Thanh Hóa: Xây dựng ý thức công dân thời giãn cách
Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của đất nước. Trong bối cảnh cả nước đang đồng lòng chống dịch, ưu tiên bảo vệ tính mạng sức khỏe của nhân dân nhằm sớm đưa đất nước trở về trạng thái bình thường mới, thì đâu đó ở vùng giãn cách xã hội vẫn còn những cá nhân lơ là, chủ quan, vi phạm. Tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của mỗi người chính là yếu tố quyết định sự thành bại của cuộc chiến "chống dịch như chống giặc". Mỗi người dân hãy là một "chiến sĩ", mỗi làng xã hãy là một "pháo đài" tạo "khiên chắn" vững chắc để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
- Thanh Hóa: Quyết liệt phòng chống dịch, gắn liền với phát triển kinh tế sớm ổn định đời sống nhân dân
- Tiên Sơn Thanh Hóa (AAT) sắp huy động 250 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm xây nhà máy và trả nợ
- Tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- Chấn chỉnh hoạt động của các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Thực tế cho thấy, sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch đang là mối nguy lớn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, tinh thần trách nhiệm, ý thức, sự tự giác của mỗi người dân được xem là yếu tố tiên quyết đến sự "thành bại" của cuộc chiến "chống dịch như chống giặc". Phải thẳng thắn nhìn nhận cuộc chiến chống COVID-19 sẽ còn kéo dài.
Để tiếp tục giữ vững những thành quả đã đạt được, mỗi người dân không chỉ quan tâm thực hiện tốt khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế, mà phải nêu cao vai trò như một tuyên truyền viên tích cực, nhắc nhở những người xung quanh cùng thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cá nhân, sức khỏe cộng đồng.
Mỗi người dân bằng lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, vì cộng đồng hãy tích cực tham gia công tác đấu tranh, tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép, tích cực phát giác những người đi từ vùng dịch hoặc từ địa phương khác để nhắc nhở khai báo y tế, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh theo tinh thần "mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi phường xã là một pháo đài". Khi ý thức của người dân được nâng cao đó sẽ là "lá chắn thép" trong phòng, chống dịch góp phần phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh.
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị, tỉnh Thanh Hóa trong những ngày giãn cách ý thức của người dân về cơ bản là tuân thủ nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch, hạn chế tối đa việc ra đường khi không có việc thực sự cần thiết. Ngoài đường, nhìn chung chỉ có lực lương chức năng bám chốt chống dịch và Tổ hậu cần chịu trách nhiệm đị chợ giúp người dân đảm bảo nhu yếu phẩm cho sinh hoạt hàng ngày.
Tại đại bàn huyện Nông Cống thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 25-8. Ai ở nhà đó. Chưa bao giờ mà khoảng cách từ nhà tới nhà, từ thôn này tới thôn kia lại trở nên xa xôi như trong những ngày giãn cách xã hội. Người dân chấp nhận không gần nhau để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh. Ông Phạm Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: "Trong suốt thời gian giãn cách xã hội, chỉ có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ mới lưu thông trên đường, còn người dân Nông Cống thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch. Chúng tôi rất phấn khởi khi hầu hết người dân đồng lòng ủng hộ như vậy". Ý thức người dân là yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc chiến chống giặc COVID-19, vì thế mà kết thúc 15 ngày thực hiện Chỉ thị số 16, dịch bệnh trên địa bàn huyện Nông Cống đã cơ bản được kiểm soát.
TP Thanh Hóa những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mọi người đã dần quen với nhịp sống mới, chủ động thay đổi thói quen sinh hoạt trước đây và tuân thủ nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó". Xây dựng ý thức "nhà cách nhà, người cách người" là biện pháp hữu hiệu nhất để cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền TP Thanh Hóa phòng, chống dịch bệnh. Ai cũng bảo nhau chấp hành nghiêm túc, không ai đi ra ngoài nếu không có việc thực sự cần thiết.
Tại huyện Nga Sơn trong những ngày áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 nhằm sớm bóc tách các F0 tiềm ẩn trong cộng đồng. Người dân ai cũng đồng tình, ủng hộ và chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch. Các tuyến đường không còn những dòng xe đông đúc, vội vã, quán xá, cửa hàng, cửa hiệu đều chấp hành đóng cửa. Bà Nguyễn Thị Hiền, thôn 4, xã Nga Văn, cho biết: "Nửa tháng giãn cách xã hội, gia đình tôi đã có sẵn nguồn thực phẩm như gạo, cá, vịt, gà, rau trong vườn nên không cần đi chợ. Phần lớn người dân trong xã đều sẵn thực phẩm nuôi và trồng được nên ít khi phải mua đồ dự trữ, hạn chế việc phải đi ra đường".
