Thanh Hóa xây dựng Nông thôn mới thông minh
Ngay từ khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới (XD NTM), NTM nâng cao, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã được định hướng rõ về xây dựng các tiêu chí của NTM thông minh, thực hiện tốt công tác chuyển đổi số tại cơ sở.
Trước hết, việc xây dựng thôn thông minh, hướng đến mục tiêu NTM thông minh được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chuyển đổi số về nông nghiệp, nông thôn tại Thanh Hóa. Đây cũng là một chỉ tiêu để được công nhận xã NTM kiểu mẫu đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện.
Đến thôn 4 – thôn thông minh đầu tiên của xã NTM kiểu mẫu Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ngoài cảnh quan nông thôn sạch đẹp, ai cũng ấn tượng bởi mức độ số hóa lan tỏa rất nhanh trong cuộc sống của người dân nơi đây.
Theo đó, hệ thống camera an ninh đã phủ khắp thôn, từ trục đường chính đến từng hộ dân. Nhà văn hóa thôn rộng 50m2 được lắp đặt mạng wifi tốc độ cao phục vụ học tập, tra cứu thông tin, học hỏi mô hình làm ăn... Mọi thông tin có thể chuyển tải đến người dân qua nhóm Zalo. Tình hình giao thông, an ninh trật tự trong thôn cán bộ đều nắm được qua hệ thống camera. Đến nay, tỷ lệ sử dụng mạng wifi của các hộ dân đạt hơn 90%.
Được biết, ngay từ khi Thiệu Trung triển khai XD xã NTM nâng cao, thôn mới kiểu mẫu, một số người dân đã gương mẫu đi đầu vận động bà con hiến đất, mở đường, chỉnh trang cảnh quan nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại và văn minh.
Nhân dân trong thôn đã đóng góp tiền, công sức để trải nhựa các tuyến đường của thôn; thống nhất, đồng loạt xây dựng một mẫu tường rào cho từng tuyến, tạo nét đẹp riêng cho từng ngõ, từng xóm. Đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh, hàng ngày vệ sinh quét dọn đường làng, ngõ xóm. Và thôn 4 cũng là thôn đầu tiên của huyện Thiệu Hóa xây dựng nông thôn mới thông minh.
Trước đây, khi thông báo về các sự kiện, hội họp, cán bộ thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định thường sử dụng loa truyền thanh hoặc giấy mời. Tuy nhiên, do một số nơi, người dân sống không tập trung nên không nắm bắt thông tin kịp thời. Giờ đây, với ứng dụng zalo, người dân địa phương đã nhận được thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Nhà văn hóa thôn Tân Ngữ 2 cũng được lắp đặt internet tích hợp mạng wifi, truyền hình internet và truyền hình họp trực tuyến; trên 80% người dân trong độ tuổi lao động có điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy vi tính kết nối internet, mạng 3G/4G. Ngoài ra, thôn có hệ thống camera an ninh, và trên 70% hộ dân lắp đặt camera an ninh tại gia đình.
Bà Nguyễn Thị Dinh, Bí thư chi bộ thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định cho biết: "Hiện nhóm zalo thôn đã có 203 thành viên trên 283 hộ, nhóm đang tương tác rất tốt. Đối với mô hình camera an ninh, chúng tôi đã thống nhất với các tổ an ninh xã hội để lắp camera ở các ngõ xóm, nhờ đó tình hình an ninh trật tự được đảm bảo rất tốt.
Cũng như các xã trong huyện Thiệu Hóa và Yên Định, nhằm đẩy mạnh XDNTM theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất, từng bước hình thành NTM thông minh, góp phần chuyển đổi số (CĐS) nông nghiệp, nông thôn, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung là một trong 3 xã được lựa chọn thí điểm thực hiện mô hình CĐS cấp xã từ cuối năm 2020, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, đến nay, xã Hà Sơn (Hà Trung) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo nền tảng XDNTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Ông Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Hà Sơn cho biết: Theo lộ trình, xã Hà Sơn đã nỗ lực phấn đấu và hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2023, để hoàn thành mục tiêu đề ra, xã đã chọn thôn Chí Phúc để xây dựng thôn thông minh theo đúng quy định xã NTM kiểu mẫu có ít nhất một mô hình thôn thông minh. Nhận thức đây là mô hình hay, phù hợp xu thế tất yếu của thời đại 4.0, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của cấp ủy, chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng thời mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân...
Xã Hà Sơn đã bắt ngay vào thực hiện, đồng thời đầy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân. Đến nay, thôn Chí Phúc đã được nâng cấp hệ thống hạ tầng mạng, tăng cường việc giao tiếp với người dân thông qua các nhóm zalo, lắp đặt hệ thống camera an ninh, hệ thống truyền hình trực tuyến tại nhà văn hóa thôn...
Anh Nguyễn Văn Hoạt, trưởng thôn Chí Phúc cho biết: Nhờ có trang thông tin điện tử và các nhóm zalo chung trên điện thoại nên mọi thông tin chỉ đạo của xã được các thôn cập nhật nhanh chóng, chính xác. Sau đó, thôn sẽ thông báo đến bà con nhân dân qua nhóm zalo, hệ thống loa truyền thanh... để bà con nhân dân nắm bắt và thực hiện kịp thời.
Hiện nay, hầu hết các thôn được chọn xây dựng thôn thông minh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều đã thành lập trang thông tin điện tử trên nền tảng mạng xã hội zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện. Cùng với sự hỗ trợ của xã, các thôn đã huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí, camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính...
Ngoài ra, các địa phương cũng quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, cập nhật kiến thức cho người dân mở tài khoản, thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử. Đồng thời, tập trung hướng dẫn, khuyến kích người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, đẩy mạnh quảng bá, mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM giai đoạn 2021-2025 tập trung vào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Triển khai mô hình "Thôn thông minh" là một trong những yêu cầu để đạt được mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM kiểu mẫu.
Đây cũng là tiền đề để hướng tới mô hình xã nông thôn mới thông minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, kéo gần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, xây dựng nông thôn Thanh Hóa ngày càng văn minh, hiện đại.
Triều Nguyệt“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.