Thanh Hóa: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là cần thiết để phát triển nhanh, bền vững

Địa phương
10:14 AM 18/09/2024

Việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết để kinh tế Thanh Hóa phát triển nhanh, bền vững, qua đó nâng cao sức mạnh nội lực, xử lý hiệu quả các vấn đề nội tại và thách thức, tất cả để hướng tới định vị mang tầm chiến lược phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với mục tiêu trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trường mới, cùng với Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Thanh Hóa: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là cần thiết để phát triển nhanh, bền vững- Ảnh 1.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Với địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa - xã hội và địa quốc phòng, Thanh Hóa đã xác định rõ đường hướng cho giai đoạn mới 2020-2025, đó là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các hoạt động văn hóa-xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đó là: "Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, nhất là năng lực thực thi và khả năng thích ứng của địa phương, doanh nghiệp về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới". 

Với tinh thần trên, tỉnh Thanh Hóa đã phổ biến, quán triệt chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, từ đó đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần đưa Thanh Hóa phát triển bền vững.

Thanh Hóa: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là cần thiết để phát triển nhanh, bền vững- Ảnh 2.

Doanh nghiệp tỉnh Niigata - Nhật Bản tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm của Việt Nam.

Để đạt được độc lập, tự chủ về kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia. Độc lập về kinh tế phát triển không phụ thuộc vào bên ngoài, phát triển trên mọi phương diện dựa trên nguồn lực, sức mạnh và công nghệ của tỉnh và trong nước phù hợp với điều kiện và bối cảnh thực tế của địa phương.

Thực tế chứng minh, Thanh Hóa hiện trên đà phát triển với tốc độ thành lập doanh nghiệp mới và thu hút đầu tư nước ngoài nằm trong top 10 cả nước. Với hệ sinh thái sản phẩm công nghiệp hàng hóa đa dạng, tỉnh đang tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng: kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu. Đồng thời khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo bước đột phá trong phát triển giúp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Nhất là phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế để tạo ra tăng trưởng đột phá cho ngành công nghiệp và kinh tế của tỉnh. Theo đó, nâng cao năng lực sản xuất, tạo nên giá trị bền vững cho doanh nghiệp là yếu tố quan trọng tạo nên tính độc lập tự chủ cho doanh nghiệp.

Thanh Hóa: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là cần thiết để phát triển nhanh, bền vững- Ảnh 3.

Các sản phẩm gạo của Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng (Hà Trung).

Để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, từ tổng kết thực tiễn và phát triển kinh nghiệm, Thanh Hóa cần phải tập trung phát triển các trung tâm kinh tế động lực, các trụ cột tăng trưởng, xây dựng các hành lang kinh tế..., tất cả để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế-xã hội. Có thể nói, đây không chỉ kết tinh tầm nhìn mà còn thể hiện khả năng quy hoạch phát triển mang tầm chiến lược mà tỉnh Thanh Hóa đã đang thực thi.

Mặt khác, việc nâng cao năng lực sản xuất, tạo nên giá trị bền vững cho doanh nghiệp là yếu tố quan trọng tạo nên tính độc lập tự chủ cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông cho rằng: "Doanh nghiệp là một phần tất yếu của cuộc sống - xã hội, chính vì vậy khi xác định vị trí vai trò của doanh nghiệp, Đảng và Nhà nước cũng đã lấy nông nghiệp làm trọng tâm để phát triển kinh tế. Đối với Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, ngày từ ngày đầu tiên, chúng tôi luôn có tư tưởng là phụng sự khách hàng. Xuyên suốt trong 30 năm qua, chúng tôi luôn đặt lợi ích của khách hàng là trên hết. Sự tự chủ của mình chính là đặt lợi ích của khách hàng, cũng là lợi ích của chính mình. Doanh nghiệp chúng tôi xác định: nghiên cứu khoa học công nghệ cũng như hội nhập quốc tế là tất yếu".

Để chủ động hội nhập kinh tế, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thực hiện đầy đủ, tương thích với các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra. Tận dụng tối đa không gian chính sách mà Việt Nam được phép trong các cam kết để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Thanh Hóa: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là cần thiết để phát triển nhanh, bền vững- Ảnh 4.

Công ty TNHH Miza Nghi Sơn, Tỉnh Thanh Hoá năm nay đang mở rộng thị trường Malaysia và Hàn Quốc, đầu tư thêm máy móc hiện đại để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã khai thác tốt lợi thế của tỉnh và các Hiệp định thương mai tự do thế hệ mới để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu; năm 2023 đạt 5,06 tỷ USD, gấp 2,37 lần năm 2020. 8 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 7.208,6 triệu USD, tăng 34,95 so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 212 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với 55 chủng loại hàng hóa, sang 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với việc chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ, các doanh nghiệp cũng đã đa phương hóa, đa dạng hóa để tránh phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác.

Có thể nói, thông qua hội nhập quốc tế, Thanh Hóa đã tranh thủ thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 327 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 53 dự án FDI). Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 171 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,78 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh phía Bắc Trung bộ, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.

Đại hội XIII của Đảng xác định, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là một nội dung cốt lõi bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước trong hoàn cảnh thế giới có những bước phát triển đột phá, biến động và thay đổi khó lường của quan hệ quốc tế, của quá trình toàn cầu hóa, và cả tác động của quá trình biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, bất kỳ biến động nào về kinh tế, địa chính trị đều tác động đến kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Năng lực tự chủ và những giải pháp mà Thanh Hóa đã đề ra cũng như biện pháp, cách thức mà tỉnh đang thực thi rất nhạy bén và phù hợp sẽ góp phần nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế với những biến động của tình hình quốc tế cũng như ít bị tổn thương trước những biến động đó. Đặc biệt, trong bất cứ tình huống nào cũng có thể cho phép duy trì được các hoạt động bình thường của kinh tế, xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2 Hà Nội: Tôn vinh giá trị làng nghề trồng hoa qua Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2

Festival Hoa Mê Linh lần thứ 2, năm 2024 tiếp tục được tổ chức với chủ để "Mê Linh rực rỡ sắc hoa" sẽ được tổ chức trong 4 ngày, dự kiến từ ngày 26/12/2024 đến hết ngày 29/12/2024, tại Quảng trường Trung tâm hành chính huyện Mê Linh.