Tại huyện Hậu Lộc cũng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, riêng thị trấn Hậu Lộc áp dụng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Những con phố vắng lặng bởi người dân không ai ra đường, Quốc lộ 10 chạy qua địa bàn thị trấn Hậu Lộc vốn tấp nập các hoạt động buôn bán, giao thương đã đóng cửa. Con ngõ nhỏ ở đường Bà Triệu, tiểu khu Trung Đức, thị trấn Hậu Lộc – khu phong tỏa sau khi ghi nhận 2 ca dương tính trong cộng đồng im lìm, chẳng ai bảo ai nhưng nhà nào cũng "cửa đóng then cài". Chỉ có lực lượng chức năng dựng chốt, thường trực ngày đêm để kiểm soát người ra vào khu phố.
Tuy nhiên, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, bên cạnh những hình ảnh đẹp, xúc động giữa người với người, sự chung tay, góp sức của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch thì đâu đó vẫn còn những sự việc đáng tiếc, những hành động đáng phải lên án liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Điều này cần sớm được loại bỏ, khắc phục thì "thành trì" và kết quả trong phòng, chống dịch thời gian qua của các cấp, các ngành trong tỉnh mới được bảo vệ vững chắc.
Chia sẻ về vấn đề này ông Nguyễn Văn Sử, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) cho hay: "Tôi rất bất bình với những người không chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Đảng và Nhà nước; mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tính mạng của cá nhân. Thiết nghĩ, chính quyền các địa phương cần xử lý quyết liệt hơn, nghiêm hơn đối với những cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19".
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Thành phố Thanh Hóa đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Một sự chuyển đổi trạng thái bắt buộc với những yêu cầu nghiêm ngặt và khắt khe, "ai ở đâu ở đó", người dân chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết . Một "hàng rào" quy định được thiết lập để đảm bảo thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, trong khi đại bộ phận người dân chấp hành tốt các quy định giãn cách, thì vẫn còn đó, những người ra đường không có lý do chính đáng, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo. Hơn lúc nào hết, vào lúc này, mỗi chúng ta cần chấp hành tốt các quy định về giãn cách xã hội. Chỉ có ý thức thực hiện tốt các quy định, dành thời gian vàng cho lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thì thành phố mới không còn phải giãn cách, thành phố mới trở lại nhịp sống bình thường.
Theo thống kê của Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Thanh Hoá, qua 12 ngày (từ ngày 2-9 đến 13-9) thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, lực lượng chức năng của thành phố đã phát hiện, xử phạt tới 2.355 trường hợp vi phạm khi ra đường không có ly do, không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổng số tiền xử phạt hơn 2,4 tỷ đồng.
Dù thành phố Thanh Hóa đã thực hiện test nhanh tầm soát kháng nguyên Sars-CoV-2 đối với gần như tất cả người dân trên địa bàn, nhưng như thế mới tạm làm chúng ta yên tâm chứ chưa thể hết lo lắng. Tính cấp bách đòi hỏi không chỉ chính quyền và cơ quan chức năng phải nỗ lực, mà từng người dân phải nâng cao một bước về nhận thức, đồng hành trách nhiệm cùng cả hệ thống chính trị của thành phố trong lúc này.
Những nơi thực hiện giãn cách là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Ở những nơi ấy, ý thức trách nhiệm và sự tự giác của mỗi người dân được xem là liều vắc-xin hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Không ai có thể giữ mãi bình yên cho riêng mình nếu cộng đồng còn chưa an toàn. Vì vậy, "vắc-xin ý thức" cần được nuôi dưỡng từ tất cả mọi người, trong sự đồng lòng quyết tâm chống dịch.
Yến HoàngTheo WB, lộ trình chuyển đổi sang xe điện ở Việt Nam cần tập trung ở 5 trụ cột: sản xuất xe điện, kích cầu tiêu dùng, phát triển hạ tầng sạc, đảm bảo nguồn cung điện, đào tạo nhân lực chất lượng cao.