Thanh Hóa: Xây dựng phương án cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân huyện Nông Cống trong thời gian giãn cách xã hội
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa vừa ban hành Công văn số 3892/PA-SNN&PTNT về phương án cung cấp lương thực, thực phẩm cho huyện Nông Cống trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Thanh Hóa: Tất cả vì mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân
- Thanh Hóa: Kêu gọi cán bộ, nhân viên y tế đã nghỉ hưu tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19
- Thanh Hóa: Tạm dừng đến trường tất cả các bậc học đối với TP. Thanh Hóa và các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15, 16
Theo đó, do việc giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Nông Cống (Thanh Hóa) diễn ra khẩn trương, nhân dân không kịp chuẩn bị dự trữ nhu yếu phẩm thiết yếu. Vì vậy, ngoài nguồn tự có trong nhân dân, dự báo sẽ có khoảng 42.000 người không tiếp cận được nguồn lực thực, thực phẩm và sẽ thiếu trong khoảng thời gian từ 7-10 ngày. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã xây dựng phương án cung cấp lương thực, thực phẩm cho huyện Nông Cống trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Cụ thể, phương án nguồn hàng và đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, bốc xếp, vận chuyển như sau: Về gạo sẽ do Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tham mưu và trực tiếp chỉ đạo; Công ty TNHH thương mại An Thành Phong, Công ty CP thương mại Sao Khuê chịu trách nhiệm cung cấp và vận chuyển tới vị trí cấp phát.
Về rau củ quả, lạc nhân sẽ do Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tham mưu và trực tiếp chỉ đạo; Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ chủ động điều tiết, phân công các công ty thành viên trong hiệp hội thu gom hàng hóa và vận chuyển hàng tới vị trí cấp phát.
Về thịt lợn, thịt gia cầm, trứng do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham mưu, phối hợp với UBND huyện Nông Cống tổ chức hoạt động cung ứng lợn, gà, vịt sống tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn, UBND huyện có phương án điều tiết, luân chuyển, kiểm soát lượng hàng hóa bán ra, đảm bảo mỗi người dân đều mua đủ tiêu dùng, không mua gom, tích trữ.
Cá, tôm các loại thì sử dụng cá biển đông lạnh, cá đã qua phơi sấy (cá khô) do cá đã được cấp đông đảm bảo chất lượng, dễ bảo quản, vận chuyển, cấp phát. Chi cục Thủy sản tham mưu và trực tiếp chỉ đạo; phối hợp với các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn chịu trách nhiệm cung cấp và vận chuyển hàng tới vị trí cấp phát.
Về muối, nước mắm sẽ do Chi cục quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản tham mưu và chỉ đạo, trực tiếp làm việc với 2 hợp tác xã muối ở huyện Hậu Lộc (HTX Hòa Lộc và HTX Hải Lộc), phường Hải Châu (TX Nghi Sơn), Công ty CP Visaco và các công ty kinh doanh muối, nước mắm trên địa bàn tỉnh (nếu cần), vận động các đơn vị cung ứng muối vận chuyển đến trung tâm các xã, thị trấn trong huyện.
Công tác bốc xếp, vận chuyển giao nhận, tháo giỡ hàng hóa sẽ do các đơn vị được giao nhiệm vụ vận chuyển chịu trách nhiệm bốc xếp hàng hóa lên xe vận chuyển. Thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch. Mỗi xe vận chuyển tối đa không quá 2 người. Giao hàng tại UBND hoặc trung tâm xã (do ban chỉ đạo xã, huyện tiếp nhận), không giao hàng xuống trung tâm các thôn, làng để đảm bảo phòng, chống dịch và an ninh trật tự. Khi đến điểm giao hàng lái xe không xuống xe, chỉ người giao hàng xuống xe để làm thủ tục giao nhận hàng hóa, trang bị đầy đủ trang phục thiết bị chống nhiễm dịch, đảm bảo cự ly tiếp xúc; UBND các xã, thị trấn nơi tiếp nhận hàng tổ chức lực lượng bốc dỡ (là những người không có lịch sử tiếp xúc ca bệnh trong diện từ F1-F3); tổ chức cấp phát đến hộ gia đình.
UBND huyện Nông Cống sẽ tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu từng loại nông sản thực phẩm, đề xuất khối lượng, thời gian địa điểm cấp, báo cáo về UBND tỉnh, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đề xuất của huyện Nông Cống phải gửi trước khi có yêu cầu nhận hàng tối thiểu 24 tiếng. Tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn địa điểm giao hàng, tổ chức lực lượng phân phối hàng hóa đến tay nhân dân, không để nhân dân tự lấy.
Tất cả các kịch bản, kế hoạch, biện pháp, nhiệm vụ phòng chống COVID-19 đã được tỉnh xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện từ khi dịch, bệnh mới xuất hiện, nhưng trong tình hình mới, diễn biến mới, cần được điều chỉnh, bổ sung và nâng cao hơn. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng chung của toàn Đảng, toàn dân, không riêng của tổ chức nào, cá nhân nào. Đoàn kết để tạo nên sức mạnh và đây sẽ là "kiên chắn" vững vàng nhất , bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.
Với phương châm: "Thần tốc, mạnh mẽ, nghiêm ngặt các giải pháp và cương quyết, ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế tối đa số người nhiễm, phấn đấu không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn tỉnh", tận dụng "thời gian vàng" để truy vết, khoanh vùng và dập dịch. Tỉnh Thanh Hóa đang cố gắng làm hết sức mình, chạy đua với thời gian, quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh nhà.
Yến HoàngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.