Thanh Hóa: Xuất khẩu 300 tấn gạo sang thị trường Singapore
Vừa qua, Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn đã xuất khẩu 300 tấn gạo sang thị trường Singapore. Việc sản phẩm gạo "made in Thanh Hóa" được xuất khẩu chính ngạch ra thế giới với quy mô lớn đã mở ra hướng phát triển không chỉ cho doanh nghiệp mà còn nâng tầm giá trị hạt gạo xứ Thanh.
Tiên phong trong xây dựng chuỗi từ sản xuất đến chế biến các sản phẩm nông nghiệp, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã không ngừng phát triển, trở thành đối tác với nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Mới đây, lô hàng 300 tấn gạo của Công ty đã xuất khẩu sang thị trường Singapore. Đây là dòng sản phẩm gạo Japonica J02, được sản xuất từ giống lúa thuần có nguồn gốc Nhật Bản, trồng theo quy trình nông nghiệp công nghệ hiện đại, tiêu chuẩn VietGAP.
Gạo Japonica J02 là dòng gạo cao cấp, thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao và đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Hạt gạo tròn như mặt trăng. Cơm dẻo thơm vị đậm, có hàm lượng amylose thấp hơn và có chưa amylopectin, khi nấu chín hạt cơm trắng ngà, căng tròn như hạt ngọc.
Gạo giống Nhật Japonica - J02 chứa nhiều chất chống oxi hóa. Giàu khoáng chất như Manesium, selennium giúp tạo năng lượng từ protein và tinh bột, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và cân bằng lượng đường trong máu rất tốt cho người bị hen suyễn, huyết áp thấp, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim nạch, ung thư, bệnh gan thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, duy trì sức khỏe của hệ thống thần kinh và xương khớp. Năm 2024, công ty dự kiến xuất khẩu khoảng 1.500 tấn ra thị trường thế giới.
Ông Trần Xuân Trung, Phó Giám đốc phụ trách Thương mại xuất nhập khẩu, Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Hiện nay, đối tác của chúng tôi là công ty Kematsu của Nhật là nhà kinh doanh gạo lớn thứ 2 của Nhật Bản, đây là đối tác rất lớn, để tiếp cận được thị trường chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đầy đủ các quy trình cũng như chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, Gạo Japonica J02 đã được chúng tôi đã xuất khẩu đi Singapore, đi Úc, năm tới sẽ xuất khẩu đi Nhật Bản. Để chinh phục được những thị trường khó tính này công ty định hướng tập trung sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe nhất, có như vậy mới dần khẳng định thương hiệu sản phẩm của mình, thương hiệu gạo quê Thanh. Đồng thời, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người nông dân".
Hiện nay, Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn đã hợp tác xuất khẩu hàng hoá đến khoảng 30 thị trường trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 60 triệu USD. Với việc ký kết đơn hàng và các đối tác lớn về xuất khẩu lúa gạo là cơ sở để công ty phối hợp với các địa phương trong tỉnh xây dựng mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất lúa với quy mô từ 8 - 10 nghìn ha, đồng thời tiếp tục liên kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.
Được biết, Việt Nam là nhà cung ứng gạo lớn nhất vào thị trường Singapore. Quý I/2024 đánh dấu sự vươn lên của Việt Nam, lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore, chiếm 32,03% thị phần, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt sang Singapore đạt cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%). Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường có tiêu chuẩn cao này đang diễn ra khá thuận lợi nhờ năng lực cung ứng, đáp ứng được sản lượng và chất lượng, cùng đó là sự hậu thuẫn về mặt xúc tiến thương mại do Thương vụ Việt Nam tại Singapore hỗ trợ và lưu ý những thông tin cần thiết.
Thời gian tới, để tăng thêm thị phần và duy trì bền vững vị trí dẫn đầu, cạnh tranh được với sản phẩm gạo của Ấn Độ và Thái Lan, theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore cần có sự hỗ trợ góp sức của các bộ ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, tăng sự hiện diện sản phẩm trên địa bàn, duy trì đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Yến HoàngMừng xuân Ất Tỵ, núi Bà Đen Tây Ninh sẽ tổ chức Hội xuân núi Bà với quy mô lớn kéo dài suốt tháng Giêng, dự đoán đón hàng triệu lượt khách đến với ngọn núi cao nhất Nam bộ.