Thanh Hóa: Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa, làm động lực để Tỉnh trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc

Địa phương
06:33 PM 19/09/2021

"Xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, “trái tim” của cả tỉnh, động lực quan trọng để tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc". Đó là nội dung được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cho ý kiến tại "Đề án xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; 10 năm xây dựng, phát triển TP Thanh Hóa (2011-2020) với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, của Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh - Ủy ban MTTQ, các đoàn thể; sự phối hợp tạo điều kiện của các ngành, địa phương và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, với tinh thần "Cả tỉnh vì thành phố - thành phố vì cả tỉnh", Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên với quyết tâm cao và đã giành được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện và đang trên đà phát triển đi lên mạnh mẽ.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc - Ảnh 1.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua Đề án xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Những thành tựu đó sẽ là tiền đề để thành phố làm mục tiêu xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 – 2025 , nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội; Tăng cường sự kết nối giữa các lĩnh vực trong thành phố; Quản trị đô thị tinh gọn; Nâng cao chất lượng sống và làm việc và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế bền vững của thành phố Thanh Hóa.

Cùng với đó, đến năm 2030 sẽ tiến đến đưa thành phố Thanh Hóa trở thành một đô thị tiêu biểu của khu vực Bắc Trung Bộ, tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh, là hạt nhân đầu tàu đưa tỉnh Thanh Hóa hướng tới là một trong các tỉnh dẫn đầu về phát triển kinh tế trong khu vực. Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đồng bộ (đặc biệt là dữ liệu người dân, dữ liệu hạ tầng không gian), phân tích dữ liệu lớn, dự báo hỗ trợ ra quyết định để hướng đến phục vụ người dân, du khách tốt hơn. Các dịch vụ công được được cung cấp dưới dạng cá nhân hóa theo nhu cầu, phát huy nguyên tắc người dân làm trung tâm của đô thị thông minh.

Để hiện thực hóa được những mục tiêu trên thì Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 phải sớm phê duyệt để cập nhật, phù hợp với định hướng phát triển đô thị thông minh. Xây dựng và ban hành "Đề án xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh"; mục tiêu của đề án là xây dựng được một kiến trúc tổng thể của đô thị thông minh; Đặc biệt, cần nêu rõ các quan điểm trong việc xây dựng đô thị thông minh, để làm căn cứ xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Hệ thống dữ liệu xây dựng thành phố thông minh trong từng lĩnh vực cần có tính liên thông và kế thừa, đảm bảo tính thống nhất; tối đa hóa việc chia sẻ và kết nối dữ liệu để bất kỳ tổ chức, cá nhân đều có thể tiếp cận, tra cứu dễ dàng, trừ những thông tin mật theo quy định. Sớm ban hành thể chế, hệ thống các văn bản quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị thông minh phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc - Ảnh 2.

Thanh Hóa sẽ xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025

Trước yêu cầu và nhiệm vụ phát triển mạnh mẽ của tỉnh, TP Thanh Hóa giữ vị trí đặc biệt quan trọng, cùng với TP Sầm Sơn là trung tâm kinh tế động lực của tỉnh và giữ vai trò trung tâm kết nối trong các hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế Bắc - Nam, với các định hướng phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

Theo Đề án "Xây dựng và phát triển thánh phố Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 2021-2025 có tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 15,3%, thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 130 triệu đồng, tổng huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 đạt 180.000 tỷ đồng, tổng giá trị xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 đạt 10.660 triệu USD; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia năm 2025 đạt 95%, trong đó trường chuẩn quốc gia mức độ II đạt 42%; tỷ lệ tham gia BHYT/tổng số dân năm 2025 đạt 95%.

Sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn về thành phố Thanh Hóa vào năm 2023 , thì Giai đoạn 2026-2030 tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 18%, thu nhập bình quân đầu người năm 2030 đạt 230 triệu đồng, tổng huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2026-2030 đạt 254.000 tỷ đồng, tỷ lệ phường, xã đạt tiêu chí an toàn thực phẩm nâng cao năm 2030 đạt 100%, tỷ lệ phường, xã, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chí kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2030 đạt 53%.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc - Ảnh 3.

Mở rộng không gian Tp. Thanh Hóa là nhu cầu phát triển tất yếu của thời kỳ mới

Để đạt được các mục tiêu trên, đề án đưa ra 4 nhóm nhiệm, giải pháp chủ yếu về kinh tế; văn hóa - xã hội, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển và về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Trong mỗi lĩnh vực đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện. Đơn cử như ở lĩnh vực kinh tế nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; tập trung phát triển 6 trung tâm gồm 12 khu vực để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế

Tỉnh Thanh Hóa sẽ trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc - Ảnh 4.

Thanh Hóa sẽ là cực tăng trưởng mới ở Phía Bắc

Hiện nay, Thành phố Thanh Hóa là 1 trong 4 trung tâm động lực của tỉnh Thanh Hóa đã được nhiều nhà đầu tư bất động sản lớn, với những dự án được nghiên cứu bài bản dựa trên nhu cầu, tiềm năng thực tế. Điển hình như khu vực phía Bắc TP Thanh Hóa, sự xuất hiện của những tên tuổi lớn trong ngành bất động sản như Tập đoàn T&T, liên danh Công ty CP Eurowindow Holding… đã tạo sức nóng cho khu vực này. Theo đó, vào cuối năm 2019 Tập đoàn T&T đã báo cáo ý tưởng quy hoạch 1/2000 khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Tây Bắc thành phố Thanh Hóa và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới tại cửa ngõ phía Bắc thành phố Thanh Hóa.

Hi vọng Thành phố Thanh Hóa sẽ sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về thương mại dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được bảo đảm; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước về quy mô kinh tế và tốc độ tăng trưởng, động lực quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2045 trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, "kiểu mẫu" của cả nước.

Vũ Quỳnh
Ý kiến của bạn
Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng

Từ nay, những khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp.