Thanh Hóa: Xây dựng sản phẩm OCOP Lúa nếp Cay Nọi đạt chuẩn 3 sao

Địa phương
10:49 AM 08/12/2022

Lúa nếp Cay Nọi được người dân xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát trồng từ nhiều đời nay. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng cùng kinh nghiệm chăm sóc của bà con dân tộc nơi đây; lúa có vị thơm rất đặc trưng, hạt căng tròn, trắng mẩy. Sản phẩm thường được dùng để đồ xôi, nấu chè, làm bánh… Năm 2021, sản phẩm lúa nếp Cay Nọi đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của huyện Mường Lát. Đây là lợi thế để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Quang Chiểu phát huy thế mạnh trong xây dựng nông thôn mới.

Dự án xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP Lúa nếp Cay Nọi, tại bản Pùng, xã Quang Chiểu do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai thực hiện.

Giống Lúa  nếp Cay Nọi có nguồn gốc từ Lào, được du nhập vào huyện Mường Lát từ những thập niên 80 của thế kỷ trước. Thời ấy, nhân dân địa phương đang còn túng thiếu, nhiều hộ gia đình còn thiếu ăn khi mùa giáp hạt đến. Bởi vậy, bà con nơi đây đã được nhân dân nước bạn Lào hỗ trợ lúa giống. Từ đó, Lúa nếp Cay Nọi được gìn giữ và phát triển trên vùng đất Quang Chiểu như một loại nếp quý do phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng.

Toàn xã Quang Chiểu hiện có hơn 400ha đất nông nghiệp, thì đã có khoảng 300ha trồng Lúa nếp Cay Nọi. Cây lúa nếp Cay Nọi được trồng 1 vụ duy nhất trong năm. Từ độ tháng 6 bắt đầu gieo mạ và cấy ở chân ruộng bậc thang thấp, cho đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 thì thu hoạch.

Thanh Hóa: Xây dựng sản phẩm OCOP Lúa nếp Cay Nọi đạt chuẩn 3 sao - Ảnh 1.

Dự án Xây dựng mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP lúa Nếp Cay Nọi, tại bản Pùng, xã Quang Chiểu do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai thực hiện

Giống Lúa nếp Cay Nọi có điểm đặc biệt là thời gian từ khi gieo cấy đến khi thu  hoạch kéo dài 5 tháng. Thời gian từ khi gieo mạ đến khi đưa  đi  cấy cũng kéo dài tận 30 ngày, trong khi đó các giống lúa thông thường chỉ gieo mạ dưới 25 ngày. Bởi theo lý giải của người dân, mạ càng già cây lúa sẽ càng cứng cáp, lúa chắc hạt, càng dẻo, càng thơm. Cây lúa nếp Cay Nọi còn có đặc điểm cao hơn 1m, thân cứng, đặc biệt phù hợp với đồng đất bản Pùng, trồng ở nơi khác hiệu quả và chất lượng gạo không cao.  

Bà Lương Thị Nồng, Chủ nhiệm HTX nông Lâm Chung Thành chia sẻ: Giống Lúa Nếp Cay Nọi của địa phương được lưu giữ và phát triển từ thời xa xưa để lại, khi đến mùa thu hoạch vỏ hạt lúa có màu rất đặc trưng: nâu đỏ, hạt gạo trắng mẩy, khi đồ  lên có mùi thơm, dẻo hơn khi ăn nóng. Để làm ra sản phẩm lúa nếp đạt chuẩn, quy trình sản xuất lúa bao gồm 3 công đoạn chính là chọn giống, chăm sóc và đóng gói sản phẩm; trong đó, khâu quan trọng nhất là chọn giống lúa. Giống được chọn ngay tại ruộng, chọn bông lúa dé dài, có hạt mảy đều, gọn bông, không chọn dé dưới để bảo đảm chất lượng gạo. Sau đó, giống lúa được mang đi phơi nắng trên giàn cách ly đến khi nào hạt có màu trắng đục là đạt chuẩn.

Nói về năng suất, hiệu quả của giống Lúa nếp Cay Nọi, chị Nồng hồ hởi: Trước đây, bà con thường cấy dày, bón nhiều đạm nên cây lúa hay bị sâu đục thân, khô cằn và dễ đổ khi gặp mưa bão ảnh hưởng đến năng suất. Từ khi được HTX hướng dẫn sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật đã khắc phục được những hạn chế trên.

Mặc dù có giá trị cao, là sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích, nhưng nhiều năm qua, người nông dân thu hoạch thường bị tư thương ép giá. Chính vì vậy, HTX nông Lâm Chung Thành, xã Quang Chiểu (Mường Lát) đã thành lập để làm cầu nối cho gạo Cay Nọi đến với thị trường trong và ngoài tỉnh được "thuận buồm xui gió". HTX liên kết với 31 hộ dân trên địa bàn xã  Quang Chiểu, sản xuất gạo Cay Nọi theo Chương trình OCOP. Các hộ dân sẽ được HTX hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và giúp tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Đây chính là điều kiện để bà con yên tâm phát triển giống gạo đặc sản này.

Xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, huyện Mường Lát nỗ lực xây dựng một số sản phẩm có lợi thế của địa phương trở thành sản phẩm OCOP, trong đó Lúa nếp Cay Nọi là sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện vào năm 2021. Năm 2022, UBND huyện Mường Lát, giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, triển khai dự án "Xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP Lúa nếp Cay Nọi" tại bản Pùng, xã Quang Chiểu quy mô 50ha với 220 hộ tham gia, thời gian thực hiện 5 tháng/vụ mùa năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Biện, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Lát, chia sẻ: Hiện nay chúng tôi đang tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP làm cơ sở để chứng minh với các đơn vị quản lý, tổ chức chứng nhận và khách hàng khi sử dụng sản phẩm gạo Cay Nọi. Các hộ tham gia dự án sẽ được tập huấn chuyển giao các quy trình kỹ thuật gieo trồng lúa, quy trình thâm canh, áp dụng thực hành nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, đặc biệt là 100% người lao động tham gia dự án đều được học lớp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để hạn chế thấp nhất việc dùng thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, các hộ phải cam kết thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật của mô hình.

Do tuân thủ các quy trình về kỹ thuật, nên năng suất lúa bình quân vụ mùa năm 2022 ước đạt trên 45 tạ/ha; dự kiến sau khi trừ chi phí thực hiện mô hình dự án, lợi nhuận thu về khoảng trên 42 triệu đồng/ha/vụ/sào (500m2).

Có thể nói, Dự án xây dựng mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP Lúa Nếp Cay Nọi, tại bản Pùng, xã Quang Chiểu là phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, từng bước chuyển giao và nhân rộng diện tích gieo trồng trên địa bàn. Góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu bền vững cho người dân địa phương. 

Thành công từ mô hình sản phẩm OCOP Lúa Nếp Cay Nọi tạo ra một dự án mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện Mường Lát, từ chuỗi liên kết sản phẩm đến tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là bài học để các địa phương khác học tập và làm theo.

                       

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn