bán lẻ và chăm sóc 1 triệu hộ nông dân diện tích lớn với niềm tin phát triển dựa trên sự trao quyền và tiếp nối truyền thống giữa các thế hệ. Mỗi thành viên trong công ty đều được phát huy hết khả năng để cống hiến và thành công, đóng góp cho doanh nghiệp, xã hội.
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đề xuất: Để phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp tiếp tục phát triển rộng rãi và thực chất, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội cần có cơ chế ghi nhận, vinh danh các doanh nghiệp có mô hình văn hóa tiêu biểu; tổ chức thêm các chương trình đối thoại, diễn đàn, hội thảo để doanh nghiệp học hỏi lẫn nhau về xây dựng văn hóa nội bộ, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng Bộ quy tắc văn hóa nội bộ phù hợp với đặc thù ngành nghề và bản sắc địa phương....
Quỳnh Chi
Với gần 200 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số xuất sắc trải rộng 9 nhóm lĩnh vực, Sao Khuê 2025 đã góp phần minh chứng cho sự bứt phá của ngành công nghệ thông tin Việt Nam.