Thanh Hóa: Xây dựng NTM đi vào thực chất, tiếp tục đạt thêm nhiều kết quả quan trọng
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng hành, hưởng ứng và tham gia tích cực của nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua bối cảnh khó khăn chung, tiếp tục đạt thêm nhiều kết quả quan trọng trong năm 2023.
Những kết quả đạt được
Có thể nói, phong trào xây dựng NTM thời gian qua ở tỉnh Thanh Hóa đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao. Với sự chủ động, sáng tạo cùng những giải pháp phù hợp của các địa phương, năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại Thanh Hóa đã giúp nhiều vùng nông thôn thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từ đó, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà còn tạo cơ hội cho người dân phát triển kinh tế.
Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, các địa phương có điều kiện huy động nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng NTM. Cùng với nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM, nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khác, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hơn 2.779 km đường giao thông nông thôn, 933 km mương và rãnh thoát nước, 229 công trình thủy lợi.
Cùng với đó, có 2.677 phòng học, 1.269 km đường điện, 331 trạm biến áp, 75 trung tâm văn hóa - thể thao xã, 731 nhà văn hóa thôn, 66 chợ nông thôn, 78 trạm y tế, 38 công sở xã, 59 công trình cấp nước sinh hoạt, 18 bãi chứa rác thải tập trung, xử lý ô nhiễm môi trường và 130 nghĩa trang theo quy hoạch cũng được xây dựng mới, chỉnh trang và xây mới trên 46.000 nhà ở dân cư theo tiêu chí NTM…
Phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông, chỉnh trang cảnh quan, nhà cửa, khu dân cư, xây dựng cảnh quan môi trường sạch đẹp… được các địa phương tiếp tục triển khai rộng khắp, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu (thôn Phú Cường, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).
Hơn thế nữa, xây dựng NTM cũng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp, văn hóa đặc trưng của các dân tộc, các địa phương trong tỉnh; khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư.
Với những cách làm phù hợp, hiệu quả, trong 2 năm 2021-2022 và quý I/2023, Thanh Hóa đã có thêm 4 đơn vị cấp huyện, 35 xã và 148 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM, 53 xã đạt NTM nâng cao; 11 xã và 254 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 223 sản phẩn được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Bình quân chung toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí NTM/xã. Niềm tin và sự kỳ vọng đối với sự thành công của Chương trình xây dựng NTM sẽ là nền tảng, động lực để Thanh Hóa hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, ấm no và hạnh phúc.
Đáng chú ý, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, các ban, sở, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố bám sát hướng dẫn của Trung ương, kế hoạch của tỉnh để tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai các hoạt động phát triển sản phẩm OCOP.
Trong giai đoạn 2021-2022, các địa phương đã rà soát, đăng ký 250 sản phẩm có lợi thế đưa vào kế hoạch hỗ trợ, phát triển sản phẩm và đánh giá theo chu trình OCOP. Kết quả, đã tổ chức đánh giá 245 sản phẩm, trong đó hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận 223 sản phẩm OCOP và 01 sản phẩm nâng hạng, cho 173 chủ thể OCOP trên địa bàn 154 xã, phường, thị trấn thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Điều đáng mừng là các sản phẩm sau khi được công nhận, xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả về quy mô, số lượng và doanh thu bán hàng khoảng 15-20%...Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 37,52 triệu đồng, tăng 0,62 triệu đồng so với năm 2020.
Để nông thôn luôn và mãi mãi là nơi đáng sống, muốn về
Tính đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 352 xã, 317 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 75 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12 xã, 317 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 317 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (được xếp hạng từ 3-4 sao), 01 sản phẩm 5 sao. So với mục tiêu, kế hoạch giai đoạn 2021-2025: Đạt 63% chỉ tiêu huyện NTM, 86% chỉ tiêu xã, 80% chỉ tiêu thôn/bản miền núi NTM; 45% chỉ tiêu xã NTM nâng cao; 29% chỉ tiêu xã NTM kiểu mẫu…
Mặt khác, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. Đáng chú ý, diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao 15,466 ha, chuyển đổi 5.304 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn.
Theo đó, các địa phương đã tăng cường, đẩy mạnh việc thực hiện phát triển sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã đã đầu tư, liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, sản xuất lúa giống, chế biến nông, lâm sản, cơ giới đồng bộ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, toàn tỉnh, năm 2022, đã tạo việc làm mới cho 58.950 lao động; trong đó, đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao đồng 10.920 lao động, toàn tỉnh tổ chức truyển sinh đào tạo nghề được cho 70.000 người.
Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2023-2025 toàn tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có thêm 7 huyện, 58 xã, 176 thôn/bản đạt chuẩn NTM (có 4 huyện và 90 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 29 xã và 23 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 120 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Để phong trào xây dựng NTM trong thời gian tới đạt hiệu quả, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Với phương châm "Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc". Nhiệm vụ căn cơ của Thanh Hóa thời gian tới, cùng với việc tiếp tục huy động sức dân tham gia xây dựng NTM, là việc chuyển đổi tư duy làm nông nghiệp sang sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Từ đó tạo ra sức sản xuất mới, sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Cường chia sẻ thêm: Đối với tỉnh Thanh Hóa, cần thống nhất nhận thức là: Nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn giữ vai trò quan trọng, là bệ đỡ, là nền tảng trong phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, hoạt động phát triển nông nghiệp phải xoay quanh người nông dân. Người nông dân phải là trung tâm, là chủ thể, nông thôn phải là nền tảng, là cơ sở và nông nghiệp phải là động lực cho sự phát triển của tỉnh. Thực hiện xây dựng NTM gắn với tái cấu trúc ngành nông nghiệp". Tuyên truyền, vận động người dân hướng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh". Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp.
Các xã được công nhận NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu phải tiếp tục triển khai thực hiện chương trình theo hướng nâng cao chất lượng các tiêu chí, gắn với quá trình đô thị hóa. Xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả và hài hòa, thực sự đem lại sự hài lòng và hạnh phúc của nhân dân, để nông thôn luôn luôn và mãi mãi là nơi mà chúng ta muốn sống, muốn đi về.
Triều NguyệtCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.