Thanh Hóa: Xếp thứ 2 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP
Sau 6 năm thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã phát huy được thế mạnh sản xuất ở mỗi vùng miền; khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Tính đến trung tuần tháng 9/2024, tỉnh Thanh Hóa đã có 531 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 53 sản phẩm 4 sao và 473 sản phẩm 3 sao. Với số lượng sản phẩm OCOP như trên, tỉnh Thanh Hóa xếp thứ 2 toàn quốc về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận, sau thành phố Hà Nội.
Về tổng thể, Thanh Hóa là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với gần 200 làng nghề truyền thống và hơn 600 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Trong số 531 sản phẩm OCOP, có 23 sản phẩm OCOP được xuất khẩu như: mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; sản phẩm từ tre của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Bamboo Vina xuất khẩu đi các thị trường EU, Mỹ; dứa, ngô ngọt đóng hộp Trường Tùng xuất khẩu đi các nước EU...
Từ khi thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, các chủ thể đã tích cực sáng tạo, đầu tư nâng cấp sản phẩm, trở thành thương hiệu đặc trưng của vùng miền, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo đó, 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa có thêm điều kiện thuận lợi để khai thác du lịch sinh thái cộng đồng và phát triển các mô hình dược liệu dưới tán rừng bao phủ mà lâu nay chưa được "đánh thức". Từ khi có Chương trình OCOP, các địa phương đã chủ động đăng ký tham gia; đồng thời, chuyển đổi từ sản xuất thô sang chế biến để nâng cao giá trị, giá thành sản phẩm.
Với mục tiêu phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, ngay từ khi triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã xác định phải đặc biệt coi trọng yếu tố chất lượng sản phẩm gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế và cả nét văn hóa riêng biệt, phong tục tập quán sản xuất của người dân các địa phương. Cùng với đó, mỗi địa phương, chủ thể sản xuất luôn chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng hiện hành nên nhiều sản phẩm được thị trường đánh giá cao.
Đáng chú ý, trong thực hiện Chương trình OCOP, huyện Hoằng Hóa quan tâm và ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, triển khai các sản phẩm OCOP. Cùng với đó, huyện luôn chú trọng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về OCOP; hỗ trợ giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP. Đồng thời, tập trung hỗ trợ kết nối thương mại để từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm OCOP. Qua đó, nhiều sản phẩm OCOP của huyện Hoằng Hóa đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, tiêu biểu như: nước mắn, mắm tôm Lê Gia; nước mắm bà Hảo; rượu sim rừng Bảo An, giò bò Thuật Yến, bánh gai Huy Thu, đông trùng hạ thảo Minh Tường...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa phần sản phẩm OCOP của tỉnh đều được phát triển ở quy mô nhỏ lẻ, chưa đủ tiềm lực để phát triển và đẩy mạnh hệ thống tiêu thụ. Do đó, trên cơ sở định hướng, hỗ trợ của tỉnh và sự chủ động đầu tư của các thành phần kinh tế, toàn tỉnh đã có 20 điểm, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, các chủ thể đã chủ động đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Với cách làm trên, Thanh Hóa có khoảng 95% sản phẩm OCOP được đưa lên giới thiệu và bán trên các sàn điện tử như Postmart.vn, Voso.vn, Shopee, Lazada, alibaba và các nền tảng mạng xã hội như facebook, Zalo, tiktok.
Đặc biệt, với mục tiêu nâng tầm sản phẩm OCOP trên thị trường, các Sở, ngành, địa phương đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm đã có thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, học tập kinh nghiệm. Đồng thời, tập trung xây dựng các dự án liên kết chuỗi đối với các sản phảm OCOP chủ lực, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm nói riêng và hệ sinh thái sản phẩm OCOP Thanh Hóa nói chung.
Với tiềm năng và lợi thế của mình, nhiều sản phẩm OCOP đã khai thác được thế mạnh địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý nhãn hiệu tập thể như: Cói Nga Sơn, quế Ngọc Châu Thường, bánh lá răng bừa Xuân Lập, bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân), cam Vân Du (Thạch Thành), tương Làng Ái (Yên Định), nước mắm và mắm tôm Lê Gia (Hoằng Hóa), miến gạo Thăng Long (Nông Cống)... Với kết quả này, tỉnh Thanh Hóa đã vươn lên xếp thứ 2 cả nước về sản lượng OCOP, chỉ xếp sau Hà Nội. Đây chính là minh chứng cho những nỗ lực trong việc triển khai Chương trình OCOP ở Thanh Hóa.
Có được kết quả trên, trong quá trình xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP Thanh Hóa luôn chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá. Cụ thể là đã đa dạng công tác truyền thông với các hình thức tiếp cận khác nhau: truyền hình, báo chí Trung ương và địa phương, giới thiệu các sản phẩm OCOP qua từng năm và bản tin sản xuất, thị trường và tiêu thụ sản phẩm OCOP Thanh Hóa, đặc biệt chú ý đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn...
Nhờ đó các sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa được nhiều khách hàng tiếp cận. Bên cạnh đó Thanh Hóa còn chú trọng chương trình xúc tiến thương mại, phát triển các điểm bán hàng tổ chức các hội nghị, hội chợ, xây dựng các gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm. Vì thế, nhiều chủ cơ sở kết nối được cung cầu, cung ứng các sản phẩm của mình cho khách hàng một cách hiệu quả nên doanh thu ngày càng tốt hơn. Thanh Hóa phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt thêm 120 sản phảm như kế hoạch đề ra.
Ông Cao Văn Cường Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa cho rằng: Những sản phẩm OCOP ở Thanh Hóa đã thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân. Đồng thời, Chương trình OCOP đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mặt khác, Chương trình OCOP đã trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế nông thôn, thúc đẩy trách nhiệm và năng lực sản xuất, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm của các chủ thể, nhất là các tổ chức kinh tế HTX, doanh nghiệp trong tổ chức. Đồng thời, giúp hình thành nền kinh tế "Xanh", phát triển các vùng sản xuất nông sản "Sạch", nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Triều NguyệtTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.